Định đoạt số phận của người khác là một việc làm nguy hiểm, cho nên tôi thường lấy làm lạ tại sao các chính khách, các nhà cải cách và những người đại loại như vậy lại quá tự tin khi sẵn sàng áp đặt cho đồng bào mình những biện pháp khiến phải thay đổi cung cách, thói quen và quan điểm của họ. Tôi thường ngần ngại khi đưa ra một lời khuyên, bởi vì bạn làm sao có thể khuyên người khác phải hành động thế nào trừ phi bạn biết rõ người kia như chính bản thân bạn. Có Chúa biết, tôi chỉ đủ hiểu mình chút xíu, cho nên với người khác thì hầu như chẳng biết gì.
Ta chỉ có thể suy đoán ý nghĩ và tình cảm của người láng giềng ta mà thôi. Mỗi chúng ta là một tù nhân trong ngôi tháp cô độc và ta liên lạc với các tù nhân khác – hình thành nên cả nhân loại – bằng những ký hiệu quy ước với ý nghĩa đối với họ không hoàn toàn giống với ta. Tiếc thay, cuộc đời là một cuộc trải nghiệm bạn chỉ có thể sống qua một lần mà thôi. Sai lầm thường không thể sửa chữa được và tôi lấy tư cách gì để bắt người này hay người khác phải sống như thế nào? Cuộc đời là chuyện khó khăn mà tôi cảm thấy khó có thể nhào nặn cuộc đời tôi trở thành tròn trĩnh, viên mãn, cho nên tôi không có ý định dạy bảo người láng giềng tôi rằng anh ta cần phải làm những việc gì. Thế nhưng có những người lúng túng trước khi khởi đầu một chuyến đi xa; con đường trước mắt họ đầy những cạm bẫy, rủi ro và tuy rất miễn cưỡng, tôi phải đánh liều theo số phận. Đôi lúc, người ta hỏi tôi cần phải làm gì với cuộc đời mình. Và trong khoảnh khắc ấy tôi cảm thấy mình như bị bủa vây giữa màn đen mung lung của số phận.
Có một lần, tôi biết là tôi đã đưa ra được một lời khuyên tốt lành.
Hồi đó tôi còn trẻ, đang sống trong một căn hộ khiêm tốn ở London gần ga Victoria. Một buổi xế chiều, lúc tôi đang cho rằng mọi việc tôi làm ngày hôm đó đã đầy đủ thì nghe có tiếng chuông cửa. Tôi ra mở cửa cho một người lạ hoắc bước vào. Anh ta hỏi tên tôi. Tôi đáp. Anh ta xin phép được vào nhà.
– Xin mời.
Tôi đưa anh ta vào phòng khách và mời anh ta ngồi. Anh ta có vẻ hơi bối rối. Tôi mời anh ta hút thuốc, anh ta khó khăn lắm mới châm được điếu thuốc và cứ để nguyên mũ đội trên đầu. Sau khi anh ta đã hoàn thành được cái việc gỡ mũ khó khăn, tôi đề nghị đặt chiếc mũ lên ghế cho anh ta. Anh ta nhanh nhẹn làm như vậy, nhưng lại thả rớt chiếc ô.
– Hy vọng việc tôi tới đây không làm phiền ông – Anh ta nói – Tôi là Stephens, làm bác sĩ. Ông cũng trong ngành y, đúng không ạ?
– Vâng, song hiện nay tôi không còn hành nghề nữa.
– Tôi biết là như vậy. Tôi mới đọc một cuốn sách ông viết về xứ Tây Ban Nha và tôi muốn đến hỏi ông về xứ này.
– Có lẽ cuốn sách không hấp dẫn lắm.
– Vấn đề là ông biết nhiều về Tây Ban Nha, mà tôi lại không biết ai khác, ngoài ông, để có được những kiến thức này. Tôi nghĩ ông cũng sẵn lòng cho tôi biết thêm một số thông tin.
– Tôi rất sẵn sàng.
Anh ta im lặng một lát. Anh ta với tay ra lấy chiếc mũ, cầm nó trên một tay, lơ đãng dùng tay kia đập đập nó. Tôi nghĩ động tác này làm cho anh ta thêm vững tin.
– Hy vọng là ông sẽ không cho rằng một người hoàn toàn xa lạ nói chuyện với ông kiểu này là điều gì quá kỳ cục – Anh ta cười xuê xoa – Tôi không định kể lể cho ông về tiểu sử của tôi.
Khi người ta nói với tôi như vậy thì bao giờ tôi cũng hiểu đó chính lại là việc họ sắp làm.Tôi khỏi cần băn khoăn. Thực tế tôi còn thích thú nữa là đằng khác.
– Tôi được hai bà cô già nuôi nấng. Tôi chưa từng đi đâu bao giờ. Và cũng chưa từng làm được việc gì ra trò. Tôi lấy vợ đã được sáu năm. Chưa có con. Tôi là một nhân viên y tế ở bệnh xá Camberwell. Tôi không thể gắn bó với nó được nữa.
- Xem thêm: Thênh thang
Có cái gì đó rất hấp dẫn trong những câu nói cụt lủn của anh ta. Chúng gây cho tôi một ấn tượng mạnh. Tôi không còn nhìn anh ta bằng cặp mắt khinh thường mà bằng sự tò mò. Anh ta là một người to con, mập ú, chắc nịch, có lẽ ba mươi tuổi, khuôn mặt tròn, đỏ lựng, đôi mắt nhỏ, đen và rất sáng. Mái tóc đen của anh ta tỉa ngắn, sát với khuôn đầu nhọn như đầu đạn. Anh ta mặc một bộ vét đã sờn nhiều. Hai đầu gối lồng phồng, và các túi quần căng ra xộc xệch.
– Chắc ông cũng biết nhân viên y tế một bệnh xá phải làm những công việc gì rồi. Ngày nào cũng như ngày nào. Cả cuộc đời chỉ biết trông mong hy vọng. Theo ông, như thế có đáng không?
– Đó cũng là một cách kiếm sống mà – Tôi trả lời.
– Phải, tôi biết. Tiền lương cũng khá hậu đấy.
– Tôi không rõ vì lý do gì ông tìm đến tôi.
– À, tôi muốn biết, theo ông, liệu ở Tây Ban Nha có cơ hội nào cho một bác sĩ người Anh không?
– Tại sao lại Tây Ban Nha?
– Tôi không rõ, tôi chỉ tưởng tượng như vậy thôi.
– Không giống như Carmen(*) đâu.
– Nhưng ở đấy có nắng ấm, có rượu vang, đầy sắc màu và không khí trong lành cho ta thở. Cho phép tôi được giãi bầy những điều tôi phải nói thẳng ra. Tình cờ tôi được biết ở Seville chưa có một bác sĩ người Anh nào cả. Theo ông, liệu tôi có kiếm sống được ở đó không? Từ bỏ một việc làm chắc chắn, an toàn để lao vào một tình trạng bấp bênh, như vậy có là điên khùng không?
– Thế còn vợ ông thì sao?
– Cô ấy sẵn sàng.
– Việc này quá liều đấy.
– Tôi biết. Nhưng nếu ông nói là hãy nhận đi, tôi sẽ nhận ngay. Còn nếu ông bảo “Ở đâu cứ nguyên đó”, tôi sẽ lại ở lại ngay.
Anh ta chăm chú nhìn tôi với đôi mắt đen sáng, cho nên tôi hiểu rằng anh ta đã nói là làm. Tôi suy nghĩ hồi lâu.
– Đối với tương lai cả cuộc đời anh, anh phải tự quyết định lấy. Song tôi có thể nói với anh rằng, nếu anh không cần nhiều tiền lắm, mà thấy thỏa mãn với mức kiếm sống tằn tiện thì anh hãy qua xứ đó. Bởi vì anh sẽ có một cuộc sống tuyệt vời.
Anh ta chia tay tôi. Tôi chỉ nhớ đến anh ta đôi ba ngày, sau đó quên hẳn. Rồi câu chuyện trên hoàn toàn không còn đọng chút gì trong trí não tôi.
Nhiều năm sau, ít nhất cũng tới 15 năm, tình cờ tôi tới Seville và bị bệnh vặt chút xíu, tôi tìm đến anh nhân viên chuyển đồ khách sạn hỏi xem trong thành phố có bác sĩ người Anh nào không. Anh ta bảo rằng có và đưa cho tôi địa chỉ. Tôi bắt xe taxi tới đó, và khi đến nơi thì một người mập ú bước ra. Ông ta ngập ngừng khi trông thấy tôi.
– Ông tới tìm tôi? – Ông ta hỏi – Tôi là bác sĩ người Anh đây.
Tôi giải thích mục đích chuyến ghé thăm và ông ta mời tôi vào nhà. Ông ta sống trong một ngôi nhà kiểu Tây Ban Nha bình thường với một mảnh sân quây kín. Thông ra sân này là phòng mạch, bộn bề giấy tờ, sách vở, dụng cụ y tế, và những đồ tập tàng. Cảnh tượng này có thể làm cho những bệnh nhân khó tính phải phát ớn. Chúng tôi làm việc. Sau đó tôi hỏi ông bác sĩ xem lấy thù lao bao nhiêu. Ông ta lắc đầu, mỉm cười.
– Miễn phí.
– Sao vậy?
– Bộ ông quên tôi rồi sao? Tôi có mặt ở đây là nhờ lời khuyên của ông đó. Ông đã thay đổi cả cuộc đời tôi. Tôi là Stephens đây mà.
Tôi hoàn toàn không hiểu ông ta định nói gì. Ông ta gợi lại cuộc nói chuyện giữa chúng tôi trước đây, nhắc lại cho tôi nhớ những gì chúng tôi đã trao đổi với nhau, và dần dần như thoát ra khỏi một màn đêm, những hồi ức lờ mờ về sự kiện trên trở lại trong đầu óc tôi.
– Tôi băn khoăn không biết có dịp nào gặp lại được ông – Ông ta nói tiếp – Tôi áy náy không biết có được cơ hội nào cảm tạ ông về những gì ông đã làm cho tôi.
– Vậy là ông đã thành đạt.
- Xem thêm: Bạn tình trên mạng
Tôi nhìn ông ta. Ông ta rất mập và hói đầu, song đôi mắt sáng tươi tắn và bộ mặt đỏ au, ú thịt mang sắc thái hoàn toàn vui vẻ. Bộ quần áo ông ta mặc đã “nát” lắm rồi, rõ ràng là do một anh thợ may Tây Ban Nha cắt may và chiếc mũ ông ta đội là loại mũ sombero rộng vành của người Tây Ban Nha. Ông ta nhìn tôi như thể quá hiểu một chai rượu vang ngon khi chợt bắt gặp. Ông có vẻ phóng đãng, mặc dù hoàn toàn dễ thiện cảm. Người ta có thể ngần ngại khi để ông ta cắt ruột thừa, song lại không thể tưởng tượng liệu có được một ai khác vui vẻ hơn để cùng ngồi thù tạc trước một ly rượu vang ngon.
– Ông từng có vợ? – Tôi hỏi.
– Phải. Vợ tôi không thích Tây Ban Nha, cô ta đã quay về Camberwell. Ở đó quen thuộc hơn.
– Ồ, thật đáng tiếc.
Đôi mắt đen của ông ta sáng lên cùng với nụ cười của một đệ tử lưu linh. Quả là ông ta có vẻ gì đó của một Thần Silenus(**) thời trẻ.
– Cuộc đời đầy những sự đền bù – Ông ta thì thào.
Những lời này chưa kịp nói hết thì một phụ nữ Tây Ban Nha, không còn ở giai đoạn đầu của thời xuân trẻ, song vẫn còn đẹp mặn mà một cách khiêu gợi, xuất hiện ở bên cửa. Chị ta nói với ông bằng tiếng Tây Ban Nha và tôi nhận ngay ra chị ta là chủ của ngôi nhà.
Khi đứng ở cửa tiễn tôi ra về, ông ta bảo tôi:
– Lần trước khi tôi gặp ông, ông có nói với tôi rằng: Nếu tôi tới đây, tôi chỉ kiếm đủ kế sinh nhai, song tôi sẽ sống cuộc đời tuyệt diệu. Đúng, tôi phải công nhận là ông nói có lý. Dù tôi đã sống nghèo và sẽ còn nghèo mãi, song lạy Trời, tôi thấy vui đời. Tôi không muốn đánh đổi cuộc đời tôi đã sống lấy bất kỳ một cuộc đời của ông hoàng bà chúa nào trên thế gian.
________
(*) Carmen nhân vật vũ nữ xinh đẹp, mê hồn, tính tình mạnh mẽ, phóng túng.
(**) Bạn đồng hành và gia sư của Thần rượu nho Dionysos.