Năm 2018, Isabelle Muller trình làng độc giả Việt Nam bằng cuốn hồi ký của mẹ cô có tựa “Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng” với tư cách là người chấp bút.
Khi ấy, công chúng đã ngỡ ngàng với những biến cố khốc liệt trong số phận của một người phụ nữ Việt Nam này. Mẹ cô từ một phụ nữ nhỏ bé vô danh đã được cả thế giới biết đến. Tưởng chuyện dừng lại ở đó, nhưng không, mới đây, cuốn hồi ký của chính tác giả này xuất hiện trên thị trường Việt Nam với tựa “Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi”, bạn đọc lại tiếp tục được tiếp cận với một cuộc đời khác cũng khốc liệt không kém.
Cũng giống như mẹ mình, qua những trang sách, ta thấy Isabelle đã mạnh mẽ bước qua những thử thách của cuộc đời mình.
Một chặng đời nghiệt ngã đến khó tin
Trong Con gái của chim phượng hoàng, Isabelle dành khá nhiều chương kể về những ngày nhỏ của mình bằng những trang viết đầy trân trọng dành cho người mẹ. Điều đó dần dần mở ra cho chúng ta thấy mẹ đã ảnh hưởng đến cô như thế nào. Từ quãng đời thơ ấu cho đến khi là thiếu nữ, cả khi trưởng thành tác giả đã trải qua những biến cố không nên có như là phân biệt đối xử hay bị xâm hại tình dục, mất kết nối với gia đình ngoại và anh chị mình…
Mới chập chững vào trường học, Isabelle đã vấp phải cái nhìn đầy phân biệt của những người bản xứ dành cho một đứa trẻ lai Á – Âu. Dòng máu chảy trong người mình cô bé Isa không thể tự quyết nhưng lại là thứ để bạn bè, thầy cô mỉa mai. Người giám sát nhà vệ sinh đã không cho phép Isa đóng cửa nhà vệ sinh mỗi khi cô bé vào, cô giáo đã thẳng từng chê cô bẩn thỉu như ăn xin trước bạn bè hay bạn cô nói là đồ con mắt hí da vàng… Isa chỉ có thể chống trả lại sự phân biệt ấy bằng cách học thật giỏi để họ không coi thưởng mình. Cô đã làm được nhưng bảng thành tích ở trường học không giúp cô dễ thở hơn bao nhiêu bởi vì chỉ cần một chút sơ hở là hàng tá định kiến từ trường học lập tức đổ ập xuống cô.
Kinh khủng hơn cả trường học là khi trở về nhà, Isabelle đối mặt với một ông bố luôn luôn càu nhàu và mắng chửi các con. Đến năm Isabelle 12 tuổi, chính ông đã bắt con gái mình sống những ngày đen tối nhất. Trong 9 năm, cô đã sống trong câm lặng cùng nỗi đau bị bố xâm hại tình dục nhiều lần. Một cô gái non nớt và nhạy cảm không biết làm gì trong tình cảnh ấy. Cô không dám nói với mẹ mình vì thấy cuộc đời bà đã đủ đau khổ. Tác giả đã nhìn lại những ngày đen tối cùng cực ấy bằng những trang viết rành mạch, không che đậy.
Vượt qua những vũng lầy từ gia đình, cô gái trong hồi ký cũng tìm được tình yêu của mình. Tưởng rằng những ngày tươi sáng đã đến, nhưng không hoàn toàn như vậy, Isabelle vừa sống những ngày hạnh phúc cùng người chồng của mình vừa phải tiếp tục chống chọi với những rủi ro mà ông trời “ném” vào cô.
Đọc trải lòng của Isabelle về những ngày tháng chạy chữa khối u nguyên bào võng mạc – một loại ung thư ít gặp – của cô con gái thứ hai của mình và sau đó chồng cô bị mắc bệnh ung thư, mới thấy cuộc sống bắt buộc cô phải chiến đầu hết lần này đến lần khác. Những lúc như thế này, có một sức mạnh vô hình được tiếp thêm cho cô: “Hãy cố thêm một lần nữa, một giọng nói liên tục vang lên trong tôi. Mẹ Loan chắc chắn sẽ không buông xuôi, và không phải vô cớ mà tôi là con gái của bà!”. Và dĩ nhiên, Isabelle cũng không buông xuôi.
Cuộc đời quăng vào Isabelle bao nhiêu thứ khiến cô ngã sấp ngửa, có lúc cô nhủ rằng mình hãy ngừng sống nhưng ngay cả cái chết cô cũng không thể quyết định được. Hai lần tìm đến cái chết đều không thành, điều này có nghĩa rằng khi cô không thể chết thì phải sống một cách khác, mạnh mẽ hơn, hay gọi là tái sinh cũng được.
Lách qua khe cửa hẹp sẽ thấy ánh sáng
Bao phủ quanh cuộc đời Isabelle là những đoạn đường gập ghềnh, khúc khuỷu, đôi lúc tưởng như mọi cánh cửa đều khép lại với cô. Thay vì than thở, oán trách Isabelle đã chọn cách điềm tĩnh tìm kiếm niềm vui, kiểu như cô gom tất cả đau thương cất vào đâu đó trong trái tim mình rồi khép cửa lại, nhìn nghị lực của mẹ Loan, những ân tình cô nhận được từ bà Tharsilla – vị ân nhân cũng là người mẹ thứ hai của mình – và cả những kỷ niệm đẹp để mà sống tiếp. Có điều hay là trong muôn vàn khó khăn Isabelle vẫn biết tìm cách loại bỏ suy nghĩ tiêu cực để chỉ nghĩ về điều tích cực. Bị cái chết từ chối, cô biết mình phải sống tiếp như thế nào.
Trong nhiều chương sách, Isabelle kể khá sinh động về những ngày bươn chải đến Kazakhistan làm ăn trong sự khác nhau về văn hóa và điều kiện sống. Đó là những ngày vất vả nhưng cũng là những ngày vui và nuôi khát vọng sống lớn hơn. Các chương Isabelle kể lại chuyến đi về Việt Nam lần đầu tiên của hai mẹ con cô, lúc mẹ cô dạo bước ở khu trung tâm Sài Gòn như tìm kiếm lại kỷ niệm xưa và những ngày tìm kiếm anh em ruột của mẹ một cách ngoạn mục lại thú vị như những thước phim điện ảnh.
Ở đó, độc giả thấy được Việt Nam trong thập niên 1990 ở thái độ người địa phương khi gặp gỡ người nước ngoài, về phương tiện giao thông và đường sá để đi lại bằng một con mắt khác – con mắt vừa lạ vừa quen của một người con mang hai dòng máu Việt và Pháp.
Nếu theo dõi Isabelle từ cuốn sách đầu tiên ở Việt Nam là Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng cho đến cuốn này sẽ thấy chuyện tâm linh ly kỳ đã để lại ấn tượng mạnh mẽ như thế nào với tác giả. Trong tập sách này, ở đoạn bố Isabelle bị ung thư và bác sĩ đã tuyệt vọng trả về, một vị sư phụ người Tây Tạng đã viết thư báo một dấu hiệu để biết ông bố có thể sống tiếp không. Mẹ cô khi thấy dấu hiệu đã làm theo như những gì trong thư đã dặn, ông chồng bà đã bình phục và sống tiếp. Trước đó, ở cuốn đầu tiên, Isabelle cũng kể về những lần thoát chết ly kỳ của bà Cúc – mẹ cô – như lần bị chó dại cắn hay lần bị té gãy nhiều đoạn xương sườn và xương chân. Lúc đó, một người bạn đã nói với bà Cúc rằng: “Cô chưa chết, là để cô kể lại những câu chuyện về cuộc đời cô”. Và điều này cũng đã ứng với Isabelle, đã không chết để kể lại cuộc đời mình.
Quả vậy, Isabella đã kể lại cuộc đời mình, không bằng ngòi viết mang đau thương và thù hận. Toàn bộ cuốn sách được Isabelle viết khá tỉnh táo, không nhằm mục đích kéo độc giả đau cùng nỗi đau của cô mà như tiếp thêm sự mạnh mẽ, thắp lên một niềm hy vọng cho những cô gái đang sống trong nghịch cảnh.
Ở chương cuối cùng, Isabelle đã viết: Với sự tức giận và lòng hận thù ta phá bỏ mọi thứ, nhưng với đức kiên nhẫn và tình yêu ta có thể xây dựng một ngôi đền từ hư vô. Theo cô – ngôi đền này là sức mạnh nội lực từ trong thẳm sâu của mỗi người.
Isabelle Müller sinh ngày 25.5.1964 tại Tours (Pháp) là con út trong gia đình có năm người con. Mẹ cô là bà Loan (tên thật là Đậu Thị Cúc) – người Việt Nam và bố là người Pháp.
Isabelle Müller lớn lên trong điều kiện nghèo khó ở một ngôi làng Pháp. Sau khi tốt nghiệp trung học, cô theo học ngôn ngữ (Đức, Anh và Nga) tại Đại học Francois Rabelais (Tours, Pháp) và tại Trung tâm d´Etudes Pratiques de Langes Vivantes (Tours, Pháp).
Năm 2009, nhà xuất bản Krüger (S. Fischer) đã xuất bản cuốn tiểu sử của Isabelle Müller Con gái của chim phượng hoàng – Hy vọng là con đường của tôi và bản dịch tiếng Việt được phát hành vào tháng 3.2022 tại Việt Nam.
Năm 2015, cuốn Loan – Từ cuộc đời của một con chim phượng hoàng được xuất bản tại Đức và năm 2018 đã phát hành ở Việt Nam.
Tháng 5.2016, tác giả đã thành lập Quỹ từ thiện LOAN Stiftung, chuyên thực hiện các dự án giáo dục cho trẻ em dân tộc thiểu số ở những vùng núi nghèo nhất của miền Bắc Việt Nam.
Toàn bộ số tiền nhận được từ bản quyền sách, tác giả tặng 100% cho Quỹ LOAN (LOAN STIFTUNG) để giúp cho trẻ em nghèo Việt Nam có một cuộc sống tốt đẹp hơn.