Có nhiều bài báo gần đây trên báo chí Việt Nam viết về việc học tiếng Anh trong nhà trường. Các bài viết bàn về giáo trình, phương pháp giảng dạy, quy trình đảm bảo chất lượng… Tuy nhiên, tôi thấy có một vấn đề ít được nhắc đến, đó là cách thức kiểm tra trình độ người học. Trong khi người nước ngoài quan tâm đến việc đánh giá khả năng tư duy thông qua các bài thi, cách giáo dục của Việt Nam chủ yếu lại kiểm tra khả năng ghi nhớ và học thuộc lòng. Điều này không giúp cho người học có được hành trang cần thiết để đáp ứng những yêu cầu của thế giới hiện đại. Theo tôi, những nội dung thi cử nên hướng đến việc đánh giá liệu người học có hiểu vấn đề và có thể ứng dụng kiến thức trong các tình huống khác nhau hay không chứ không nên chỉ tập trung vào việc kiểm tra khả năng ghi nhớ. Hiểu mới là con đường hữu hiệu nhất giúp người học nhớ lâu. Học thuộc lòng mà không hiểu thì chỉ là con vẹt. Có người học thuộc lòng các đoạn đối thoại tiếng Anh mà không hiểu nghĩa của từng câu nên không biết sử dụng thế nào trong các tình huống cụ thể. Ví dụ, bạn không thể nói “Xin chào, tôi là Tuyết. Bạn tên gì?” khi người nước ngoài nhờ bạn chỉ đường. Nói với một đứa trẻ rằng “đừng đụng vào cái lò” và bắt bé ghi nhớ câu nói này sẽ không hiệu quả bằng cách giải thích tại sao không nên đụng vào bếp lò. Hiểu có mối quan hệ chặt chẽ với tư duy. Trong khi đó, việc ghi nhớ lại không yêu cầu điều này. Một ví dụ khác, trong lớp MBA tôi dạy để giúp sinh viên thành thạo tiếng Anh trước khi sang học ở các trường nước ngoài, các bạn làm bài đọc hiểu có nội dung cho biết 70% người Úc sống dọc theo các bờ biển. Câu hỏi của bài là “Bao nhiêu phần trăm dân số Úc sống sâu trong đất liền?” Tất cả sinh viên đều chọn 70% (trong khi câu trả lời đúng là 30%). Có lẽ họ đã quen với kiểu kiểm tra của Việt Nam là phải trả lời y nguyên những gì có trong bài đọc. Trong khi đó, các bài kiểm tra của phương Tây lại chú trọng xem sinh viên hiểu thông tin và suy luận thế nào. Tất cả các bài kiểm tra trình độ của phương Tây đều quan tâm đến yếu tố suy nghĩ hơn ghi nhớ. TOEFL hay TOEIC và những hệ thống kiểm tra khác không chỉ kiểm tra trình độ tiếng Anh mà còn cả năng lực tư duy của người học. Đây là một điều khó với sinh viên Việt Nam vốn quen với việc được kiểm tra trí nhớ hơn là khả năng suy nghĩ. Phương pháp giảng dạy ở Việt Nam luôn yêu cầu sinh viên lặp lại và ghi nhớ. Các bài kiểm tra cũng nhấn mạnh đến việc sinh viên có nhớ hay không. Ví dụ, bạn có nhớ dạng bất quy tắc của động từ này không? Bạn có nhớ quy luật ngữ pháp này? Hoặc với các bài đọc hiểu, bạn có nhớ điều bạn vừa mới đọc? Ngày nay chúng ta đã có máy vi tính giúp việc ghi nhớ thông tin. Thế giới hiện đại đã thay đổi rất nhiều so với thời kỳ chưa có máy vi tính và internet. Không cần thiết phải học thuộc lòng quá nhiều thứ khi máy móc có thể làm thay chúng ta việc này một cách hiệu quả hơn. Trí óc con người nên để phân tích và giải quyết vấn đề hơn là học thuộc lòng. Đây mới là điều mà xã hội cần ở hệ thống giáo dục và cũng là chìa khóa thành công cho mỗi cá nhân trong cuộc sống.
Renate Haeusler Lê Tâm dịch