Xu thế thị trường trong tuần tới được giới chuyên gia nhận định sẽ “êm đềm” hơn. Diễn biến nội tại thị trường khá ổn định, mặc dù không quá tích cực.
Dòng tiền có dấu hiệu quay trở lại thị trường và một số mã cổ phiếu quan trọng đang trên đà hồi phục, cùng với xu hướng tăng của thị trường chứng khoán (TTCK) thế giới là những nhân tố hỗ trợ TTCK Việt Nam. Cụ thể, với diễn biến nội tại của nhóm cổ phiếu dầu khí, cùng với sự hỗ trợ tích cực của giá dầu, có lẽ nhóm cổ phiếu dầu khí vẫn còn khả năng tăng tiếp trong tuần giao dịch tới.
Theo giới phân tích, sự gia tăng căng thẳng giữa Mỹ và Iran là yếu tố chủ đạo chi phối đà tăng của giá dầu. Bên cạnh đó, cuộc họp sắp tới vào đầu tháng 7 của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh nhằm đánh giá lại mục tiêu sản lượng, triển vọng căng thẳng thương mại Mỹ – Trung dịu xuống và vụ cháy nghiêm trọng ở nhà máy lọc dầu lớn nhất của Bờ Đông nước Mỹ cũng là những yếu tố hỗ trợ giá dầu.
Có thể nhận thấy, TTCK Việt vừa trải qua hàng loạt những thông tin có thể gây “sóng gió” như cuộc họp tháng 6 của Cục Dự trữ Liên bang Mỹ (Fed), đáo hạn hợp đồng tương lai VN30 tháng 6 và ngày cơ cấu cuối cùng của hai quỹ chỉ số là ETF VNM và FTSE.
Tuy nhiên, các chỉ số đã tăng điểm trở lại sau chuỗi tuần giảm điểm liên tiếp. Kết thúc tuần giao dịch từ ngày 17 đến 21-6, VN-Index tăng 0,6% lên 959,18 điểm; HNX-Index tăng 1,3% lên 104,85 điểm. Thanh khoản được cải thiện so với tuần trước đó, đạt khoảng hơn 4.300 tỉ đồng giao dịch mỗi phiên trên cả hai sàn. Xét đến nội tại diễn biến thị trường, sự tích cực vẫn chưa được “trọn vẹn” khi chưa có sự đồng thuận tăng giá tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn.
Trong những mã vốn hóa lớn, GAS là mã cổ phiếu tiêu biểu khi tăng tới 3,4%, SAB tăng 1,8%, VNM tăng 1,4%. Ở chiều giảm giá, cổ phiếu VHM giảm tới 1,8%, VIC giảm 0,8%, BHN giảm tới 6%, trong khi MSN đi ngang. Sự phân hóa với sắc xanh, đỏ đan xen tại nhóm cổ phiếu vốn hóa lớn có thể tiếp tục diễn ra trong tuần giao dịch tới.
Tuần qua, các mã cổ phiếu ngân hàng diễn biến tích cực là VCB tăng 2,6%, CTG tăng mạnh mẽ với mức 5,3%, BID tăng 1%, MBB tăng 3,3%, VPB tăng 3,7%, ACB 2,8%. Trong nhóm ngân hàng vẫn có những mã cổ phiếu diễn biến tiêu cực như TPB giảm tới 4,2%, TCB giảm 1,8%. Xu hướng tăng giá của nhóm cổ phiếu ngân hàng chưa được củng cố chắc chắn khi thanh khoản chưa được cải thiện nhiều.
Trong khi đó, nhóm cổ phiếu dầu khí diễn biến tích cực nhất thị trường trong tuần qua. Các mã tăng tiêu biểu là PVS tăng 5/5 phiên giao dịch trong tuần, với tổng mức tăng đạt 6,3%. Cổ phiếu PVD cũng tăng tới 3,6%, PVB tăng 3,8%, PLX tăng 2,6%. Giá dầu thế giới tuần qua tăng mạnh mẽ là nguyên nhân giúp nhóm cổ phiếu dầu khí bứt phá.
Cụ thể, kết thúc tuần giao dịch, giá dầu Brent ghi nhận mức tăng khoảng 5%, đánh dấu tuần tăng giá đầu tiên trong năm tuần qua, trong khi giá dầu thô ngọt nhẹ Mỹ (WTI) tăng gần 10%, mức tăng phần trăm theo tuần mạnh nhất kể từ tháng 12-2016.
Xét đến yếu tố mua, bán ròng của khối ngoại. Tuần qua, khối ngoại bán ròng 13,3 triệu cổ phiếu, giá trị bán ròng đạt 182,6 tỉ đồng. Như vậy, tuần tới ảnh hưởng tiêu cực từ khối ngoại không lớn khi khối này chỉ bán ròng nhẹ. Bên cạnh đó, diễn biến tích cực từ TTCK thế giới tiếp tục hỗ trợ TTCK Việt Nam.
Theo Factset, nhà cung cấp thông tin tài chính, trong cả tuần, chỉ số S&P 500 tăng 2,2%, chỉ số Dow Jones tăng 2,4%, trong khi chỉ số Nasdaq Composite tăng 3%. Giới phân tích cho biết, nếu thị trường vẫn giữ được đà tăng trong tuần tới, chỉ số Dow Jones tháng 6 có thể tăng mạnh nhất kể từ năm 1938, trong khi chỉ số S&P 500 cũng khởi sắc nhất kể từ năm 1955, còn với chỉ số Nasdaq Composite là từ năm 2000.
Các nhà đầu tư đang chờ cuộc gặp giữa Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình bên lề Hội nghị thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) tại Nhật Bản vào tuần tới.
Thực tế, giới đầu tư trong nước cũng đã tỏ ra lạc quan hơn về triển vọng của thị trường khi thanh khoản được cải thiện trong tuần qua. Đây sẽ là nhân tố quan trọng nhất giúp TTCK tuần tới vượt qua khó khăn để hồi phục về vùng giá cao hơn.
Đánh giá về diễn biến TTCK tuần qua và nhận định cho tuần kế tiếp, nhóm phân tích đến từ Công ty cổ phần Chứng khoán MB – MBS cho rằng, những áp lực ngắn hạn đối với thị trường đã qua mà không gây ra xáo trộn nào. Kỳ tái cơ cấu danh mục của các quỹ chỉ số ETF cũng diễn ra khá “êm” khi các lệnh đối ứng được “cân” rất tốt bất chấp khối ngoại bán ròng.
Về kỹ thuật, thị trường đã có ba phiên tăng điểm liên tiếp với thanh khoản tăng dần qua đó tạo được một vùng đệm cho đáy ngắn hạn và sẽ hỗ trợ cho xu hướng tăng sắp tới. Theo quan điểm của Công ty TNHH Chứng khoán Ngân hàng Đầu tư và Phát triển Việt Nam (BSC), thị trường tiếp tục đà phục hồi nhẹ trong phiên cuối tuần với thanh khoản cải thiện mạnh mẽ do hoạt động cơ cấu danh mục của các quỹ chỉ số ETF.
Nhà đầu tư nên tiếp tục theo dõi các sự kiện quốc tế đáng chú ý như cuộc họp thượng đỉnh Nhóm các nền kinh tế phát triển và mới nổi hàng đầu thế giới (G20) cùng cuộc gặp giữa hai nhà lãnh đạo Trung – Mỹ về căng thẳng thương mại diễn ra vào cuối tuần sau, khả năng biến động mạnh của giá dầu thế giới do rủi ro chiến sự nổ ra khi căng thẳng Iran – Mỹ leo thang cùng cuộc họp sản lượng của Tổ chức Các nước Xuất khẩu dầu mỏ (OPEC) và các nước đồng minh trong đầu tháng 7, BSC khuyến nghị.