Nhượng quyền là cách dễ nhất và là con đường ngắn nhất để xuất khẩu một thương hiệu Việt ra nước ngoài, không những chỉ để mang lại sự phát triển vượt bậc về giá trị của một doanh nghiệp mà còn đóng góp đáng kể vào sự phát triển kinh tế của đất nước.
Một thị trường sôi động và đầy tiềm năng
Nhượng quyền đã được chứng thực là mô hình phát triển thành công nhất trong vòng 100 năm qua, đưa những doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé của phương Tây như McDonald’s, Domino’s Pizza, hay Circle K trở thành những thương hiệu lừng lẫy nhất trên toàn thế giới.
Nói về doanh nghiệp tư nhân, chẳng phải nước ta đang có gần 500 ngàn doanh nghiệp tư nhân, chiếm 96% tổng số các doanh nghiệp đăng ký ở Việt Nam và đóng góp đến 40% tổng sản phẩm quốc nội (GDP)? (Nguồn: Hiệp hội các doanh nghiệp vừa và nhỏ).
- Xem thêm: Tổng quan về nhượng quyền tại Việt Nam
Nếu doanh nghiệp tư nhân nhỏ bé của phương Tây đã có thể lớn lên thành tập đoàn quốc tế bằng mô hình nhượng quyền, cơ hội vươn lên và vươn xa ra thế giới cho doanh nghiệp vừa và nhỏ của Việt Nam không cần bàn cũng có thể nói là vô tận. Cơ hội đã có, đang có và sẽ luôn luôn có. Vấn đề cần đặt ra là tại sao quốc tế và khu vực người ta đã áp dụng thành công mô hình nhượng quyền trong khi doanh nghiệp Việt vẫn còn rất loay hoay.
Bất kỳ ngành nghề nào muốn phát triển cũng phải được phát triển trong một hệ sinh thái chung của ngành.
Nếu nói đến nhượng quyền ở Mỹ chẳng hạn, thị trường nhượng quyền lớn nhất trên thế giới, hệ sinh thái nhượng quyền đã hoàn chỉnh: nguồn cung cấp kiến thức, tư vấn, hỗ trợ tài chính, hỗ trợ luật pháp, chuỗi cung ứng, chính sách hỗ trợ của nhà nước, hoạt động hỗ trợ của hiệp hội…, mọi điều kiện hỗ trợ đã có sẵn khi doanh nghiệp muốn chuyển đổi hoặc khởi nghiệp bằng mô hình nhượng quyền.
Do tính chất lịch sử của ngành xuất phát từ phương Tây, hầu hết các thương hiệu nhượng quyền nổi bật mà chúng ta nhìn thấy hiện nay trên thị trường đều có nguồn gốc phương Tây.
Các thị trường phát triển khác trong khu vực như Nhật, Hàn Quốc, Singapore, Đài Loan, Hongkong… do tính chất nền kinh tế của họ phát triển hơn Việt Nam trong những thập niên qua, đã tiếp cận mô hình và phát triển hệ sinh thái nhượng quyền hơn nước ta rất nhiều.
Cũng vì vậy, các thương hiệu nhượng quyền khu vực đã nhanh chóng vượt khỏi biên giới nội địa, phát triển ra các thị trường lớn trong khu vực trong đó có nước ta.
Cơ hội mua nhượng quyền từ các thương hiệu quốc tế và khu vực để kinh doanh tại thị trường trong nước như vậy không cần phải bàn nữa. Đây chắc chắn sẽ là thị trường sôi động trong những năm tới. Nhưng đó là đường đi vào Việt Nam của thế giới. Còn đường đi ra thế giới cho thương hiệu Việt sẽ ra sao?
Doanh nghiệp cần thay đổi để nắm bắt cơ hội
Hệ sinh thái nhượng quyền tại nước ta hiện nay có thể nói là chưa đâu vào đâu. Muốn tiếp cận nguồn kiến thức chính thống hiện tại là rất khó. Chưa có một trường, một tổ chức chính phủ hay hiệp hội nào đứng ra tổ chức các chương trình đào tạo chính quy về ngành.
Doanh nghiệp tư nhân thì đua nhau tổ chức hội thảo, nhưng việc đào tạo không hệ thống và rời rạc như thế trên thực tế không giúp được gì nhiều cho doanh nghiệp. Không ai có thể học lóm qua vài hội thảo mà xây dựng được cho mình một nền tảng nhượng quyền bền vững.
Công ty tư vấn nhượng quyền hiện nay đếm được trên đầu ngón tay và chủ yếu là công ty nước ngoài, tuy có hiểu biết về nhượng quyền nhưng lại khiếm khuyết hiểu biết về thực tế tình hình nội lực của doanh nghiệp Việt trong thời gian chuyển đổi.
Về tài chính, do thị trường chưa phát triển, hiện chưa có ngân hàng hay tổ chức tín dụng nào cho vay mua nhượng quyền hay cho vay đầu tư tài sản vào chi nhánh nhượng quyền. Để nhượng quyền phát triển, việc hỗ trợ cho vay tín chấp để đầu tư đóng vai trò vô cùng quan trọng.
Trên thế giới, nếu không phải là chính phủ cho doanh nghiệp vay không lãi suất hoặc với lãi suất rất thấp để kích thích kinh tế phát triển, các tổ chức tài chính đều có chương trình cho vay tín chấp theo bảo lãnh của doanh nghiệp nhượng quyền.
Bản thân doanh nghiệp nhượng quyền tùy trường hợp cũng có chính sách cho vay tài chính dành cho đối tác nhận quyền. Về hệ thống pháp lý, Việt Nam đã có luật nhượng quyền. Tuy nhiên, hiệu quả của việc thực thi pháp luật còn rất thấp. Nếu nhìn lại tổng thể về hệ sinh thái nhượng quyền tại nước ta, thử thách và khó khăn cho doanh nghiệp Việt áp dụng mô hình này để phát triển thực tế là không nhỏ.
Nhưng nếu đặt vấn đề góc nhìn, với một chiếc ly có một nửa là nước, có người thấy chỉ là nửa ly nước cạn, thì cũng sẽ có người thấy đó là nửa ly nước đầy với cơ hội bạt ngàn trong giai đoạn hiện nay. Trước khi đặt vấn đề hệ sinh thái có sẵn sàng, đã đến lúc những người “nhìn thấy nửa ly nước đầy” nên đặt câu hỏi về tâm thế của chính mình, của doanh nghiệp mình trong việc bước những bước đầu tiên như những người khổng lồ từng đi.
Nhượng quyền đòi hỏi tầm nhìn xa và rộng, mở một chi nhánh tại Việt Nam mà mắt dõi theo New York, Paris… Để rồi những gì mình làm ngày hôm nay trở thành nền tảng cho cái ngày mà chi nhánh New York hay Paris kia trở thành hiện thực. Nhượng quyền đòi hỏi nền tảng vững mạnh và chuyên nghiệp, không dung thứ cho cách làm đi ngang về dọc để kiếm một đồng hôm nay thay vì mười đồng của ngày mai.
Nhượng quyền là việc xây dựng những quan hệ hợp tác đồng hành cùng phát triển của mười năm, hai mươi năm, không cho phép người ta vin vào nếp suy nghĩ ngắn hạn, cách hành xử bán hàng bỏ chạy, hay văn hóa mập mờ, không minh bạch.
Nếu nhượng quyền là xa, là rộng, là dài như thế, phải chăng doanh nghiệp Việt cần thay đổi chính mình trước khi đặt câu hỏi về hệ sinh thái nhượng quyền hãy còn hạn chế tại nước ta?