Một người bạn gọi điện bảo rằng anh sắp mở quán cà phê, rủ tôi ra Lê Công Kiều kiếm vài món đồ cũ về trang trí quán. Tôi hỏi lại “đồ cũ hay đồ cổ?”. Anh cười xòa: “Ngoài ấy đồ nào mà chẳng có, nhưng anh chỉ có tiền mua đồ cũ thôi!”. Dĩ nhiên là tôi nhận lời, bởi lang thang ngắm đồ cổ (và cả đồ cũ) ở con phố này là thú vui một thời sinh viên của tôi. Tôi đã từng nhặt được khối thứ hay ho ở con phố này mà lâu nay vì công việc, tôi quên bẵng đi…
Phố sống chậm
Nếu như Hà Nội xưa có 36 phố phường thì Sài Gòn từ lâu cũng có kiểu “buôn có bạn”. Dù là buôn kiểu gì thì nhịp sống của thành phố này cũng rất trẻ trung, sôi động, đặc trưng của kinh tế thị trường là “có cung ắt có cầu”. Tuy vậy, muốn tìm một con đường mang dấu ấn hoài cổ ở Sài Gòn cũng không khó. Khác xa sự huyên náo, đông đúc thường thấy nơi phố thị, con đường Lê Công Kiều nằm ngay trung tâm thành phố nhưng lại khoác lên mình vẻ mơ màng, sang trọng kín đáo như nét đẹp của những cô thiếu nữ xưa. Nhiều người gọi đây là phố đồ cổ, bởi từ vỉa hè cho đến nhà phố đều bày bán những mặt hàng được phân loại theo thời gian. Nhưng với tôi, sau nhiều lần lang thang “dòm ngó”, tôi gọi con đường mang tên vị anh hùng thời kháng Pháp này là con đường sống chậm ở Sài Gòn. Bạn sẽ thắc mắc vì sao ư? Tất nhiên, vì nhiều lẽ…
Anh bạn hẹn 10g sáng Chủ nhật cùng ra phố Kiều, tôi tưởng anh tự thưởng cho mình được ngủ nướng sáng cuối tuần nhưng anh bảo, anh tất bật với công việc, thời gian đâu mà ngủ… như tôi?! Ở đây hơn 9g mới mở cửa hàng, ra sớm thì mua bán với ai. Thì ra là vậy. Mở cửa trễ nhưng 5g chiều có nơi đã rục rịch dọn hàng, trễ lắm 7g tối là đóng cửa. Chỉ cách vài trăm mét với các con đường kế cận bên ngoài mà không gian con phố này vắng vẻ, yên ắng đến lạ lùng. Từ đầu đường đã nhìn thông thống đến cuối đường, vì đường ngắn mà ít có xe cộ qua lại, đặc biệt là không có ngõ hẻm ngang dọc như các con đường khác ở Sài Gòn. Trên vỉa hè chỉ có vài người khách người nước ngoài đang đi bộ, dừng lại nhìn ngắm cửa hàng hoặc hỏi mua vài món hàng vặt lưu niệm. Chúng tôi rảo một vòng quanh các cửa hàng, hầu như cửa hiệu chỉ đánh số, ít có bảng tên sáng loáng bắt mắt khách. Nơi thì người bán thong thả đọc báo, người thì nhẹ tay lau dọn, sắp xếp đồ đạc hay chỉ ngồi trước cửa ngắm bâng quơ phố xá… Có chỗ ngoài hiên nhà tụ tập vài quý ông vây quanh bàn cờ tướng, kiên nhẫn làm quan sát viên. Ai cũng thư thái, nhàn nhã, không có vẻ gì là vội vã. Vừa có cảm giác nhịp sống ồn ào của Sài Gòn dừng chân ở ngoài con phố này thì tiếng rao hàng rong cất lên từ cuối đường, giọng trầm đục nhắc tôi về cuộc mưu sinh chưa bao giờ là dễ dàng với biết bao người khốn khó.
Có lẽ thấy chúng tôi không phải là khách muốn mua đồ cổ, cũng chẳng ra dáng khách hàng tiềm năng nên khi chúng tôi vào, người bán không mời chào vồn vã. Chúng tôi cũng tự ngắm nghía xong rồi đi. Chỉ có chị bán trên vỉa hè hỏi khi chúng tôi đến “Tìm gì vậy em, nói chị lấy cho?”. Anh bạn tôi thích thú khi moi ra được cái chân nến bằng đồng hình cô gái. Chị bán hàng nói, có người muốn mua hai cái nhưng chị có một cái thôi nên mới còn. Sợ chúng tôi cũng đổi ý như khách trước, chị tiếp lời thuyết phục: “Mua đồ cổ chứ có phải đồ mới đâu mà muốn bao nhiêu cũng có. Không phải ai cũng mua được đâu, là do có duyên hết đó em ạ”.
Anh bạn tôi phát hiện, hầu như chủ tiệm trên con phố này đều là người Bắc. Anh Vũ Xuân Trung – cư dân ở đây xác nhận đúng như thế. Anh quê Nam Định, từng là dân sưu tập tranh, khi chọn phố Kiều làm nơi an cư vào năm 1990, anh kiêm luôn buôn bán đồ cổ, nhưng mảng tranh vẫn được anh ưu ái hơn cả, nhất là tranh sơn mài. Anh Trung giới thiệu pha với sự hãnh diện “Ở đây an ninh, trật tự tốt lắm. Nhiều chính khách như Tổng thống Mỹ, Nữ hoàng Đan Mạch đến TP. Hồ Chí Minh đều ghé thăm con phố này”. Anh Lê Mỹ Hảo, chủ cửa hàng số 48 là người Hà Tây, vào miền Nam sống và kinh doanh ở đây từ năm 1992 cho biết, thời cực thịnh của thị trường đồ cổ là từ năm 2006-2010. Thời đó nhờ địa ốc, chứng khoán được mùa, nhiều người phất lên thành đại gia. Để nâng tầm văn hóa, nhiều người chọn cách… chơi cổ ngoạn, sưu tập cho mình hoặc mua làm quà tặng. Thế nên mới có cảnh đại gia đánh xế hộp đi gom đồ cổ, chỉ cần ưng mắt hàng xịn là chồng tiền cái rụp, chẳng cần “cò kè bớt một thêm hai”.
Hơn ba năm nay tình hình kinh tế khó khăn, thị trường đồ cổ cũng đi xuống theo, trầm lắng hẳn. Hầu hết các cửa hàng ở phố này tồn tại được là nhờ khách quen, chứ khách vãng lai thì không đáng kể. Anh Hảo cho biết, phần lớn cửa hàng là nhà “chính chủ”, không phải thuê mướn mới duy trì được, vì có khi cả ngày chẳng bán được món nào. Có khi cả tháng chỉ cần bán được một vài món là sống khỏe. Bởi ai cũng biết giá trị đồ cổ rất vô chừng, tùy thuộc vào độ hiếm và độc đáo mà có giá càng cao. “Buôn bán mặt hàng này nó thế, có muốn sống nhanh cũng không được” – anh Hảo cười. Con phố ngắn nên ai cũng biết mặt, tên tuổi, quê quán của nhau cả. Anh Hảo kể vanh vách, anh Tâm (số 11), anh Xương (số 20), anh Hùng tàu (số 22), chị Thủy (số 58), anh Tuân đèn (số 62)… Cũng có vài chủ tiệm người miền Nam như anh Thọ (số 15), anh Sáu Thạnh (số 5). Ở con phố này mọi người đối với nhau rất tình cảm không vì “nhất cận lân” mà còn vì tình đồng hương nên gắn bó, san sẻ nhau, không cạnh tranh kiểu mạnh ai nấy bán. Cùng đồng hương với anh Hảo còn có anh Kim (số 68), anh Tài cao (số 70), hay người Nam Định có anh Trung (số 17), anh Trường (số 72), anh Thắng – Kim Anh…
Phố lạc xoong trở thành phố đồ cổ
Dân cố cựu của Sài Gòn hãy còn nhớ Bảo tàng Mỹ thuật TP. Hồ Chí Minh ngày nay cùng với những dãy phố xung quanh, trong đó có đường Lê Công Kiều nằm trên khu đất vàng vốn từng là sở hữu của chú Hỏa – một trong những “đại gia” giàu nhất Sài Gòn vào những năm nửa đầu của thế kỷ trước. Khởi nghiệp từ gánh ve chai rồi trở thành “trùm” bất động sản, người đàn ông gốc Hoa này cũng để lại mối duyên công việc có liên quan đến nghề thu mua từ ve chai, đồ cũ, đồ cổ cho cư dân của phố Lê Công Kiều. Sau giải phóng, trải qua nhiều biến thiên, đây là nơi tập kết, trung chuyển đồ cổ, đồ giả cổ, hàng lưu niệm cao cấp… ra những cửa hàng lớn ở khu Đồng Khởi, Nguyễn Huệ, Mạc Thị Bưởi… Đến khoảng năm 1990, do việc thuê mặt bằng gặp khó khăn nên một số chủ cửa hàng đã dời về bán tại nhà.
Nằm nối giữa hai con đường Phó Đức Chính và Nguyễn Thái Bình, thuộc phường Nguyễn Thái Bình (quận 1), đường Lê Công Kiều chỉ dài hơn 200m nhưng lại là một con đường khá đặc biệt ở Sài Gòn, được nhiều người biết đến, nhất là trong giới chơi đồ cổ và những người thích sống chậm. Họ đến đây không chỉ đơn thuần để mua bán mà còn để thưởng thức, tìm về hương sắc Sài Gòn xưa. Người bán kẻ mua dù làm nghề gì cũng có chung niềm đam mê, yêu thích đồ cổ, họ trân trọng từng lưu vật bé nhỏ của tiền nhân. Đừng nghĩ đồ ở phố cổ đều to tát, lấp lánh, sơn son thếp vàng hay chạm rồng khắc phụng mà nhầm, bởi ở đây “thượng vàng hạ cám” kiểu gì cũng có. Từ những vật dụng hằng ngày của người dân như chiếc bát hương, chiếc hộp quẹt, đèn măng-sông, đến những vật chỉ có ở nhà quan hay người giàu như tấm hoành phi, liễn, câu đối… Cả những vật tâm linh để thờ cúng, tượng Phật các loại. Cũng có thể tìm thấy cái nút áo đến chai rượu Tây, đồng tiền xu đến đồ nghệ thuật gốm sứ, đồ gỗ, tranh pháo… thuộc nhiều niên đại. Hàng có được từ nhiều nguồn, thu mua của dân, từ nước ngoài đều có.
Tôi có vài người bạn vong niên dù đã “cáo lão quy điền”, về ở ẩn ở những vùng xa trung tâm thành phố, nhưng hằng tuần đều đặn đến phố đồ cổ để uống ly cà phê lề đường, cùng bạn bè tán gẫu dăm ba câu chuyện vãn về thú chơi cổ vật. Có khi chẳng mua bán gì cũng sà vào vài tiệm. Chủ và khách đã quá quen nhau nên chẳng cần mời mọc gì. Vì chủ đã biết rõ sở trường của khách chơi món gì, chỉ khi nào có đúng món ấy thì ưu tiên để dành cho khách “ruột” chọn trước. Khách cứ nhẩn nha xem ngắm. Biết tôi có ý định viết bài về phố đồ cổ này, ông bạn già đăm chiêu nói: “Phố cũng như người, không phải tiếp xúc một ngày một buổi mà có thể hiểu hết được. Nhưng có điều này là chân lý: có yêu mới thấy đẹp, mới “chín bỏ làm mười”. Tôi lui đến đây đã 20 năm rồi, từ khi nó chỉ là nơi tập kết đủ thứ đồ cổ, đồ cũ, tôi thấy cái tình ở con phố này khó tìm được ở nơi nào khác”. Tôi hiểu ý ông muốn nói gì. Đó là những chuyện không hay về buôn bán đồ cổ, một thời chuyện chảy máu cổ vật cũng xảy ra ở đây. Chuyện đồ cũ – mới, thật – giả lẫn lộn. Đã là chợ, không thể trách người mua hay người bán, chỉ có điều đồ cổ đẹp, tốt, có giá trị chỉ có thể đến tay người hiểu biết. Nghề chơi cũng lắm công phu là thế.
Khách đến đây đủ thành phần, từ cậu học sinh tập tành sưu tập tiền xu, anh thầy giáo trẻ mê máy hát đĩa cổ, anh kỹ sư mê đồng hồ… Hay như linh mục Nguyễn Hữu Triết, người nổi tiếng với bộ sưu tập đèn cũng là khách thường xuyên của phố này. Một buổi trưa, tôi ghé cửa hàng nhỏ có vẻ cũ kỹ, bình dân của anh Xương chuyên bán đèn, hỏi anh dạo này buôn bán thế nào, có hàng độc dành cho khách quen không. Vừa đóng hàng vào giỏ, anh nói, lai rai thôi. Anh kể về vị khách đặc biệt của mình: “Cha Triết sưu tập đèn lâu rồi, ông có nhiều cái đẹp, quý lắm. Ở phố này ai cũng biết ông cả”.
Giờ đây, con phố này cũng là điểm tham quan không thể bỏ qua của du khách nước ngoài khi đến TP. Hồ Chí Minh. Bước vào con phố, khách không giấu vẻ ngạc nhiên thú vị khi từ đầu đường cho đến cuối đường, đồ cũ, đồ cổ được bày bán từ vỉa hè đến các cửa hàng sang trọng với đủ chủng loại. Anh Hảo cho biết, khách nước ngoài chiếm khoảng 50%, gồm cả khách buôn và khách du lịch.
Chọn mua cũng được một vài món hay
Ở phố này không chỉ có các tiệm bán đồ lưu niệm, cổ vật, còn có một hiệu sửa máy ảnh nổi tiếng từ xưa, có góc vỉa hè sửa các loại máy xay sinh tố, nồi cơm điện, quạt máy…, giữa phố là một quán ăn, một trường học cũng khép mình bên con phố. Gọi Lê Công Kiều là chợ đồ cổ chỉ là cách gọi truyền miệng, chứ theo giấy phép kinh doanh, những tiệm ở đây đều đăng ký buôn bán đồ gốm sứ, thủ công mỹ nghệ… Các tiệm tuy bày bán nhiều mặt hàng cho đa dạng, nhưng mỗi nơi đều có “đặc sản” riêng. Khách cũng là chỗ thân quen thuộc diện ưu tiên nên hàng tốt ít khi còn để đến tay khách vãng lai. Vì vậy mà có người than phiền, ra phố Kiều là bị lừa, chỉ toàn đồ mới. Cũng không ai đi thanh minh, vì có khi “há miệng mắc quai”. Các cửa hàng số 19, 21, 23 có nhiều hàng gốm sứ, đồ cổ các nước châu Á có các cửa hàng số 34, 38, 40. Muốn kiếm các loại bàn ghế, tủ, trường kỷ kiểu cổ, các cửa hàng số 15 và 36. Cửa hàng 48 bán đồ sơn mài, đồ gỗ, các bức hoành phi, câu đối, khắc gỗ…
Anh Hải là dân kinh doanh thiết bị điện, ở quận Tân Phú nhưng anh đến phố Kiều “như cơm bữa”. Do nghề nghiệp nên anh cũng mê sưu tập đèn điện, trước là thỏa đam mê, sau là phục vụ công việc. Những chiếc đèn bàn, đèn ngủ thời Pháp đã hư cũ, qua tay anh mày mò đã có thể sử dụng được. Lâu lâu săn lùng được cái nào còn mới nguyên là mừng như bắt được vàng. Anh còn mê đồ gỗ, đi đâu thấy đồ gỗ… sắp hư, bị người ta vứt bỏ là mang về, chế biến đủ kiểu sao cho hợp với đèn. Làm được bộ nào ưng ý, anh chụp hình mang lên phố “khoe” với bạn. Anh nhận mình chỉ chơi “tài tử”, nhưng tôi biết nếu không đam mê, anh không thể chơi hồn nhiên như thế.
Không riêng vì việc mua đồ cổ ở phố Lê Công Kiều mà bất cứ nơi đâu, bao giờ cũng có phần phiêu lưu đòi hỏi người mua phải có con mắt nhà nghề, có kinh nghiệm lăn lộn trong việc săn tìm cổ vật. Chị Tú Anh, người chơi lâu năm trong nghề chia sẻ, với chị, ra phố này là thú vui được lang thang trên con phố yên bình, được gặp gỡ, trò chuyện với những người bạn, người quen cùng sở thích. Có khi chịu khó lượm lặt cũng được nhiều món thú vị giá hời như tem, tiền xưa, huy hiệu, bàn ủi… Đã thành chỗ thân quen từ lâu nên ai có đồ trang sức cổ đều dành cho chị. Vậy mà đôi khi chị vẫn phát hiện có đồ mới lẫn vào, khi ấy chị nhẹ nhàng nhắc khéo chủ tiệm về sự “nhầm lẫn”. Nói tóm lại, yên tâm ra phố Kiều mua đồ cũ, nhưng đồ cổ thì hãy cẩn thận.
Chơi có bạn bao giờ cũng vui hơn một mình nên với dân sưu tầm cổ vật, ra phố Lê Công Kiều là một địa điểm lý tưởng. Bên ly cà phê, ván cờ, những câu chuyện về đồ cổ không bao giờ cạn, chủ đề từ Nam ra Bắc, từ Đông sang Tây… Họ ra đây như một thói quen, dù biết không có đồ để mua, chưa có gì mới để xem, hoặc không đủ tiền mua, nhưng nếu không ra lại thấy nhớ. Như mấy ông bạn vong niên của tôi, đàm luận chuyện đồ cổ xong lại… đâm lo, sợ mai đây lớp trẻ chỉ đam mê đồ hightech mà thờ ơ với cổ vật Việt, hay muốn xem cổ vật Việt phải ra nước ngoài! Rồi lại lo đến sau này có khi chính người nước ngoài làm công việc tìm hiểu, giảng dạy về văn hóa Việt cho người Việt! Âu cũng là những nỗi lo gần của những người nặng lòng với văn hóa, cổ vật Việt.
Tôi không phải là người chơi đồ cổ, nhưng niềm xúc động, mối hoài cổ khi nhìn những cổ vật từ hàng trăm năm trước ở phố đồ cổ này vẫn nguyên vẹn như lần đầu vào bảo tàng xem triển lãm cổ vật. Rồi đây có khi phải “đập cổ kính ra tìm lấy bóng…”, nghĩ đến phố đồ cổ và những giờ lang thang sống chậm giữa lòng Sài Gòn, thầm mong nơi này giữ được một nét duyên chấm phá cho thành phố.
– Ảnh Thanh An – Thế Anh