Mười năm sau ngày họa sĩ Lưu Công Nhân qua đời, một triển lãm tranh của ông được tổ chức tại Trung tâm Nghệ thuật đương đại Vincom (VCCA – Khu đô thị Royal City, 72 Nguyễn Trãi, Q. Thanh Xuân). Đây được coi là lần trưng bày tác phẩm lớn nhất của ông tại Hà Nội từ sau 1975 với trên 50 tranh được chọn từ một bộ sưu tập ở Sài Gòn, nơi ông từng có một số triển lãm cá nhân trước khi chọn thành phố Đà Lạt làm nơi sống và vẽ những năm cuối đời. Với tên gọi “Nét”, triển lãm tại VCCA khai mạc ngày 25-8 và kéo dài đến 25-9-2017.
Sinh ngày 17-8-1931 tại làng Lâu Thượng, huyện Hạc Trì, tỉnh Phú Thọ, mất ngày 21-7-2007 tại Đà Lạt, họa sĩ Lưu Công Nhân đã có một cuộc đời sáng tác dài hơn sáu thập niên. Cho tới nay, thật khó biết được chính xác họa sĩ đã vẽ bao nhiêu tác phẩm, bởi những gì ông để lại cho đời phần nhiều đã thuộc về những bộ sưu tập cá nhân, cũng không rõ còn trong nước hay đã lưu lạc xứ người. Ngay các bảo tàng mỹ thuật trong nước cũng không có mấy tranh của ông.
Hai năm sau ngày ông ra đi mãi mãi, một triển lãm hơn 50 bức tranh màu nước và mực nho vẽ trên giấy dó, giấy điệp của Lưu Công Nhân thuộc sở hữu của nhà sưu tập Đỗ Huy Bắc đã được tổ chức tại Hội Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh. Khá nhiều bức đã được in trong mấy tập sách tranh của ông. Và đó chỉ là con số thật khiêm tốn trong kho tàng tranh khổng lồ Lưu Công Nhân đã vẽ trên những nẻo đường “kháng chiến và bình yên” (chữ của nhà văn Tô Hoài). Trong ngôi nhà nhỏ của ông ở Vĩnh Yên những năm họa sĩ còn khỏe mạnh và ở ngôi biệt thự cuối con dốc sâu hút tại Đà Lạt khi ông đã bị chứng parkinson hành hạ, người viết bài này đã được xem đến mỏi mắt mấy thùng tranh giấy và ký họa Lưu Công Nhân vẽ từ thập niên 1950, từ những ngày ông đến với chiến trường Điện Biên Phủ rồi những năm tháng xê dịch trên khắp nẻo đường Việt Bắc, đến với những vùng nông thôn nghèo khó, những hợp tác xã nông nghiệp thời kỳ đầu tiên… Ngoài giá trị thẩm mỹ, số tranh giấy đó còn là những tư liệu lịch sử quý giá mà không ai ngoài Lưu Công Nhân có được điều kiện và cơ hội tốt nhất để thực hiện. Bởi, nói như nhà phê bình Nguyễn Quân thì Lưu Công Nhân “có một nền tảng gia đình sung túc, một lý lịch chính trị quá sáng, học vấn bậc nhất trong những đồng môn và chăm chỉ vô cùng. Và trên hết, ông có tài hội họa như trời cho thật”. Tài năng “như trời cho thật” ấy cộng với sự đãi ngộ hơn người mà ông được nhận: làm họa sĩ (có lương) chỉ để sáng tác, hơn thế nữa ông lại có một người vợ đủ sức chăm lo những gì cần thiết và tốt nhất cho ông vẽ nên Lưu Công Nhân được toàn tâm toàn ý sống với thế giới sắc màu.
Sau những năm dài đi và vẽ ở nhiều miền của đất nước, Lưu Công Nhân chọn Đà Lạt để sống những ngày tháng cuối đời. Ở đó, trong ngôi nhà phủ kín những dây cát đằng hoa tím và móng rồng xanh, nhìn xuống một thung lũng trồng rau, Lưu Công Nhân dù tuổi đã cao lại bệnh tật, đi đứng khó khăn nhưng vẫn không ngừng vẽ và vẽ. Lưu Công Nhân từng nói “cái thằng họa sĩ chẳng bao giờ sợ thiếu đề tài vẽ, chỉ sợ không còn sự rung động và không còn sức để vẽ thôi”. Chỉ riêng những bông hoa loa kèn trắng muốt dễ tìm, dễ thấy ở Đà Lạt cũng đem lại cảm hứng cho ông, hay bộ ấm chén uống trà mỗi sớm mai dù đã rất thân quen vẫn cứ thật ngọt ngào, thật hồn nhiên đi vào tranh ông, theo cách chiêm nghiệm của riêng ông: “Ở các tranh tĩnh vật, hình như họa sĩ tìm một sự tích hợp Đông – Tây, hay chí ít cũng là một nẻo trung dung riêng biệt. Ông muốn có cái “khí vận sinh động”, không dính vào ngoại vật (Đông) cộng sinh với trực cảm vật chất đầm đìa (Tây). Những cái bình, cái lọ của ông thô mộc, chỏng chơ, những cánh hoa phất phơ, cô độc… như chỉ là cái ý thôi. Còn màu, nét bút lực vẫn thiết tha, yểu điệu như những cô thanh nữ” (Nguyễn Quân).
Những cô thanh nữ là một đề tài chính của triển lãm “Nét”, có điều phần lớn những người đẹp trong tranh ở trạng thái của bà Eva. Khỏa thân là một mảng tranh đặc sắc trong sự nghiệp hội họa của Lưu Công Nhân, được ông thể hiện với nhiều chất liệu, nhiều nhất vẫn là tranh giấy như loạt tranh tại triển lãm. Ở Vĩnh Yên, ông có một cô ngồi mẫu để vẽ khỏa thân, trông như nông dân, thân thể săn chắc như một bức tượng. Ở Đà Lạt, ngồi mẫu cho ông là một phụ nữ không còn trẻ nhưng vẻ đẹp cơ thể thì vẫn thật thanh xuân. Được biết, trong bộ sưu tập của ông Nguyễn Phúc Hưởng, người đưa tranh Lưu Công Nhân ra Hà Nội dịp này, có đến hơn 400 tác phẩm, trong đó có bức sơn dầu khổ lớn Bình dân học vụ (160 x 130cm, vẽ năm 1955), được coi là một trong những tác phẩm tiêu biểu nhất của ông cũng có mặt trong triển lãm “Nét”.
Trong một tập sách tranh in năm 1995, Lưu Công Nhân đã viết tặng cho một người bạn của ông dòng này “Cả một đời yêu cả một đời vẽ còn lại chút này…”. Sinh thời, những ngày sống ở Đà Lạt, Lưu Công Nhân từng bộc bạch về tâm nguyện của ông là sẽ xây dựng một bảo tàng tranh cho riêng ông. Thật đáng tiếc điều đó đã không thành sự thật. Chỉ “còn lại chút này” ở triển lãm “Nét” hay bất kỳ triển lãm nào khác về hội họa Lưu Công Nhân trong tương lai!
- Diên Vỹ