Giữa tháng 9 vừa qua, UBND TP. Hồ Chí Minh đã ra thông báo sẽ thu hồi một số dự án bất động sản do chủ đầu tư không chịu triển khai xây dựng đúng thời hạn. Đặc biệt, nhiều dự án trong số này có vị trí phù hợp để xây dựng căn hộ giá rẻ hoặc nhà ở xã hội. Nhân lúc nhu cầu chỗ ở cho người thu nhập thấp tại thành phố ngày càng cấp bách, nhiều ý kiến cho rằng việc thu hồi sẽ tạo cơ hội cho chính quyền và doanh nghiệp phát triển nhà ở giá rẻ.
Hàng ngàn dự án có khả năng bị thu hồi
Trong số hàng loạt dự án bị cơ quan chức năng kiểm tra và đề nghị xử lý mạnh tay có thể kể đến dự án chung cư A22 diện tích gần 14.000m2 thuộc khu 13 Nam Sài Gòn, khu đô thị 13A thuộc khu đô thị mới Nam Thành phố… Bên cạnh đó, UBND TP. Hồ Chí Minh cho biết đã giao cho Sở Tài nguyên và Môi trường cùng Sở Xây dựng rà soát 1.300 dự án chậm tiến độ để thu hồi trong thời gian tới.
Theo ông Lê Hoàng Châu, Chủ tịch Hiệp hội Bất động sản TP. Hồ Chí Minh (HoREA), việc thu hồi quỹ đất mà các doanh nghiệp “xí phần” rồi không thực hiện được là cơ hội cho thành phố sử dụng làm các dự án nhà ở xã hội, nhà ở giá rẻ. Các quỹ đất này có thể giao cho các doanh nghiệp có thực lực thực hiện theo giải pháp: một phần sản phẩm của dự án dành cho nhà ở xã hội, phần còn lại cho chủ đầu tư bán theo giá thương mại để hoàn vốn.
Hiện nay, quy mô dân số TP. Hồ Chí Minh đã lên đến gần 13 triệu người, trong đó có gần 3 triệu người nhập cư. Mỗi năm thành phố có thêm hơn 50.000 cặp kết hôn mới và qua khảo sát của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh cùng Viện Nghiên cứu phát triển thành phố, thì có khoảng 500.000 hộ chưa có nhà; có khoảng 81.000 hộ cần nhà ở xã hội trong giai đoạn 2016-2020. Trong đội ngũ cán bộ, công chức, viên chức nhà nước tại thành phố, đã có khoảng 139.000 người chưa có nhà ở, cần khoảng 80.000 căn hộ.
Ông Lê Hoàng Châu cũng cho biết thêm, theo kế hoạch phát triển nhà ở xã hội của Sở Xây dựng TP. Hồ Chí Minh, từ nay đến năm 2020, thành phố sẽ phát triển 39 dự án với quy mô 45.000 căn hộ. Dự kiến đến năm 2020 sẽ hoàn thành đưa vào sử dụng 30.000 căn. Trong đó, những căn hộ nhà ở xã hội giá rẻ không cần diện tích lớn, chỉ khoảng 30m2 (gồm 20m2 sàn và 10m2 gác lửng), có giá bán khoảng trên dưới 200 triệu đồng/căn, phù hợp với tài chính của người thu nhập thấp có nhu cầu nhà ở. Tuy nhiên, cái khó hiện nay của thành phố đó là thiếu quỹ đất cho những dự án dạng này.
Theo Chủ tịch HoREA, với quỹ đất từ 1.300 dự án chậm tiến độ, chỉ cần lãnh đạo thành phố giao cho các doanh nghiệp có năng lực thực hiện thì sẽ giải quyết được một lượng cầu đáng kể về nhà ở cho người thu nhập thấp ở thành phố. Thêm vào đó, TP. Hồ Chí Minh cũng có thể bán đấu giá quỹ đất này để có tiền thực hiện các dự án giao thông trọng điểm mà thành phố đang thiếu kinh phí thực hiện.
- Xem thêm: Lời giải nào cho bài toán nhà ở xã hội?
Báo cáo ngày 28-5-2018 của Bộ Xây dựng cho biết lượng vốn ngân sách bố trí cho Ngân hàng Chính sách xã hội trong giai đoạn 2018-2020 để phát triển nhà ở xã hội là 1.262 tỉ đồng, chỉ đáp ứng khoảng 13% so với yêu cầu của Ngân hàng Chính sách xã hội. Riêng năm 2018, Ngân hàng Chính sách xã hội chỉ được giao 500 tỉ đồng và đã phân bổ cho các chi nhánh địa phương, trong đó, Hà Nội và TP. Hồ Chí Minh được nhận mức phân bổ cao nhất là 50 tỉ đồng, các địa phương khác chỉ được phân bổ khoảng 10-15 tỉ đồng nên không đáp ứng được yêu cầu của các đối tượng thụ hưởng nhà ở xã hội.
Để doanh nghiệp mặn mà hơn với phân khúc nhà giá rẻ
Thông tin từ Bộ Xây dựng cho thấy hiện nay chủ đầu tư xây dựng nhà ở xã hội được hưởng khá nhiều ưu đãi. Cụ thể, doanh nghiệp được miễn hoàn toàn thuế sử dụng đất, lãi suất ưu đãi thấp hơn lãi suất thị trường, được Nhà nước hỗ trợ một phần kinh phí, được dùng 20% nhà ở xã hội để kinh doanh nhà ở thương mại. Về lợi cho nhà đầu tư, pháp luật quy định doanh nghiệp tham gia phát triển các dự án sẽ được hưởng lợi nhuận định mức là 10%. Về giá nhà ở xã hội, với sự ưu đãi hỗ trợ của Nhà nước, giá nhà ở xã hội sẽ giảm 30 – 40% so với giá nhà ở thương mại.
Mặc dù có nhiều ưu đãi như vậy, nhưng trên thực tế các chủ đầu tư vẫn ngại tham gia vào phân khúc này. Các dự án nhà ở xã hội được xây dựng không đáp ứng đủ nhu cầu nhà ở của người dân. Ông Nguyễn Vĩnh Trân, Chủ tịch M.I.K Group cho rằng để xây dựng được nhà ở xã hội, nhà đầu tư phải mất nhiều thời gian để làm thủ tục giấy tờ, phải qua nhiều bước nên họ cần có một tỷ lệ phần trăm căn hộ trong dự án để kinh doanh, bù vào phần bán cho người thu nhập thấp.
Cũng theo Bộ Xây dựng, số lượng nhà ở xã hội hoàn thành, đưa vào sử dụng trong thời gian gần đây rất hạn chế và nhiều dự án nhà ở xã hội có nhu cầu chuyển đổi sang nhà ở thương mại. Hiện có khoảng 206 dự án nhà ở xã hội với quy mô xây dựng khoảng 168.700 căn hộ, tổng diện tích khoảng 8.435.000m2 đang bị chậm tiến độ hoặc tạm dừng thi công. Thực tế này dẫn tới một sự lãng phí rất lớn về nguồn lực tài chính đã bỏ ra cho các dự án thi công dang dở và nguồn tài nguyên đất đang bị bỏ phí.
Trong văn bản có mục đích “giải cứu” tình trạng đình trệ trong phát triển nhà ở xã hội mới đây, Bộ Xây dựng đã đề xuất Chính phủ bổ sung vốn tín dụng cho nhà ở xã hội, bao gồm 3.000 tỉ đồng cho Ngân hàng Chính sách xã hội và hơn 3.400 tỉ đồng cho các tổ chức tín dụng khác trong năm 2018.