Selena Quintanilla Perez, “nữ hoàng” nhạc Tejano (phối hợp phong cách Mỹ và Mexico), bị bắn chết vào ngày 31-3-1995 tại Texas bởi chủ tịch fan club của cô. Hãng phim Netflix chuẩn bị phát hành bộ phim nhiều tập về án mạng làm rung chuyển nước Mỹ này.
Selena, một phụ nữ đa năng, là ca sĩ, doanh nhân, nhà thiết kế thời trang và người mẫu. Cô được xem là một nhân vật quan trọng của dòng nhạc La tinh với hơn 60 triệu album được bán trên thế giới. Cô được tạp chí Billboard ghi nhận là “nghệ sĩ La tinh ảnh hưởng nhất và có doanh thu cao nhất trong thập niên 1990”, là nữ nghệ sĩ duy nhất có 5 album liên tục nằm trong bảng xếp hạng Billboard 200 ở Mỹ. Cô được trao giải Grammy năm 1993, thể loại Album Mỹ – Mexico hay nhất, với album Selena Live! và năm sau đó với Amor Prohibido.
Đầu năm 1995, gia đình Selena phát hiện Yolanda Saldivar, người sáng lập kiêm chủ tịch fan club của Selena và cũng là giám đốc các cửa hiệu của nữ ca sĩ, biển thủ một phần thu nhập của cửa hàng. Họ quyết định sa thải người này. Ít lâu sau đó, Selena chấp thuận gặp Yolanda Saldivar để lấy tài liệu về khai thuế.
Cuộc hẹn được định vào sáng 31-3-1995 tại khách sạn Days Inn ở Corpus Christi. Selena đòi lại những tài liệu còn thiếu, Saldivar trả lời chúng bị trộm ở Mexico. Cuộc cãi vã nổ ra, Yolanda Saldivar rút khẩu súng lục trong túi xách, bắn vào nữ ca sĩ. Selena đủ sức lê ra sảnh đợi, rồi ngã xuống bất tỉnh trong một vũng máu. Kẻ sát nhân lao ra xe, toan tính chạy trốn.
Cảnh sát phải mất 9 tiếng đồng hồ để thuyết phục cô ta ra khỏi chỗ ấn nấp và đầu hàng. Vào tháng 10 cùng năm, Yolanda Saldivar bị kết án tù chung thân. Mặc dù những chứng cứ rành rành chống lại cô ta, Saldivar vẫn tiếp tục kêu rằng cô ta không có chủ định giết Selana, mà đó chỉ là một tai nạn. Selena qua đời ở tuổi 23, chỉ 16 ngày trước khi bước sang sinh nhật thứ 24, khi con đường danh vọng vẫn đang mở rộng trước cô. Hiện nay Yolanda Saldivar vẫn đang thụ án trong một nhà giam ở Texas.
Ngay hôm sau vụ thảm sát Selena, các phương tiện truyền thông chỉ nhắc đến sự cố này. Tờ The New York Times dành cả trang nhất trong 2 ngày liên tiếp để đăng bài về nữ ca sĩ Selena, khoảng 40.000 người hâm mộ đến khóc trước quan tài của cô. Các ca sĩ Julio Iglesias, Madonna, Celia Cruz gửi lời chia buồn. Còn George W. Bush, thống đốc bang Texas thời ấy, tuyên bố kể từ nay ngày 16.4 (ngày sinh của nữ ca sĩ) sẽ là “Ngày Selena”.
Nước Mỹ đã mất đi một trong những giọng hát quan trọng nhất trong cộng đồng nói tiếng Tây Ban Nha. Là con gái của những người nhập cư Mexico đến sống tại Texas, thông thạo tiếng Anh hơn tiếng Tây Ban Nha, nhưng vẫn mang đậm dấu ấn văn hóa Mexico. Những bài hát thể loại cumbia của cô không chỉ đưa cô lên đầu các bảng xếp hạng, mà còn khiến cô được xem là người phát minh thể loại “technocumbia”. Hơn nữa, cô còn là phụ nữ Mỹ La tinh đầu tiên có đĩa vàng nhờ album Ven Conmigo.
Cái chết tức tưởi của Selena càng củng cố cương vị biểu tượng của cô vì cho đến nay, di sản của Selena vẫn còn nguyên vẹn. Qua các bài hát (cô là nghệ sĩ được tải nhạc nhiều nhất trong năm 2015) hay phong cách (bộ sưu tập mỹ phẩm của hãng MAC được lấy cảm hứng từ Selena đạt thành công thương mại lớn nhất trong lịch sử của thương hiệu này).
Mộ của Selena ở Seaside Memorial Park tại Corpus Christi, Texas trở thanh nơi hành hương của đông đảo người hâm mộ. Tượng đồng Selena, to bằng người thật, tác phẩm của H.W. Tatum, khánh thành năm 1997, cũng tại Corpus Christi, thu hút khoảng 30.000 khách tham quan mỗi năm.
Năm 1997, 2 năm sau cái chết của Selena, hãng phim Warner Bross thực hiện một phim tiểu sử về cô, Selena’s Life, với nữ ca sĩ nổi tiếng Jennifer Lopez trong vai Selena. 25 năm sau thảm kịch, hãng phim Netflix dành một phim tài liệu nhiều tập về nữ ca sĩ: Selena: The Series. Trong bộ phim tiểu sử này, Christian Serratos, ngôi sao của bộ phim The Walking Dead (Xác sống), thủ vai nữ chính, còn cha của Selena tham gia sản xuất phim.