Tuy vậy, tỉnh này vẫn chưa nhận được ý kiến chỉ đạo của Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn về hướng xử lý đối với đàn chim yến tại cơ sở nuôi đã công bố dịch.
Trước mắt, tỉnh Ninh Thuận chỉ đạo thực hiện việc tiêu hủy đàn yến theo ba bước: đầu tiên là hủy toàn bộ yến non và trứng; tiếp theo sẽ tiêu diệt những con yến không đi ăn vào ban ngày do sức khỏe yếu, đồng thời phun thuốc tiêu độc khử trùng nhà nuôi; cuối cùng, những con yến trưởng thành nếu còn sống được trong môi trường đã khử trùng thì cơ quan thú y sẽ giám sát, kiểm tra xem có mắc bệnh hay không mới xử lý tiếp.
Một nhà nuôi chim yến ở Ninh Thuận
Theo ông Nguyễn Hữu Phước – chi cục trưởng Chi cục Thú y tỉnh Ninh Thuận, nhà nuôi yến này hiện có khoảng 100.000 con chim yến trưởng thành. Đến chiều 19-4, sau khi phun thuốc tiêu độc khử trùng, khoảng 10.000 con chim yến đã chết tại rạp hát Thanh Bình. Riêng số tổ yến thu hoạch tại đây, cơ quan thú y yêu cầu Công ty TNHH thương mại và dịch vụ Yến Việt xử lý nhiệt để triệt tiêu mầm bệnh (nếu có), sau đó thú y sẽ kiểm tra, nếu thấy không có mầm bệnh mới cho phép đưa những tổ yến này ra thị trường.
Ninh Thuận là địa phương đầu tiên công bố dịch cúm gia cầm trên chim yến nuôi. Tỉnh này đã có đề xuất Bộ Nông nghiệp và Phát triển Nông thôn xem xét đề ra mức hỗ trợ cho cá nhân, tập thể nuôi chim yến phải tiêu hủy do dịch cúm A/H5N1, nhưng vẫn chưa nhận được phản hồi. Cho đến nay nước ta chưa có quy định nào về hỗ trợ người nuôi chim yến phải tiêu hủy đàn vì dịch bệnh, bởi nuôi yến là nghề tự phát, chưa được cấp phép nên việc xác định giá trị đầu tư cho chim yến là rất khó khăn.
Gia Minh tổng hợp