Nghiên cứu mới của hai trường Đại học Monash và Đại học Deakin đã chỉ ra rằng, những đứa trẻ được dạy chơi cờ vua và chơi một cách thường xuyên thường ít tránh né rủi ro hơn các bạn cùng trang lứa.
Benjamin Franklin, Tổ phụ Lập quốc của Hoa Kỳ, đã cho rằng, nhiều khả năng tư duy quý giá, hữu ích trong suốt cuộc đời có thể được tiếp nhận và củng cố bằng cách chơi cờ vua. Theo ông, bằng cách cân nhắc kết quả trước khi đi cờ và không thực hiện nước cờ quá vội vàng, người chơi sẽ học được các kỹ năng quan trọng như tầm nhìn xa và sự thận trọng trong cuộc sống.
Các nhà nghiên cứu đến từ Đại học Monash và Đại học Deakin đã thử nghiệm lý thuyết này ở các học sinh tiểu học và nhận thấy rằng, những em học cờ vua thường xuyên và chơi cờ liên tục trong thời gian dài sẽ có xu hướng ít sợ rủi ro hơn so với các bạn cùng tuổi.
Trong quá trình nghiên cứu, một thí nghiệm đã được tiến hành để xem xét tác động của các bài học cờ vua chuyên sâu với hơn 400 học sinh lớp 5 chưa từng chơi cờ. Các em học sinh sẽ tham gia một chương trình cờ vua 30 giờ, kéo dài 3 tuần do Liên đoàn Cờ vua Thế giới tài trợ. Sau khi khóa đào tạo kết thúc, các em sẽ được đánh giá về sự thay đổi trong hành vi, bao gồm kỹ năng quản lý rủi ro, quản lý thời gian và khả năng tập trung, trong xuyên suốt gần 1 năm.
Kết quả đã cho thấy rằng, chơi cờ vua có thể làm giảm sự sợ hãi rủi ro ở trẻ em. Qua các cuộc chơi, cờ vua giúp trẻ tiếp xúc với việc thi đấu mang tính thắng thua và cạnh tranh cao, cũng như dạy cho trẻ em những lợi ích của việc chấp nhận rủi ro có chiến lược.
Nghiên cứu được dẫn dắt bởi Giáo sư Asad Islam – Giám đốc của Trung tâm Kinh tế phát triển và bền vững (Đại học Monash), được Tiến sĩ Wang Sheng Lee – Nghiên cứu viên của Trung tâm Kinh tế phát triển và bền vững (Đại học Monash) và Tiến sĩ Aaron Nicholas – Giảng viên cấp cao Khoa Kinh tế (Trường Đại học Deakin) hỗ trợ.
Giáo sư Islam cho biết, cờ vua giúp xây dựng và nuôi dưỡng tinh thần chấp nhận rủi ro ở trẻ em, giúp các em chuẩn bị tốt hơn để đối mặt với những thách thức trong cuộc sống. Ông chia sẻ: “Trong cờ vua, người chơi phải hy sinh quân tốt, quân mã và quân tượng để chiếu tướng và giành chiến thắng. Những sự hy sinh như vậy vốn rất rủi ro, vì nếu tính toán sai, nó có thể dẫn đến việc thua cuộc nhanh chóng.
Trẻ em cần biết cách chấp nhận rủi ro và biết cách tính toán hậu quả của rủi ro. E ngại mạo hiểm một cách quá mức sẽ khiến các em không dám tham gia vào nhiều hoạt động trong cuộc sống, ví dụ như: đi bơi, đi chơi ở công viên hoặc tham gia các môn thể thao. Khi lớn lên, điều này sẽ kéo dài và có thể gây ảnh hưởng đến các hành vi ở tuổi vị thành niên như sử dụng chất kích thích, hút thuốc, trốn học,…
Trong nhiều tình huống, đôi lúc ta phải chấp nhận rủi ro lớn để nhận được phần thưởng lớn. Tuy nhiên, ranh giới giữa việc chấp nhận rủi ro có tính toán và liều lĩnh quá mức đôi khi rất khó xác định. Việc học cờ vua có thể giúp người chơi thu hẹp khoảng cách đó”.
Hiện nay, hai quốc gia châu Âu – Armenia và Ba Lan – đã đưa cờ vua trở thành môn học bắt buộc trong chương trình giảng dạy tiểu học. Ấn Độ cũng đang đạt được nhiều tiến bộ trong việc đưa cờ vua vào chương trình giảng dạy ở trường học. Tại Ấn Độ hiện có khoảng 17 triệu trẻ em tham gia vào chương trình trên toàn quốc, đặc biệt là ở các bang Gujarat và Tamil Nadu, nơi cờ vua là một phần của chương trình giảng dạy.
“Cờ vua có thể nhận được sự quan tâm đặc biệt từ các nhà hoạch định chính sách, những người quan tâm đến việc tìm kiếm các chương trình cung cấp giúp phát triển các kỹ năng sống quan trọng ở trẻ em, chẳng hạn như nhận thức và đánh giá tốt về khái niệm rủi ro, trong những năm đầu đời của trẻ”, TS Lee nói, đồng thời còn cho rằng: “Cờ vua còn có thể giúp trẻ em xây dựng các kỹ năng logic và số học quan trọng. Nó có thể thúc đẩy trẻ em trở thành những người sẵn sàng giải quyết vấn đề, có thể dành hàng giờ đắm mình trong tư duy logic.”
Mỗi ngày đều có hàng triệu người chơi cờ vua trên khắp thế giới. Trong thời gian gần đây, cờ vua đã trở nên rất phổ biến thông qua bộ phim truyền hình ăn khách The Queen’s Gambit (Gambit Hậu).