Với một nghị định vừa được Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc ký ban hành, TP. Hồ Chí Minh sẽ được hưởng một số cơ chế, chính sách tài chính – ngân sách đặc thù để phát triển, thực hiện vai trò trung tâm của khu vực và cả nước.
Nghị định có hiệu lực từ ngày 10-6 quy định: với những dự án lớn, quan trọng (về môi trường, giao thông, thủy lợi) vượt quá khả năng ngân sách địa phương, UBND TP.HCM được lập dự toán kèm đề nghị gửi Bộ Kế hoạch – Đầu tư và Tài chính. Các bộ sẽ báo cáo Chính phủ, trình Quốc hội quyết định hỗ trợ thành phố từ ngân sách Trung ương.
Với quỹ đất đang quản lý, thành phố được tạm ứng ngân sách hoặc từ nguồn vay cho các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng (thuộc nhiệm vụ đầu tư của ngân sách) để đấu giá quyền sử dụng đất. Sau khi thực hiện đấu giá, thành phố sẽ thu hồi để hoàn trả.
Chính phủ cũng ưu tiên bố trí vốn hỗ trợ phát triển chính thức (ODA) và nguồn vốn ưu đãi cho TP.HCM để đầu tư các dự án xây dựng cơ sở hạ tầng, đô thị, môi trường… và các chương trình khác có khả năng thu hồi vốn.
UBND thành phố được quyền quyết định tiếp nhận các khoản viện trợ không hoàn lại (không phụ thuộc vào quy mô viện trợ). Riêng các khoản viện trợ liên quan đến tôn giáo, quốc phòng, an ninh, phải báo cáo Thủ tướng quyết định.
Đối với những dự án có khả năng thu hồi vốn (hoặc chỉ có khả năng thu hồi một phần), thành phố được trao quyền quyết định hoặc trình các Bộ, ngành liên quan việc huy động đầu tư theo hình thức đối tác công tư (PPP), gồm: BOT (xây dựng – kinh doanh – chuyển giao); BTO (xây dựng – chuyển giao – kinh doanh); BT (xây dựng – chuyển giao); BOO (xây dựng – sở hữu – kinh doanh)…
Ngoài ra, nghị định mới cũng có một số nội dung về việc thu chi ngân sách như cho phép TP.HCM được bội chi ngân sách (phần bội chi chỉ được sử dụng để đầu tư công).
Hằng năm, nếu thu ngân sách Trung ương (từ các khoản thu phân chia giữa ngân sách trung ương và thành phố) tăng so dự toán được giao, TP.HCM được thưởng 30% trong số này.
UBND TP.HCM cũng được phép tạm ứng từ quỹ dự trữ của thành phố để đầu tư cho các dự án cơ sở hạ tầng quan trọng thuộc nhiệm vụ chi ngân sách của thành phố, với thời gian tạm ứng không quá 36 tháng.
Diện mạo Thủ Thiêm sẽ được thay đổi nhanh sau khi chính quyền TP.HCM vừa có quyết định lựa chọn nhà đầu tư là liên danh Tập đoàn Lotte gồm bốn công ty triển khai dự án khu phức hợp thông minh tại khu chức năng khu đô thị mới Thủ Thiêm, quận 2 với tổng vốn đầu tư 20.100 tỉ đồng.
Bốn công ty thuộc Tập đoàn Lotte trong liên danh nói trên là Lotte Asset Development Co. Ltd., Lotte Shopping Co. Ltd., Hotel Lotte Co. Ltd. và Lotte Engineering & Construction Co. Ltd.
Quy mô của dự án khu phức hợp thông minh này gồm các khu thương mại dịch vụ tổng hợp và dân cư đa chức năng trên diện tích khoảng 50.120m². Trong đó có chức năng tài chính, thương mại, dịch vụ tổng hợp đóng vai trò quan trọng trong khu lõi khu đô thị mới Thủ Thiêm.
Ngoài diện tích xây dựng khu phức hợp thông minh, nhà đầu tư còn triển khai đầu tư hoàn chỉnh bốn đoạn đường và hệ thống hạ tầng kỹ thuật bên ngoài khu phức hợp đồng bộ với hạ tầng khu đô thị mới Thủ Thiêm trên diện tích đất gần 24.300m², trong đó có bốn tuyến đường chính tại khu đô thị này.
Thời gian nhà đầu tư xây dựng công trình nói trên là 72 tháng và khai thác trong thời gian 50 năm với tổng vốn đầu tư (không gồm chi phí bồi thường, giải phóng mặt bằng) là 20.100 tỉ đồng. Nguồn vốn này sẽ do nhà đầu tư tự thu xếp.
Được biết, khu đô thị mới Thủ Thiêm được quy hoạch là khu trung tâm đô thị mới mang tầm cỡ khu vực và quốc tế. Vì vậy, quảng trường trung tâm và công viên bờ sông mang tính độc đáo, đáp ứng yêu cầu về không gian để tổ chức các lễ hội chính trị, lễ hội văn hóa và tổ chức các hoạt động thường nhật.
Mới đây, chính quyền TP.HCM đã phê duyệt đồ án điều chỉnh cục bộ quy hoạch phân khu tỷ lệ 1/2.000 khu chức năng 2b (khu phức hợp tháp quan sát) với diện tích khu vực quy hoạch khoảng 145.617m². Việc điều chỉnh quy hoạch nhằm tạo thêm không gian cho quảng trường công cộng theo trục không gian mở từ bờ sông Sài Gòn đến tháp quan sát cao 86 tầng.
Bên cạnh đó, sẽ mở thêm hai tuyến đường chạy song song với hầm Thủ Thiêm và song song với cầu Thủ Thiêm 3 để thuận tiện kết nối giao thông.
Việc điều chỉnh quy hoạch cũng nhằm tăng số lượng nhà ở từ 2.831 căn lên 3.787 căn (tăng thêm 956 căn, trong đó 914 căn hộ và 42 căn hộ kết hợp kinh doanh mua bán) nhưng không tăng quy mô dân số (khoảng 19.733 người); tăng diện tích đậu xe từ 156.935m² lên 192.882m² dẫn đến tăng hệ số sử dụng đất từ 6,54 lên 6,84.
Việc điều chỉnh quy hoạch cũng nhằm tối ưu hóa về quy hoạch không gian kiến trúc cảnh quan tại khu vực, tạo ra những không gian thu hút hoạt động dịch vụ thương mại đa năng, không gian tập trung đông người vào dịp lễ hội. Tạo không gian mặt đất với một chuỗi điểm đến liên kết với công trình tháp quan sát – là điểm nhấn cao tầng đặc biệt không những của khu đô thị mới Thủ Thiêm mà còn là một trong những công trình cao nhất của TP.HCM.
Một thông tin liên quan đến phát triển hạ tầng của TP.HCM là tuyến metro số 1 từ Bến Thành đến Suối Tiên có thể bị chậm tiến độ do thiếu tiền.
Ông Lê Nguyễn Minh Quang, Trưởng Ban quản lý Đường sắt đô thị TP.HCM cho biết, năm nay dự kiến thành phố cần 5.200 tỉ đồng chi cho thi công tuyến metro số 1, tuy nhiên phần vốn ODA mà Bộ Kế hoạch và Đầu tư trình chỉ được phân bổ 2.900 tỉ đồng.
Do bố trí vốn chậm nên hiện nay TP.HCM đang nợ các nhà thầu 1.339 tỉ đồng và nếu không có tiền thanh toán, nhà thầu ngừng thi công thì tuyến metro số 1 sẽ có nguy cơ bị chậm tiến độ.
Tuyến metro số 1 của TP.HCM từ Bến Thành đến Suối Tiên hiện đang được xây dựng cả đoạn đi ngầm và đi trên cao. Trong đó, đoạn đi trên cao từ Ba Son đến Long Bình – quận 9 dài hơn 17km hiện đã hoàn thành một số đoạn cầu trên cao. Theo dự kiến phải đến năm 2020 toàn tuyến metro từ Bến Thành đến Suối Tiên mới hoàn thành và đưa vào khai thác.
Trong một diễn biến khác, tỉnh Bình Dương và Đồng Nai đã đề nghị Bộ Giao thông Vận tải nghiên cứu kéo dài metro số 1 đến hai tỉnh này. Chính quyền tỉnh Đồng Nai cho rằng việc kéo dài tuyến metro sẽ giảm lượng xe cá nhân đi vào TP.HCM từ đó sẽ giảm ùn tắc ở cửa ngõ phía Đông TP.HCM.
Theo thông tin từ cổng thông tin điện tử tỉnh Bình Dương, hồi cuối tháng 4-2017 tỉnh Bình Dương đã làm việc với nhóm nghiên cứu của Bộ Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Nhật Bản về phương án kéo dài tuyến metro số 1 (Bến Thành – Suối Tiên) – giai đoạn 1.
Sau khi khảo sát nhóm nghiên cứu của Nhật Bản đề xuất chia thành ba tiểu dự án gồm: đoạn 2km từ ga Suối Tiên đến ga Nút Giao; đoạn 6km từ ga Nút Giao đến thị xã Dĩ An (tỉnh Bình Dương) và đoạn kéo dài khoảng 8km từ ga Nút Giao đến thành phố Biên Hòa (tỉnh Đồng Nai), tổng mức đầu tư của dự án ước tính khoảng 21.234 tỉ đồng.
Ngoài việc kéo dài tuyến metro số 1 đến Đồng Nai, tỉnh Bình Dương hiện tại cũng đang nghiên cứu để xây dựng một tuyến metro từ thành phố mới Bình Dương đến Suối Tiên để nối vào tuyến metro số 1 của TP.HCM.
Nếu tuyến metro này được xây dựng thì trung tâm đô thị Bình Dương sẽ được kết nối liên thông với TP.HCM bằng đường sắt đô thị.
- Gia Minh