Năm đó, Võ Minh Lâm 16 tuổi vừa nổi bật về sắc vóc và giọng ca đã ngay lập tức tạo được hiệu ứng sao trong giới mộ điệu. Sự háo hức của khán giả tiếp tục được thỏa mãn với chuông vàng Nguyễn Thị Ngọc Đợi, Thu Vân. Đến khi một giọng ca thật đặc biệt Lê Văn Gàn xuất hiện thì quả đúng là một giọng ca trời phú. Gàn là một nông dân nghèo, qua cuộc thi, anh được đánh giá như một vỉa quặng lộ thiên. Sau đó, anh được đạo diễn cho thử sức vào nhiều vai diễn như một diễn viên chuyên nghiệp. Phần diễn của Lê Văn Gàn cũng vẫn lộ sự ngô nghê, không có năng khiếu diễn. Nhưng giọng ca Gàn cất lên thì quả thật đây đúng là tiếng chuông mong đợi. Những năm sau, có vài gương mặt mới đoạt giải, nhưng nhìn chung mặt bằng cứ đều dần và cảm giác “chọn bó đũa lấy cột cờ”. Tuy không tìm được những giọng ca đặc biệt có hiệu ứng như “sao”, nhưng đó là nguồn diễn viên cải lương làm phong phú thêm các chương trình cải lương nhà đài. Ba chương trình cải lương: Ngân mãi chuông vàng, Vầng trăng cổ nhạc, Phim truyện cải lương được phát sóng định kỳ là nơi tiếp nối đam mê cải lương cho các em. Nếu Ngân mãi chuông vàng là nơi dành cho lớp trẻ thì Vầng trăng cổ nhạc là mảnh đất cho các nghệ sĩ tài năng lớp trước và các em chỉ được diễn như một sự học học và kế cận. Phim truyền hình cải lương đa phần là các kịch bản sân khấu nổi tiếng được dàn dựng lại và có kết hợp quay ngoại cảnh. Ở đây, chính sức trẻ đã tạo nên một nhịp sống mới cho những kịch bản đậm màu sắc cải lương vang bóng một thời. Ngọc Đợi với Bên cầu dệt lụa, Nửa đời hương phấn, Đường gươm Nguyên Bá; Minh Lâm với Lương Sơn Bá – Chúc Anh Đài, Nghêu sò ốc hến, Khi rừng mới sang thu… tuy không thể đem so sánh với lớp nghệ sĩ vàng của cải lương thời vàng son, nhưng rõ ràng các em là những giao thời cần được nâng đỡ.
Khi sân khấu cải lương ngày càng đìu hiu vắng bóng, những vở diễn cũ thiếu ngôi sao, các giọng ca mới chưa đủ sắc vóc và tầm cỡ hấp dẫn khán giả, sân khấu lớn thiếu nhà đầu tư, nhà hát Trần Hữu Trang chỉ đủ sức hoạt động lẻ, rạp xuống cấp, kỹ thuật trang thiết bị lạc hậu… Tất cả điều đó làm cho nghệ thuật cải lương không cất cách nổi. Người có tâm huyết lâu lâu cũng chỉ làm được vài chương trình, diễn rộ lên được ít đêm rồi cũng tắt đèn, đóng cửa. Muốn thu hút khách, sân khấu cải lương cũng từng có trải nghiệm: Đầu tư tiền tỉ một vở diễn, gom đủ hàng chục ngôi sao cải lương kết hợp với cả ca sĩ như vở Chiếc áo thiên nga của đạo diễn Hoa Hạ. Vở diễn có thành công về bán vé nhưng vẫn chỉ là một sân khấu diễn cho sướng phần nhìn. Chục năm trở lại đây, sân khấu cải lương chưa hề có một kịch bản mới nào nổi lên được công chúng đón nhận như một hiện tượng. Một sân khấu vẫn hướng về những vở diễn cũ, những tên tuổi cũ, dẫu rằng tuổi đời và sắc vóc đã phôi pha, thậm chí lớp nghệ sĩ trẻ muốn được khán giả yêu mến cũng phải bắt chước những ngôi sao cũ, sân khấu đó kể như đã tàn.
Một mình Chuông vàng vọng cổ chỉ có thể nuôi được cải lương truyền hình chứ không thể làm sống lại nghệ thuật sân khấu cải lương. Được biết, các em thí sinh sau khi đậu chuông vàng, chuông bạc cuộc đời cũng đổi thay nhiều. Các em khá giả lên không phải do cát-sê các vở diễn mà do đi hát sô cho các đám tiệc tùng nhà đại gia mê vọng cổ. Muốn tồn tại các em phải lấy ngắn nuôi dài. Khi nào các nhà đài dựng vở, các em đều nhận vai vì đây là cơ hội duy nhất để được sống với vai diễn. Các giọng ca sáng trong Chuông vàng vọng cổ đã trở thành một ê-kíp diễn khá ăn ý, ngoài đời các em là bạn thân của nhau. Cũng có em trở thành diễn viên các đoàn tỉnh nhà, nhưng đó chỉ là địa chỉ làm nghề, không đủ sống như Ngọc Đợi đoàn Cao Văn Lầu, Minh Lâm nhà hát Trần Hữu Trang…
Mỗi một năm giải chuông lại mở ra, nhà tài trợ và ban tổ chức lại hồi hộp vì liệu có gương mặt nào mới xuất hiện, đủ sức thành chuông? Cho đến nay giải Chuông vàng đã mở rộng, thu hút thí sinh khắp cả nước. Chính các thí sinh miền Bắc cũng đầu quân vào Nam thi, hy vọng đoạt giải để lọt vào mắt xanh nhà hát Cải lương Quốc gia. Việc nhà đài và nhà tài trợ Kiết Tường tổ chức các cuộc thi ở tỉnh và khu vực cũng là cách đãi cát tìm vàng. Đài Truyền hình TP. Hồ Chí Minh tổ chức, nhưng chưa có một thí sinh TP. Hồ Chí Minh nào lọt vào được vòng chung kết, điều đấy cũng cho thấy một hướng tìm tài năng vô tư đáng ghi nhận của những người làm chương trình. Tuy nhiên, để cho cuộc thi hằng năm hấp dẫn hơn, ban tổ chức sẽ còn phải đầu tư, cải tiến. Kiểu thi theo chủ đề bài ca và đóng những trích đoạn xem ra đã có phần lặp lại. Ví dụ như năm nay có những đêm diễn thí sinh nào cũng ra diễn những số phận giống nhau như cô gái nghèo, chung thủy chờ đợi… khiến chương trình diễn ra đều đều một cách đơn điệu. Các trích đoạn theo kiểu chọn người tốt, người hùng quá nhiều làm khán giả khó phân biệt được những bản sắc khác nhau của thí sinh. Một điều rất dễ làm khô cứng chương trình Chuông vàng là biến dần thành sân chơi đăng quang cho các diễn viên chuyên nghiệp chưa thành danh của các đoàn cải lương các tỉnh, điều đó làm giảm sức lan tỏa và tác động đến với công chúng.
Chương trình Chuông vàng vọng cổ không thật hút khán giả như các chương trình Giọng hát Việt… nhưng nó cũng giúp phát hiện những giọng ca trong đời sống – là cách níu kéo khán giả đừng quên âm nhạc truyền thống.
Việt Nga