Nhóm cổ phiếu ngành ngân hàng sẽ khó đi ngược lại với xu thế chung của VN-Index, vốn được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong hai quý cuối năm.
Nhiều ngân hàng báo lãi nghìn tỉ
Mùa công bố báo cáo kết quả kinh doanh (KQKD) của các ngân hàng đang vào giai đoạn cao điểm. Tính đến thời điểm này, Vietcombank vẫn đang là quán quân lợi nhuận khi sáu tháng đầu năm lãi 7.722 tỉ đồng, tăng 53% so với cùng kỳ 2017 và bằng 55% kế hoạch 2018. Ngoài các chỉ tiêu kinh doanh đều tăng trưởng ấn tượng, đặc biệt là mảng dịch vụ sau một loạt quyết định điều chỉnh chính sách phí thời gian qua, thì việc thoái vốn khá thành công tại OCB đã đóng góp vào con số lợi nhuận của ngân hàng này.
Hiện tại, Vietcombank còn có kế hoạch thoái vốn tại Eximbank và MBBank trong thời gian tới, do đó lợi nhuận của ngân hàng trong năm nay nhiều khả năng sẽ còn tiếp tục tăng cao. Trong khi đó, BIDV cũng có lợi nhuận ước tăng khá cao (32% so cùng kỳ) dù thời gian qua gặp nhiều khó khăn trong việc tăng vốn tự có và hệ số CAR thấp dẫn đến bị hạn chế cho vay. Một ngân hàng thương mại cổ phần (TMCP) gốc quốc doanh lớn khác là Vietinbank chỉ ước đạt lợi nhuận khoảng 5.200 tỉ đồng, tăng nhẹ hơn 8% so cùng kỳ và mới đạt 48% kế hoạch năm, mặc dù tăng trưởng dư nợ cho vay của ngân hàng sáu tháng qua đã tăng khá cao đến 9,8%.
Ở nhóm ngân hàng TMCP, nhiều tên tuổi cho thấy sự bứt phá mạnh mẽ. Đơn cử như TPBank, ngân hàng được đánh giá là tái cấu trúc thành công và có chiến lược đẩy mạnh mảng ngân hàng số gần đây, đã công bố lợi nhuận trước thuế đạt 1.024 tỉ đồng, tăng 541 tỉ đồng, tương đương 212% so với cùng kỳ. Hay như tại VIB, ngân hàng có thế mạnh về bán lẻ cho vay mua nhà và gần đây tăng mạnh phí dịch vụ khách hàng doanh nghiệp, cũng có lợi nhuận tăng trưởng đến ba lần, đạt 1.151 tỉ đồng, trong đó doanh thu từ mảng bán lẻ tăng 100% so với cùng kỳ năm trước. Theo đó, VIB có thể lãi trên 2.500 tỉ đồng cho cả năm nay, vượt 25% so với kế hoạch.
Đối với những ngân hàng có quy mô lớn trong nhóm TMCP, MBBank có lãi trước thuế hợp nhất là 3.800 tỉ đồng, tăng mạnh 50,5% so cùng kỳ năm trước. Đây là mức tăng trưởng nửa đầu năm cao nhất trong lịch sử của ngân hàng. Với việc đã hoàn thành trích lập dự phòng trái phiếu đặc biệt VAMC vào năm 2017, thì lợi nhuận của ngân hàng đã không chịu ảnh hưởng bởi khoản chi phí này.
Ngoài ra, tín dụng của MBBank cũng tăng trưởng đến 11% trong sáu tháng qua, bên cạnh các mảng kinh doanh tài chính tiêu dùng, bán sản phẩm bảo hiểm qua hệ thống ngân hàng (bancassurance) cũng góp phần giúp nguồn thu tăng trưởng mạnh mẽ. Một cái tên cũng rất đáng chú ý khác là VPBank đã công bố lợi nhuận trước thuế trong nửa đầu năm nay tăng 34%, đạt 4.375 tỉ đồng, dù vậy cũng chỉ mới hoàn thành 40% kế hoạch năm. Các chỉ số quan trọng khác như huy động và dư nợ tín dụng của VP Bank tăng lần lượt là 7,99% và 6,8% so với cuối năm 2017. Tuy nhiên, “con gà đẻ trứng vàng” Fe Credit chỉ còn đóng góp 36% vào tổng lợi nhuận của VPBank, trong khi giai đoạn trước đây luôn xấp xỉ hơn 50%.
Lợi nhuận tăng cao, cổ phiếu giảm sâu
Dù đã phục hồi trở lại nhưng so với vùng đỉnh hồi tháng 4, hầu hết cổ phiếu ngành ngân hàng đã giảm 30 – 40% giá trị. Như BID hiện giảm hơn 40% so với giá vùng đỉnh hồi tháng 4; LPB và SHB giảm 41%; CTG và VPB giảm 34%; ACB và HDB giảm 31%; VCB giảm 25%… Việc KQKD duy trì đà tích cực trong quý II đã giúp tình hình kinh doanh sáu tháng đầu năm của các ngân hàng nhìn chung đều tăng trưởng mạnh so với cùng kỳ, qua đó có hỗ trợ ít nhiều đến giá cổ phiếu trên sàn.
Tuy vậy, nếu nhìn triển vọng trong sáu tháng cuối năm, dự báo chính sách tiền tệ sẽ được NHNN điều hành theo hướng bớt nới lỏng hơn do rủi ro lạm phát đang tăng cao trở lại. Tăng trưởng tín dụng và tăng trưởng tổng phương tiện thanh toán M2 nhiều khả năng sẽ được giới hạn ở mức thấp hơn so với năm 2017 (dự kiến chỉ khoảng 16%).
Do đó, những ngân hàng nào có tỷ trọng nguồn thu phụ thuộc quá nhiều vào tín dụng và có tăng trưởng cho vay ở mức cao, gần hết “room” trong sáu tháng đầu năm sẽ gặp nhiều khó khăn hơn do khó có khả năng được nới thêm “quota” tăng trưởng tín dụng. Trong khi đó, những ngân hàng nào có tỷ trọng thu nhập từ dịch vụ ở mức cao hoặc có công tác xử lý thu hồi nợ xấu hiệu quả có thể sẽ mang về những nguồn thu đột biến. Mảng tín dụng tiêu dùng cũng sẽ tăng trưởng chậm lại và không còn là mảnh đất quá màu mỡ như hai năm gần đây.
Về diễn biến cổ phiếu, nhóm ngành ngân hàng sẽ khó đi ngược lại với xu thế chung của VN-Index vốn được dự báo sẽ gặp nhiều thách thức trong hai quý cuối năm. Tuy vậy, dòng tiền thông minh vẫn luôn tìm đến những cổ phiếu ẩn chứa những yếu tố đột biến như câu chuyện mở “room”, bán vốn cho đối tác chiến lược hay hoàn nhập dự phòng cao đột biến.