Tất cả chúng ta rồi sẽ phải thay đổi. Không chỉ về tuổi tác, ngoại hình, những mục tiêu…, mà cả về suy nghĩ, tính cách, quan niệm sống. Sự thay đổi ấy có liên quan khá mật thiết đến tiền bạc, bởi theo các nhà tâm lý học, dù bạn giàu hay nghèo, trưởng thành hay chưa, thì bạn luôn phải thường xuyên nghĩ về tiền bạc, bị tiền bạc chi phối hành động, nên sẽ phải thường xuyên thay đổi vì nó. Vậy, tiền bạc khiến chúng ta thay đổi như thế nào? Trở nên xấu xa và ích kỷ hơn, hay bao dung và rộng lượng hơn?
Tiền bạc dễ khiến chúng ta sống tách biệt và muốn phá luật
Các chuyên gia tâm lý đã tiến hành khá nhiều cuộc khảo sát và nghiên cứu khác nhau về hành vi của con người khi có sự tác động của tiền bạc. Theo đó, đa số chúng ta khi có càng nhiều tiền sẽ càng có xu hướng sống ít sự đồng cảm lại, tăng sự phán xét và có nhiều hành động được cho là vô kỷ luật so với cộng đồng.
Dacher Keltner – giáo sư ngành Tâm lý tại ĐH California, Berkeley – cho rằng càng có nhiều tiền người ta càng có xu hướng tập trung vào mình và kém nhạy cảm hơn với hạnh phúc của những người xung quanh, đặc biệt là những người không quen biết. Dacher Keltner cùng các cộng sự đã tiến hành khảo sát trên 120 người, bằng cách cho họ chơi Monopoly (Cờ tỉ phú). Những người này sẽ được chia thành từng nhóm hai, không quen biết nhau. Một người ngẫu nhiên được chọn làm người giàu, nhận về nhiều ưu thế hơn, như được gieo xúc xắc hai lần, được tiền thưởng gấp đôi…
Theo luật chơi này, rõ ràng những người được chọn là người giàu chiếm lợi thế gấp bội so với đối thủ. Tuy nhiên, điều khiến Dacher Keltner và cộng sự chú ý, là chỉ sau vài phút, nhóm “người giàu” bắt đầu thay đổi cách cư xử, trở nên to tiếng và hiếu chiến. Họ tỏ ra hả hê với chiến thắng và thường lên lớp, hướng dẫn người thua cuộc. Khi được hỏi rằng vì sao họ thắng, nhóm này thường “thao thao bất tuyệt” về những quyết định khôn ngoan, sáng suốt của mình.
“Vấn đề nằm ở sự ưu tiên, bởi tầng lớp thượng lưu cho rằng họ xứng đáng hưởng những gì mình có và luôn ưu tiên cho lợi ích cá nhân trước lợi ích của người khác. Tất nhiên, người giàu không hẳn chỉ biết sống ích kỷ cho họ, nhưng sự giàu có khiến con người tự tách biệt mình” – kết luận của Dacher Keltner sau cuộc nghiên cứu.
Trong một nghiên cứu khác về vấn đề tuân thủ luật pháp cũng của ĐH California, Berkeley (viết tắt UC Berkeley), dựa vào phân tích hàng trăm máy quay ở khắp các tuyến đường tại San Francisco – nơi luật pháp yêu cầu xe dừng lại trước vạch kẻ đường dành cho người đi bộ, thì có một điều khá bất ngờ rằng những chiếc xe sang trọng thường dừng quá lằn ranh quy định so với những chiếc xe có mức giá trung bình, và số xe sang trọng vi phạm nhiều hơn gấp ba lần.
Kết luận sau đó của UC Berkeley, khá tương đồng với kết luận trong nghiên cứu của Trường ĐH David Eccles School of Business at the University of Utah đăng trên tạp chí Organizational Behavior and Human Decision Processes (tạm dịch: Hành vi tổ chức và quy trình quyết định của con người), rằng khi được tiếp xúc thường xuyên với tiền bạc, con người thường có xu hướng phá luật, ít chịu tác động bởi quy tắc, hoặc tệ hơn là các hành vi cư xử thiếu đạo đức.
Nhưng tiền bạc không làm chúng ta trở nên xấu hơn
Theo Warren Buffett (tài sản ước tính 65,5 tỉ USD – theo Forbes) thì: “Nếu bạn là loại người hay lừa đảo để kiếm tiền, bạn sẽ ngày càng gian manh hơn khi bạn kiếm được nhiều tiền. Nếu bạn là một người keo kiệt, thì bạn sẽ càng keo kiệt hơn khi giàu có. Nhưng nếu bạn là người hào phóng, bạn sẽ ngày càng hào phóng hơn khi có nhiều tiền. Tiền bạc và thời gian thường sẽ đẩy con người đi xa hơn theo hướng mà họ chọn lựa từ đầu”.
Trong bài trả lời phỏng vấn trực tiếp trên trang Reddit mới đây, về giá trị của sự thành công, Bill Gates (tài sản ước tính 81 tỉ USD – theo Forbes) chia sẻ một quan điểm tương đồng với người bạn Warren Buffett của mình, rằng ý nghĩa thực sự của tiền bạc cũng như thành công, là khiến những người xung quanh, những người gần gũi với bạn, được sống hạnh phúc và luôn yêu mến bạn.
Tới đây, chúng ta có thể hiểu, sở dĩ tiền bạc khiến đa số người giàu có phần sống tách biệt, là bởi họ đã phải dành rất nhiều thời gian, công sức, nỗ lực của bản thân, chỉ để tập trung cho việc kiếm tiền và theo đuổi đam mê. Vì vậy, họ luôn trân trọng những nỗ lực của bản thân. Ngoài ra, do hạn chế thời gian, nên vòng tròn lo nghĩ của họ cũng rất nhỏ, chỉ tập trung ở số ít những người thân và bạn bè của họ.
Còn về vấn đề sống có phần vô kỷ luật, theo chia sẻ của chuyên gia tâm lý Kristin Smith-Crowe, thì: “Có một thực tế là những người giàu luôn sở hữu những tư duy khác biệt so với đám đông. Họ luôn thích lối suy nghĩ ngoài chiếc hộp, ghét sự gò bó và rất sáng tạo trong mọi việc để xóa bỏ những suy nghĩ cũ kỹ. Chính vì vậy, dù họ hiểu điều gì đúng và điều gì sai, thì tư duy phá luật luôn thôi thúc họ thay đổi và thử một điều gì đó khác lạ. Điều này khiến đôi khi hành động của họ trở nên kỳ cục và vô kỷ luật. Nhưng khi họ đều biết điểm dừng cho những việc này, thì đó không phải là điều đáng ngại lắm cho xã hội”.
- Tuấn Thành