Những nhà sản xuất âm nhạc – các “phù thủy” của âm thanh đang định vị lại vị thế của mình trên bản đồ âm nhạc thế giới.
Từ chỗ là những người đứng đằng sau các bản thu, hoàn toàn mờ nhạt sau các nghệ sĩ biểu diễn về độ nổi tiếng, các nhà sản xuất ngày nay đã tự tin “đứng tên” các bản thu của riêng mình. Không ít người trong số họ đã và đang gây được tiếng vang.
Từ trước đến nay ngành công nghiệp ghi âm trên thế giới đã quá quen với việc lấy người biểu diễn bản thu – tức ca sĩ – làm trung tâm, dù rằng ca sĩ có thể chẳng hề “động tay” vào việc viết cũng như sản xuất bản thu ấy. Ngay cả giải thưởng âm nhạc Grammy danh giá nhất thế giới, nơi tôn vinh mọi cá nhân tạo ra những bản thu xuất sắc dù dưới bất kỳ vai trò nào, cũng thể hiện rõ điều này. Nhìn chung giới ca sĩ luôn là những tên được truyền thông nhắc đến nhiều nhất mỗi mùa Grammy, còn các nhà sản xuất dù có nhận Grammy cũng “lặng lẽ” hơn hẳn. Điều này hoàn toàn dễ hiểu bởi các nhà sản xuất âm nhạc thường không chú ý đến việc xây dựng hình ảnh của mình để trở thành người của công chúng như cách của giới nghệ sĩ biểu diễn, trừ những nhà sản xuất nào có khả năng hát và phát triển sự nghiệp với tư cách nhà sản xuất kiêm ca sĩ, nhạc sĩ.
Tuy nhiên trong những năm gần đây, làng nhạc quốc tế chứng kiến sự nổi lên của những tên tuổi tuy chỉ làm công việc viết và sản xuất, nhưng vẫn mạnh dạn “đứng tên” bản thu của mình, phát hành ra thị trường và gặt hái rất nhiều thành công. Thay vì làm theo mô hình ca sĩ đi tìm nhà sản xuất để “gia công” bản thu ca sĩ, thì họ làm ngược lại: Đi tìm ca sĩ để “gia công” bản thu của chính mình. “Mô hình làm nhạc” mới với nhà sản xuất ở vai trò trung tâm đang dần trở thành một xu hướng đáng chú ý trong giới sản xuất âm nhạc trên thế giới. Mô hình này càng phổ biến, thì khoảng cách về danh tiếng giữa nghệ sĩ biểu diễn và nhà sản xuất càng được rút ngắn, tạo nên một cục diện đa dạng, thú vị hơn nhiều cho làng nhạc quốc tế.
David Guetta có thể không phải là người đầu tiên nghĩ đến cách làm nhạc mới của giới sản xuất, nhưng lại là người thành công rực rỡ nhất với cách làm này tính đến nay. Theo đuổi sự nghiệp âm nhạc đầu tiên với vai trò là một DJ tại các hộp đêm suốt những thập niên 80, 90, nhà sản xuất người Pháp dường như đã mong muốn gầy dựng tên tuổi với tư cách một ngôi sao khi bắt đầu phát hành album đầu tiên của chính mình từ năm 2002. Mặc dù chỉ “có mặt” trong các bản thu với vai trò viết, sản xuất nhạc và “mượn” giọng của các nghệ sĩ khác như Chris Willis, Barbara Tucker hay David Bowie để thể hiện các bản thu, nhưng cái tên David Guetta vẫn nghiễm nhiên “đứng chính” trên các bảng xếp hạng âm nhạc thế giới khi các đĩa đơn và album đầu tiên của anh gặt hái được những thành công tương đối trong thời gian ấy. Để rồi đến năm 2009, David Guetta khiến âm nhạc thế giới phải bùng nổ với những bản hit lớn như When Loves Take Over (giọng của Kelly Rowland), Sexy B*tch (giọng của Akon) trích từ album phòng thu thứ tư mang tên One Love của anh.
David tiếp tục đánh một dấu son mới trong sự nghiệp của mình với album Nothing but the Beat (2011) với những bản thu được công chúng yêu nhạc quốc tế thuộc nằm lòng như Without You (giọng của Usher), Titanium (giọng của Sia) hay Turn Me On (giọng của Nicki Minaj). Tính đến năm 2010, David Guetta đã bán được sáu triệu bản album và 15 triệu bản đĩa đơn trên toàn thế giới, những con số quá lý tưởng với một nhà sản xuất tưởng chừng như chỉ mãi “vô hình” trong mắt của số đông công chúng và giới truyền thông.
Sau thành công rực rỡ của David Guetta, thời gian gần đây nhiều tên nhà sản xuất khác cũng tỏ ra dạn dĩ hơn để “làm chủ” các bản thu của chính mình, như Calvin Harris, Avicii hay mới đây nhất là Mike Will Made It. Nếu như bản hit lớn trong năm 2012 We Found Love được phát hành vào khoảng năm năm trước, có lẽ Calvin Harris sẽ chẳng bao giờ được chia sẻ thành công với nghệ sĩ biểu diễn là Rihanna một cách “chính thức” như thế. Hay như trường hợp của nhà sản xuất trẻ người Thụy Điển Avicii, dù đĩa đơn Wake Me Up trích từ album đầu tay True (2013) của anh có nhờ đến sự thể hiện của ca sĩ Aloe Blacc, nhưng về mặt “giấy tờ” Wake Me Up vẫn là đĩa đơn của riêng Avicii và bản thu này nhanh chóng đưa Avicii trở thành chủ nhân của một trong những bản hit lớn nhất năm nay.
Riêng với nhà sản xuất mới nổi Mike Will Made It sau khi đã có công sản xuất ra một trong những bản thu thành công nhất mùa hè 2013 là We Can’t Stop của Miley Cyrus, đã nhanh chóng “mượn” giọng của chính Miley Cyrus cùng hai rapper là Wiz Khalifa và Juicy J để “làm nền” cho đĩa đơn đầu tay của chính mình phát hành sau đó mang tên 23. “Nước cờ” khôn ngoan này nhanh chóng phát huy hiệu quả khi 23 đang gặt hái được thành công trên thị trường Bắc Mỹ, trực tiếp giúp cái tên Mike Will Made It vốn khá xa lạ trước đó trở nên gần hơn với công chúng yêu nhạc.
Trường Chinh