1. Trưa nay bà xã đi chợ về, cứ kể đi kể lại câu chuyện về một người đàn ông ghé chợ Bến Ngự mua cá để phóng sinh. Người này không biết từ đâu đến, gương mặt phúc hậu và mua đến mấy triệu đồng tiền cá sống để thả phóng sinh xuống sông An Cựu. Thế là xảy ra một sự xáo trộn không hề nhẹ ở cả dãy hàng cá của chợ khi các chị, các o tranh nhau năn nỉ người đàn ông mua cá cho mình.
Mấy ngày cuối hè, trời mưa nắng thất thường, cá ở chợ vì thế bán cũng ế ẩm, nên tự nhiên có người từ đâu đến chợ mua cá với số lượng lớn, lại được giá, nên mấy chị hàng cá ai cũng tranh thủ bán cho được. Cả khu chợ thành náo loạn vì tranh nhau, cãi vã nhau. Đến khi người đàn ông đi rồi, hàng cá của chợ vẫn chưa hết náo động. Có người vui ra mặt vì bán được cá, có tiền; lại có người mặt ỉu xìu vì bạn hàng đã hết hàng mà mình thì vẫn còn cả mấy rổ cá tươi. Người đi chợ thì bâng khuâng về chuyện một người lạ mua nhiều cá như vậy để phóng sinh. Có người xúc động về hành động của ông ấy. Nhưng cũng có người đặt câu hỏi sao không dùng số tiền đó để giúp đỡ bà con vùng khó khăn hay những người có hoàn cảnh ngặt nghèo. Còn mấy chị hàng cá sau một hồi to tiếng qua lại bỗng nhìn nhau thấy ngượng ngùng vì không hiểu vì sao lại nóng giận chỉ vì bán không được mấy con cá…
2.Cứ mỗi buổi sáng chở con tới trường tôi đều nhận được nụ cười rất tươi của bác bảo vệ trước cổng trường. Từ đầu năm học này, thầy hiệu trưởng của trường tiểu học con gái tôi đang theo học đã có sáng kiến hợp đồng thời vụ với một số người làm nhân viên bảo vệ trước các cổng ra vào trường. Nhiệm vụ của họ là phân làn, sắp xếp, chỉ dẫn các loại ôtô, xe máy không cho ùn tắc trước cổng gây mất trật tự an toàn giao thông. Tôi biết điều này vì trong buổi họp phụ huynh đầu năm, cô giáo chủ nhiệm của lớp con gái tôi đã xin ý kiến các phụ huynh nộp hai ngàn đồng mỗi tháng để trả tiền công cho các bác bảo vệ. Tất nhiên phụ huynh nào cũng đồng ý vì đều ngán ngẩm cái cảnh chen lấn nhau mỗi buổi chiều khi đón con…
Từ ngày có thêm các bác bảo vệ làm việc, những con đường ở chung quanh ngôi trường tiểu học vốn trước đây thường kẹt xe vào giờ tan tầm đã trật tự hẳn. Cảnh đỗ xe lộn xộn ngay bên đường không còn nữa. Những dãy xe máy được xếp hàng thẳng thớm trên vỉa hè, xe ôtô thì nằm ngay ngắn ở bãi đỗ xe bên kia đường…
Mà bác bảo vệ già mà tôi vẫn gặp hằng ngày ở cổng đưa đón con gái không chỉ làm nhiệm vụ được phân công của nhà trường. Bất kể trời mưa hay nắng bác đều di chuyển liên tục như con thoi, không biết mệt, khi thì mở cửa ôtô giúp một em nhỏ xuống xe, khi thì nhắc học sinh kia lên xe rồi mà chưa đội nón bảo hiểm, khi lại đến sửa tấm áo mưa ngay ngắn cho một phụ nữ… Có lúc tôi còn thấy bác dỗ dành một cô bé đang khóc và cứ đòi lao khỏi cổng ra đường dù bà mẹ đã phóng xe đi xa. Nhưng cái quý nhất ở bác là nụ cười dành cho tất cả mọi người. Nụ cười của một người già làm việc với cái tâm sáng của mình, thấy thật nhẹ nhàng, đáng mến làm sao… Nụ cười đó của bác dường như làm cho mọi người đến đây đều cảm thấy phải nhẹ nhàng hơn, ý thức hơn trong việc đỗ xe khi đón con trước cổng trường…
3.Khi tivi phát xong bản tin thời sự, chú Tròn mới đạp chiếc xích lô của mình ra khỏi nhà. Cũng là nghề đạp xích lô nhưng theo lời của chú thì: “Tôi làm nghề bằng cách riêng của mình, theo yêu cầu của khách, anh à!”. Ban ngày, nghề chính của chú Tròn là phụ thợ nề. Nghề này vất vả, lệ thuộc vào nắng mưa, rồi còn tùy thuộc vào thợ chính có kêu hay không, nên làm bữa đực bữa cái, thu nhập không ổn định. Cái nghề xích lô tiếng là làm thêm nhưng lại là nguồn thu nhập chính của gia đình chú. Không như nhiều bác xích lô khác phải chờ khách, đón khách rồi nài nỉ khách đi xe, chú Tròn (vốn trước đây cũng là một tay anh chị ở ga Huế, nay đã hoàn lương) đã có sẵn những mối khách quen đưa đón. Đó là những cô gái làm nghề phục vụ ở những quán bar, nhà hàng, khách sạn… Mỗi đêm, chỉ cần vài cuốc xích lô là thu nhập của chú đã được hơn trăm ngàn đồng. Gặp sự cố gì đó, chú sẵn sàng bảo vệ cho mấy cô. Chú kể: “Mấy cô này vui đó, buồn đó, mà có nhiều tâm sự lắm! Cũng khổ, không ít lần mấy cô nôn thốc nôn tháo đầy xe của tôi. Có cô đang cười đó tự nhiên khóc ngon lành vì nhớ nhà, nhớ con. Tôi thấy cũng mủi lòng lắm…”. Sáng nay, gặp chú ở quán cà phê cóc bên vỉa hè đầu hẻm, chú liền bắt chuyện: “Tối qua, tôi mới tiễn con bé khách quen lên ga về quê rồi anh ạ. Con bé đó tội lắm, nó hứa với tôi là bỏ hẳn nghề để về lo cho thằng con đang chuẩn bị vô học lớp Một. Mất mối chở khách nhưng không biết sao tôi thấy vui lạ…”. Nghe chuyện của chú Tròn, thấy vị cà phê bên vỉa hè thêm đậm đà.