Theo đề xuất của PTT, nhà máy sẽ được xây dựng trên diện tích 2.000ha, công suất dự kiến 660.000 thùng dầu thô/ngày (khoảng 30 triệu tấn/năm) với nguồn dầu thô nhập khẩu 45% từ Trung Đông, 25% từ châu Phi và còn lại từ Nam Mỹ. Thị trường tiêu thụ chính là Việt Nam, Nhật Bản, Trung Quốc và một số nước trong khu vực. Thời gian xây dựng khoảng 3,5 năm.Nếu được thông qua, dự án sẽ bắt đầu khởi công vào quý I-2016, xây dựng và đi vào hoạt động năm 2019.
Nhà máy lọc dầu Dung Quất
Trong những năm gần đây, một loạt các dự án lọc hóa dầu đã được bổ sung vào Quy hoạch phát triển ngành dầu khí Việt Nam đến năm 2015 và định hướng đến năm 2025.
Với Tập đoàn Dầu khí Việt Nam (PVN), ngoài Nhà máy lọc dầu Dung Quất đã đi vào hoạt động (công suất thiết kế 6,5 triệu tấn/năm, hiện đang cung cấp 30% lượng xăng dầu tiêu thụ cả nước), cũng là chủ đầu tư của nhiều dự án lọc hóa dầu lớn như Nghi Sơn (Thanh Hóa) 9 tỉ USD, tổ hợp hóa dầu Long Sơn (Bà Rịa – Vũng Tàu) 4,5 tỉ USD.
Dự án lọc hóa dầu Nghi Sơn có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài lớn nhất từ trước tới nay tại ViệtNam. Theo tính toán, nếu công suất thiết kế giai đoạn 1 là 10 triệu tấn/năm đi vào hoạt động thì Nghi Sơn cùng với Dung Quất sẽ đóng góp 50% lượng tiêu thụ xăng dầu nội địa mỗi năm.
Bên cạnh PVN, Tập đoàn Xăng dầu Việt Nam (Petrolimex) cũng được giao triển khai xây dựng Nhà máy lọc hóa dầu Nam Vân Phong (Khánh Hòa), vốn đầu tư khoảng 5 tỉ USD, công suất thiết kế khoảng 200.000 thùng/ngày (tương đương 10 triệu tấn/năm).
Theo ông Trần Viết Ngãi, Chủ tịch Hiệp hội Năng lượng Việt Nam, với trữ lượng dầu được công bố, nếu không có thêm các mỏ mới, sản lượng khai thác dầu thô Việt Nam bình quân hiện nay chỉ khoảng 14-15 triệu tấn dầu/năm.
Nếu khai thác thêm được các mỏ mới ngoài khơi, con số có thể sẽ tăng lên, nhưng việc dành trữ lượng dầu thô chỉ riêng cho dự án Dung Quất đã quá nhiều, không đủ cung cấp thêm cho các nhà máy lọc dầu khác.
Do vậy nhiều dự án lọc hóa dầu đều tính tới phương án nhập khẩu dầu thô từ các nước Trung Đông, Nam Mỹ. Sản phẩm sản xuất ra cũng sẽ hướng tới xuất khẩu và có thể một phần tiêu thụ trong nước.
Tuy nhiên, việc nhập dầu thô nước ngoài để lọc dầu trong nước rất tốn kém, sản phẩm sẽ đắt hơn so với xăng dầu nhập về từ nước ngoài.Nếu tất cả các dự án lọc hóa dầu lớn hiện nay đi vào hoạt động, tổng công suất thiết kế sẽ xấp xỉ khoảng 60 triệu tấn/năm. Hiện nay lượng tiêu thụ xăng dầu bình quân của nước ta vào khoảng 15 triệu tấn/năm.
Theo dự báo, giai đoạn 2011-2015, nhu cầu tiêu thụ xăng dầu trong nước cũng chỉ dao động từ 15-20 triệu tấn/năm, tổng nhu cầu đến năm 2025 là 27 triệu tấn/năm. Như vậy, công suất các dự án có thể sẽ gấp đôi nhu cầu tiêu thụ trong nước dẫn đến cung vượt cầu.
Gia Minh tổng hợp