Nếu 66 triệu năm về trước, kỷ Phấn trắng (Creta) kết thúc bằng một vụ nổ lớn (Big Bang) tạo ra một miệng núi lửa rộng 177km, những cơn sóng thần khổng lồ, những trận động đất khủng khiếp và làm trật tự thế giới thay đổi, thì năm 2007 có thể được nhìn nhận như một lần Big Bang thứ 2, khi hàng loạt những nhà công nghệ đột phá đã bẻ gãy tất cả những quy trình vận hành trước đó của thế giới, tạo ra một sự “choáng váng” không ngừng cho con người, dù tiện ích của nó mang lại là khó bàn cãi.
Để mô tả về cách mà thế giới ngày nay đang hoạt động, Thomas L. Friedman, một nhà báo Mỹ được vinh danh như một người giải thích xuất sắc tiến trình toàn cầu hóa, trong cuốn sách Cảm ơn vì đến trễ đã trích dẫn Joseph Sirosh – Phó chủ tịch Tập đoàn Microsoft, phụ trách nhóm dữ liệu tại bộ phận điện toán đám mây và doanh nghiệp, cho biết: với việc gắn máy đo số bước chân đàn bò và kết nối máy với tín hiệu vô tuyến ở trang trại, Công ty Fujitsu ở Nhật đã thành công trong việc khiến cho đàn bò “biết nói”, cung cấp dữ liệu chính xác về thời kỳ động dục của loài bò với tỷ lệ chính xác lên đến 95%, cải tiến vượt trội luôn cả quy trình chọn giống bê cái và bê đực, có thể phát hiện được tám loại bệnh khác nhau của bò, giúp điều trị sớm và cải thiện sức khỏe cũng như tuổi thọ tổng thể của đàn bò.
Toàn bộ những gì một người nông dân dày dạn kinh nghiệm 30 năm nuôi bò có thể làm được nhưng không hoàn toàn chính xác, thì nay chỉ với việc gắn một máy có kết nối internet và một hệ thống xử lý dữ liệu thông minh, một con bò tự thân nó cũng tạo ra kết quả tương tự. Không còn sống nhờ vào kinh nghiệm nữa, con người ngày nay sẽ sống nhờ vào thứ gì?
Big Bang 2007 – Những kẻ dẫn đầu đang tái định hình thế giới
Ngày 9-1-2007, Steve Jobs giới thiệu iPhone, chiếc điện thoại làm thay đổi lịch sử của ngành điện thoại. iPhone lúc đó được mô tả là 3 trong 1: có năm radio trong những băng tần khác nhau, có tốc độ xử lý nhanh, RAM lớn, bộ nhớ flash lớn; không có bàn phím và dùng phần mềm để xử lý mọi thứ. Chiếc iPhone có một trình đa phương tiện, một chiếc điện thoại và một công cụ truy cập web tốt nhất thế giới lúc bấy giờ. Một năm sau, ngành công nghiệp thiết kế ứng dụng cho điện thoại, nhờ vào việc iPhone đã đồng ý mở cho các bên thứ ba tham gia vào, đã bùng nổ.
Giờ đây, con cái chúng ta có Khan Academy và hàng ngàn app miễn phí học tập, vui chơi giải trí khác. Giờ đây, một đứa trẻ biết tiếng Anh ở Sóc Trăng cũng có cơ hội học ngang hàng với một đứa trẻ con nhà khá giả tại Mỹ, chỉ với một chiếc điện thoại và đường truyền internet. Chỉ trong vòng 10 năm, ngành công nghiệp thiết kế ứng dụng cho điện thoại đã khiến cơ hội học hỏi của hàng trăm triệu trẻ em trên thế giới trở nên lớn tới mức không còn khoảng cách nào.
- Xem thêm: Giáo dục – hôm nay và ngày mai
Cuối năm 2006, Google mua lại YouTube, và năm sau đó, họ giới thiệu Android. Năm 2007, Amazon ra mắt Kindle, và Hadoop – một công ty cung cấp khả năng xử lý “dữ liệu lớn” cho tất cả các thiết bị – chào sân; và cũng vào năm 2007, GitHub, một nền tảng mã nguồn mở dùng để thiết kế và hợp tác thiết kế phần mềm cũng được ra mắt. Đây cũng là năm ra đời của Facebook, Twitter – những mạng xã hội đã thay đổi cách làm báo của hàng triệu nhà báo trên khắp thế giới, thay đổi cả ngành công nghiệp quảng cáo, và như vậy đã thay đổi cả cách mà một con người tiếp nhận thông tin.
Giờ đây, mỗi người là một nhà báo của chính mình, và là người quyết định mình sẽ đọc, xem những gì, ở đâu, tại sao làm chuyện đó. Những “kẻ dẫn đầu” vào năm 2007 nay vẫn tiếp tục dẫn dắt thế giới trong cuộc chơi công nghệ, một cuộc chơi tối ưu hóa sức lao động, tài sản, nguồn lực của con người, trao cho con người nhiều quyền hơn, nhiều tiện ích hơn, nhưng đồng thời, cũng nhiều lệ thuộc hơn vào công nghệ.
Chỉ trong vòng 10 năm, thế giới đã thay đổi đến mức những người được cho là thông minh và giàu kiến thức nhất về tương lai của thế giới đều dùng những từ ngữ giống nhau: “khó đoán trước”, “khó lường”, “bất định”, và họ cũng đều đồng thuận với nhau một quan điểm lớn: bạn phải liên tục ứng biến, khả năng thích nghi phải rất cao. Bởi vì: những con bò đang được vắt sữa tự động ở một trang trại tại ngoại ô New York vào năm 2014, hệ thống robot cho phép những con bò tự chọn giờ vắt sữa cho riêng chúng.
Và giờ đây một chuyên gia vắt sữa bò thành công có thể phải là một người có trình độ sắc sảo trong việc đọc và phân tích dữ liệu, có mức lương cao hơn đồng thời yêu cầu công việc cao hơn. Rồi sẽ không còn cơ hội nào cho những loại công việc có thể tự động hóa, cũng là cơ hội vàng cho những người lao động có tri thức cao tại các quốc gia đang phát triển để có thể tự giới thiệu mình đến doanh nghiệp tại các quốc gia phát triển hơn.
Như mô tả của Thomas L. Friedman “thế giới ngày nay không chỉ thay đổi nhanh chóng mà đang được tái định hình đáng kể, đang bắt đầu vận hành một cách khác biệt trong nhiều lĩnh vực cùng một lúc. Sự tái định hình này xảy ra nhanh hơn những gì chúng ta có thể tái định hình bản thân, tái định hình sự lãnh đạo, các tổ chức, xã hội và lựa chọn đạo đức của chúng ta”.
Tái kết nối – thách thức lớn của con người học tập
Trước những đổi thay này, Thomas L. Friedman chia sẻ: “Đã bao lần trong bao nhiêu hoàn cảnh khác nhau, mọi người đã đề cập với tôi về “sự tin tưởng” giữa hai con người như là cội nguồn thật sự của tất cả mọi điều tốt đẹp? Bác sĩ Murthy đã nói với tôi rằng, căn bệnh lớn nhất của chúng ta ngày nay không phải là ung thư, cũng không phải là tim mạch, mà chính là sự cô lập. Sự cô lập rõ ràng là bệnh lý lớn nhất của chúng ta ngày nay. Chúng ta là thế hệ có sự kết nối công nghệ nhiều nhất toàn bộ lịch sử loài người, thế mà ngày nay có nhiều người cô đơn hơn bao giờ hết, và sự kết nối hiếm hoi nhất hiện nay chính là sự kết nối giữa con người với con người”.
Nhưng sự thiếu kết nối giữa con người với con người không phải là yếu tố đáng sợ nhất. Điều đáng sợ nhất chính là sự thiếu kết nối giữa con người với chính mình. Không hiểu được bản thân, con người không thể tìm kiếm những thành công có thể đem lại một đời sống hài hòa cho họ. Không hiểu được bản thân, con người cũng không thể có một lộ trình dài hạn cho chính bản thân mình trong công việc. Và như vậy, họ cũng không thể khai thác hết tiềm năng của mình, hay thậm chí cũng không thể hạn chế được những lựa chọn đi ngược lại với tiềm năng của mình. Một con người không biết mình sẽ làm gì để có được một đời sống trọn vẹn ý nghĩa là một người bế tắc.
Khủng hoảng giữa đời – midlife crisis – thường xuất hiện khi một người không biết mình đang tồn tại vì lý do gì, tại sao mình ở đây, tại sao làm những công việc này? Khi đã xuất hiện các câu hỏi ấy, chính là lúc con người cần tái kết nối với chính mình, từ đó mới có được những tiền đề khỏe mạnh để tái kết nối với người khác.
Và nền tảng của toàn bộ chuyện này – chuyện tự học của một con người, để chuẩn bị cho một lần tái cấu trúc cuộc đời mình trong thế giới này, chính là ngồi lại, nhìn thật rõ và thẳng thắn vào nội lực của mình trong hiện tại, vào những tổn thương đang đè nén trong lòng mình do nhiều lần mất mát mang lại, về những tham vọng ngày qua ngày chất chồng lên trong tâm của mình mà không hề hay biết, về những khỏa lấp cho những lần thiếu cố gắng của mình, và những tính toán ngắn hạn xưa kia của mình… Một lần nhìn lại cho tất cả, để “thấy xa hơn” dáng hình của chính mình trong tương lai ấy.
(Bài viết có tham khảo sách Cảm ơn vì đến trễ – tác giả Thomas L. Friedman – NXB Trẻ, 2017)