Trong lịch sử, năm Tỵ gắn với nhiều cột mốc quan trọng của đất nước, trong đó phải kể đến hai chiến công lẫy lừng từ thuở “… Đinh, Lý, Trần bao đời xây nền độc lập” trước kẻ xâm lăng phong kiến phương Bắc. Nhân dịp đất nước chào đón mùa xuân Quý Tỵ 2013, chúng ta hãy cùng nhìn lại khoảnh khắc năm xưa…
Năm Đinh Tỵ (981)
Năm 960, Triệu Khuông Dẫn thống nhất Trung Hoa, lập ra nhà Tống. Chưa đầy hai mươi năm sau, nhà Tống đã mưu toan xâm lược nước ta. Mùa hạ tháng 6 năm 980 (Canh Thìn), nhân lúc triều chính nước ta bất ổn, vua Đinh Tiên Hoàng bị giết, các quan nổi loạn, quan tri châu Ung của nhà Tống là Hầu Nhân Bảo dâng sớ tâu lên Tống Thái Tông Triệu Khuông Nghĩa đề nghị xâm chiếm nước ta.
Thế là tháng 7 năm ấy, vua Tống xuống chiếu xâm lược Đại Cồ Việt, cử Hầu Nhân Bảo làm đại tướng, Tôn Toàn Hưng làm phó tướng. Đúng thời điểm đó, Thập đạo tướng quân Lê Hoàn đã dẹp yên nội loạn, được tướng sĩ tôn lên ngôi hoàng đế. Thấy thế giặc mạnh, ông liền dùng kế hoãn binh, sai người gửi thư cho triều đình nhà Tống xin được làm phiên thần, trong khi ráo riết chuẩn bị kháng chiến. Vua Tống bác bỏ, ra tối hậu thư cho Lê Hoàn phải nộp mình đầu hàng.
Đầu năm Tân Tỵ (981), nhà Tống cử đại binh tấn công Đại Cồ Việt theo cả hai đường thủy bộ, gồm các tướng Hầu Nhân Bảo, Trần Khâm Tộ, Tôn Toàn Hưng, Triệu Phụng Huân, Quách Quân Biện, Lưu Trừng, Giả Thực, Vương Soạn. Tháng 3 năm Tân Tỵ, đại quân của Hầu Nhân Bảo đến Lăng Sơn, Trần Khâm Tộ đến Tây Kết, Lưu Trừng đến sông Bạch Đằng, hẹn cùng hội quân tại Hoa Lư. Thái tổ Lê Hoàn ngự giá thân chinh, sai Phạm Cự Lượng thống lĩnh thủy quân Đại Cồ Việt dùng kế đóng cọc ngăn chặn thủy quân Tống trên sông Bạch Đằng. Cho dù thủy quân Tống rất mạnh nhưng Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng không sao vượt nổi sức cản phá quyết liệt của thủy quân Phạm Cự Lượng. Thủy quân Tống bị chặn đứng khiến bộ binh Tống không thể tiến sâu vào nội địa đất Việt. Tôn Toàn Hưng dừng quân hơn 70 ngày, chần chừ không dám tiến. Hầu Nhân Bảo mất kiên nhẫn, tự đem đại quân tiến dọc theo sông Thương. Khi quân Hầu Nhân Bảo kéo đến Chi Lăng, Lê Hoàn dùng kế trá hàng, lừa Hầu Nhân Bảo tiến vào chỗ hiểm rồi phục binh đánh úp, tiêu diệt hơn phân nửa quân Tống, chém đầu Hầu Nhân Bảo, bắt sống Quách Quân Biện, Triệu Phụng Huân. Bọn Trần Khâm Tộ, Lưu Trừng, Giả Thực, Tôn Toàn Hưng, Vương Soạn vội rút chạy về nước. Sau trận đại bại này, vua Tống trút giận lên đầu các đại tướng, khiến Lưu Trừng sợ hãi phát bệnh mà chết, Vương Soạn bị giết, Tôn Toàn Hưng bị chém bêu đầu ở chợ.
Chiến thắng năm Tân Tỵ (981) của Lê Hoàn đã khiến nhà Tống, triều đại phong kiến hùng mạnh nhất châu Á thời đó luôn ôm ấp tư tưởng bành trướng phải kiêng nể sức mạnh và thừa nhận nền độc lập của Đại Cồ Việt – quốc hiệu của nước ta có từ năm 968. Sau đó, nhà Tiền Lê đã thực hiện một quốc sách ngoại giao đủ cương nhu, vừa gìn giữ được hòa bình, vừa bảo vệ độc lập tự chủ, vừa đảm bảo quốc thể được tôn trọng. Thái tổ Lê Hoàn không những là một vị tướng giỏi, mà còn là một vị vua trọng hiền tài, mà một trong những hiền tài thời đó là thiền sư Pháp Thuận. Về chiến thắng này, sử gia Lê Văn Hưu từng ghi nhận:“Lê Đại Hành giết Đinh Điển, bắt Nguyễn Bặc rồi tóm bọn Quân Biện, Phụng Huân dễ như lùa trẻ con, như sai lũ nô lệ, chưa đầy vài năm đã định yên được bờ cõi, công đánh dẹp và thắng trận, cho dẫu là nhà Hán hay nhà Đường cũng không thể hơn được”.
Năm Đinh Tỵ (1077)
Năm 1072, vua Lý Thánh Tông qua đời, chính sự trong nước rối ren, Thượng Dương thái hậu cùng 72 cung phi bị bức tử, thái sư Lý Đạo Thành bị giáng chức, đưa đi Nghệ An. Thái tử Càn Đức là con của nguyên phi Ỷ Lan mới bảy tuổi lên nối ngôi, tức là vua Lý Nhân Tông. Trong khi đó, nhà Tống sau thất bại Tân Tỵ vẫn còn dã tâm lần nữa xâm chiếm nước ta. Năm Canh Tuất (1070), Tống Thần Tông phong Vương An Thạch làm tể tướng, áp dụng tân pháp nhằm cải cách kinh tế, tăng cường sức mạnh quân sự. Ngay năm đó, họ Vương đã chú ý đến phương Nam và tâu lên Tống Thần Tông lấy quân Ung Châu sang chiếm Giao Chỉ.
Trong lúc dầu sôi lửa bỏng đó, thái úy Lý Thường Kiệt đã dẹp được hiềm khích trong triều, đưa Lý Đạo Thành về tham gia triều chính, cùng nhau đoàn kết dồn hết tâm sức cho công cuộc kháng chiến chống Tống.
Việc chuẩn bị chinh phạt Đại Việt của nhà Tống được giữ bí mật, nhưng Lý Thường Kiệt vẫn đoán biết được ý đồ của quân Tống. Năm 1073, một tiến sĩ nhà Tống là Từ Bá Tường vì không được trọng dụng nên đã lén gửi mật thư cho vua Lý về kế hoạch chiếm Giao Chỉ. Trước tình hình đó, Lý Thường Kiệt đã sáng suốt bàn với triều đình, quyết không đợi giặc đến, mà Bắc tiến, đánh đòn phủ đầu “tiên phát chế nhân”.
Năm 1075, Lý Thường Kiệt chỉ huy mười vạn quân, bao gồm lực lượng chính quy của triều đình lẫn quân của các thủ lĩnh dân tộc thiểu số miền núi phía Bắc, tấn công căn cứ châu Ung của Tống. Trong vòng chưa đầy sáu tháng (từ cuối năm Ất Mão đến tháng 3 năm Bính Thìn), Lý Thường Kiệt đã đánh chiếm các châu Liêm, Khâm và Ung, tiêu diệt khoảng gần chục vạn quân nhà Tống, phá hủy các căn cứ hậu cần xâm lược của đối phương. Sau này sử gia Ngô Thì Sĩ đã viết một đoạn văn ca ngợi Lý Thường Kiệt trong Việt sử tiêu án như sau: “…bày trận đường đường, kéo cờ chính chính, mười vạn thẳng sâu vào đất khách, phá quân ba châu như chẻ trúc, lúc tới còn không ai dám địch, lúc rút quân còn không ai dám đuổi, dụng binh như thế, chẳng phải nước ta chưa từng có bao giờ?”. Tám ngày sau khi thành Ung bị triệt phá (tức là ngày 9-2-1076), Tống Thần Tông ra chiếu đánh Đại Việt. Lực lượng đánh Đại Việt bao gồm khoảng mười vạn quân, đặt dưới sự chỉ huy của đại tướng dày dạn kinh nghiệm Quách Quỳ, Triệu Tiết được cử làm phó tướng. Bên cạnh mười vạn quân chiến đấu, quân Tống còn có 20 vạn phu dịch và một vạn ngựa.
Đầu năm Đinh Tỵ, đạo quân Tống trên bộ do Quách Quỳ chỉ huy xuất phát từ châu Ung tiến vào vùng Đông Bắc nước ta, còn đạo thủy quân do Dương Tiến Tùng chỉ huy đi dọc bờ biển và tiến vào cửa sông Bạch Đằng. Chiến lược phòng thủ của Đại Việt là đánh chặn từ xa, chia cắt hai đạo quân thủy bộ của địch, xây dựng tuyến phòng thủ kiên cố chờ dịp tổng phản công. Thế trận được lập ra cho thấy thiên tài quân sự kiệt xuất của Lý Thường Kiệt. Ông giao cho tướng Lý Kế Nguyên chịu trách nhiệm ngăn chặn đạo thủy quân của Tống, còn đích thân trực tiếp chỉ huy đánh chặn đạo lục quân Tống, không cho chúng hội quân. Lý Thường Kiệt cho bố trí hai tuyến phòng thủ, trong đó một tuyến ở ngay biên giới, do lực lượng của những thủ lĩnh người dân tộc thiểu số chỉ huy nhằm giảm bước tiến quân địch, tuyến kia ở bờ Nam sông Như Nguyệt (sông Cầu). Đây là tuyến phòng thủ chính kéo dài 30 cây số suốt từ chân núi Tam Đảo, vùng ngã ba sông Cà Lồ – sông Cầu tới Vạn Xuân (Phả Lại).
Ngày 8-1-1077, Quách Quỳ và Triệu Tiết dẫn quân vượt qua ải Nam Quan tiến vào Lạng Sơn. Lực lượng thổ binh do phò mã Thân Cảnh Phúc chỉ huy dựa vào thế đất hiểm đã phục kích đánh chặn đại quân của Quách Quỳ, khiến quân Tống bị thương vong rất nhiều. Tuy nhiên, đại quân Quách Quỳ rất mạnh đã cùng với cánh quân Triệu Tiết vẫn tiến thẳng được xuống Nhã Nam. Ngày 18-1, quân Tống tới bờ Bắc sông Như Nguyệt, đối diện với tuyến phòng thủ chủ lực của quân Đại Việt.
Trong khi đó, tướng Lý Kế Nguyên dùng thủy binh tinh nhuệ cũng nhờ dựa vào thế hiểm lập thành thế trận mai phục dài tới vài chục dặm tại Đông Kênh mà đánh tan tác đạo thủy quân Tống do Dương Tùng Tiên chỉ huy, gồm hàng trăm chiến thuyền loại lớn và hàng vạn quân đang tiến vào sông Bạch Đằng với ý đồ phối hợp với đạo quân trên bộ của Quách Quỳ. Thắng lợi của trận thủy chiến Đông Kênh đã đẩy Quách Quỳ và Triệu Tiết vào thế bị cô lập và không có phương tiện để vượt sông. Trong vòng chưa đầy hai tháng, các trận đánh ở bến Như Nguyệt diễn ra cực kỳ ác liệt, cả địch và ta đều bị tổn thất lớn. Biết đây là thời cơ mở đường cho Quách Quỳ rút quân mà vẫn giữ được thể diện, Lý Thường Kiệt cho sứ thần Kiều Văn Ứng sang gặp Quách Quỳ đề nghị giảng hòa. Quách Quỳ nhận lời giảng hòa và tháng 3 năm Đinh Tỵ rút quân về nước.
Hai năm Tân Tỵ (981) và Đinh Tỵ (1077) đã ghi nhận những chiến công hiển hách, lừng lẫy của quân dân nước ta trong việc giữ vững nền độc lập, phá tan ý đồ xâm lược từ phương Bắc. Trong khoảng thời gian này đã xuất hiện bản tuyên ngôn độc lập đầu tiên của dân tộc Việt Nam. Tương truyền rằng đó là bài thơ thần Nam Quốc Sơn Hà ngắn gọn mà đanh thép, được cả Lê Hoàn và Lý Thường Kiệt sử dụng để làm nức lòng tướng sĩ nước ta và nản lòng quân địch.