Con cái của chúng ta sống trong một thế giới phức tạp. Những người hiện làm cha làm mẹ hẳn vẫn còn nhớ những giọt nước mắt của họ trước sự tàn nhẫn của người khác khi ở trường, ở nơi làm việc. Nhớ những lúc họ tuyệt vọng tìm kiếm sự chấp nhận của những đứa trẻ khác hoặc khao khát có được người bạn tốt nhất vào một thời điểm khó khăn nào đó trong cuộc đời.
Mọi thứ thậm chí trở nên phức tạp hơn khi truyền thông ngày nay đưa trẻ vào thế giới người lớn trước khi trẻ sẵn sàng về mặt cảm xúc.
Nếu trẻ có được những quan hệ tốt trong gia đình thì đây sẽ là một khởi đầu tốt, giúp trẻ có được sự lựa chọn lành mạnh trong các tình huống khó khăn. Nhưng trẻ vẫn cần sự giúp đỡ của cha mẹ khi học cách định hướng trong đời sống xã hội. Sau đây là vài cách cơ bản để phụ huynh giúp trẻ phát triển những kỹ năng xã hội cần thiết.
Nuôi dưỡng kỹ nng xã hội ngay từ khi trẻ mới biết đi. Đây là một trong những bộ kỹ năng quan trọng nhất mà trẻ cần phát triển và có ý nghĩa quyết định đối với hạnh phúc tương lai của trẻ.
Hỗ trợ trẻ xây dựng tình bạn. Tôn trọng và củng cố tình bạn đang phát triển của con. Nói về bạn, nhớ về bạn và tạo cơ hội để bạn bè cùng chơi đùa. Trẻ con thường cáu giận nhau cũng như người lớn. Điều đó không có nghĩa là tình bạn sẽ chấm dứt, mà trẻ cần sự giúp đỡ để giải quyết vấn đề.
Tạo hình mẫu về sự tôn trọng. Nên nhớ rằng trẻ sẽ đối xử với người khác giống như cách bạn đối xử với trẻ. Điều đó có nghĩa là bạn không nên phê bình, trách móc con trước mặt người khác, kể cả bạn bè của trẻ. Bạn cần tìm cách nói lịch thiệp khi muốn đề cập đến chuyện ứng xử của bọn trẻ với nhau, giúp chúng vượt qua tình huống khó khi chơi đùa cùng nhau.
Dạy trẻ biết coi trọng người khác. Phụ huynh nào cũng đều có những vấn đề trong cuộc sống, phải chịu đựng nhiều rối ren, nhưng họ cần phải dạy con biết coi trọng người khác. Làm hình mẫu cho con từ sớm, khen ngợi con, giúp con tìm cách giải quyết những vấn đề xảy ra với bạn bè, đừng để con cố tình hoặc vô tình không tôn trọng người khác. Trẻ sau 10 tuổi và ở độ tuổi vị thành niên cần được nhắc nhớ về điều này và được huấn luyện cách xử lý những tình huống khó xử trong giao tiếp.
Dạy trẻ cách thể hiện nhu cầu và mong muốn mà không tấn công người khác. Chẳng hạn, “Tớ không thích khi cậu đẩy tớ như thế” thay vì nói “Cậu là đồ tồi!”.
Giúp trẻ học cách hàn gắn những bất hòa trong quan hệ. Khi nói đến việc hàn gắn quan hệ, chúng ta thường tập trung vào chuyện xin lỗi. Nhưng lời xin lỗi gượng ép sẽ không thành tâm và có thể tác dụng ngược vì khiến trẻ giữ lại sự ấm ức trong lòng. Xin lỗi là một kỹ năng hữu ích trong tình bạn nhưng không dễ dàng với mọi người. Hầu hết chúng ta sẽ cảm thấy rằng xin lỗi cho thấy mình đã sai hoặc tệ hại. Tất cả quan hệ xã hội đều có mâu thuẫn, và trẻ cần học cách giải quyết chúng. Vì thế, đừng biến lời xin lỗi thành nỗi xấu hổ trước đám đông, nếu không con của bạn sẽ kháng cự lại. Và phụ huynh cần làm gương, nếu họ không bao giờ xin lỗi thì con cái cũng vậy. Nếu bạn thường xin lỗi người khác, xin lỗi con mình một cách hòa nhã thì chúng sẽ làm theo. Bí quyết giúp trẻ học cách xin lỗi là không làm cho việc xin lỗi trở thành một sự trừng phạt.
Trẻ cần phát triển một số kỹ năng xã hội nhất định theo độ tuổi:
– Theo Parents