Chuẩn bị cho bước đường du học, đó không phải là chuyện của “ngày một, ngày hai”. Các bạn sinh viên học sinh (SV-HS) cần phải chuẩn bị trình độ kiến thức trước đó vài ba năm, nếu thực sự muốn chuyến du học của mình đạt hiệu quả cao hoặc được nhận vào trường đại học mà mình mong muốn.
Tú tài quốc tế IB
Chương trình Tú tài quốc tế (International Baccalaureate – IB) có ba bậc, dành cho HS từ 3-19 tuổi. Bậc cao nhất của IB (Diploma Programme) dành cho HS độ tuổi từ 16 đến 19.
Chương trình này được thiết lập như cấp THPT/dự bị đại học kéo dài hai năm cho khoảng 900.000 HS tại hơn 3.000 trường ở hơn 140 quốc gia.
Với một kết cấu các nhóm môn học và giáo trình khá toàn diện, IB được nhiều trường đại học trên thế giới công nhận và đánh giá cao, đặc biệt ở Mỹ và châu Âu.
Giáo trình IB gồm có sáu nhóm môn học: Ngôn ngữ A1 (ngôn ngữ thứ nhất – thường là tiếng mẹ đẻ); ngôn ngữ thứ hai; cá nhân và xã hội (các môn xã hội); khoa học tự nhiên; toán học; các môn nghệ thuật.
Ngoài ra, để đạt đủ tiêu chuẩn nhận bằng IB, HS còn cần hoàn thành một bài luận nghiên cứu tự chọn dài 4.000 từ và một khóa học “Lý thuyết của nhận thức” kéo dài một năm giúp HS trong lứa tuổi đang trưởng thành định hình rõ ràng hơn về con người và cuộc sống.
Điểm cuối cùng của IB chỉ có sau khi hoàn tất hai năm học, trong quá trình HS nộp hồ sơ sang các trường đại học ở Hoa Kỳ và tùy từng đại học ở các nước khác, các thầy cô tại trường dạy IB sẽ được yêu cầu đưa ra một điểm dự đoán (Predicted Grade – PG) cho HS ở môn học của mình làm cơ sở cho các trường đại học đánh giá năng lực và xét hồ sơ của HS.
Thông tin chi tiết có thể xem thêm ở website của Tổ chức Tú tài quốc tế IB: www.ibo.org
Chứng chỉ GCSE
General Certificate of Secondary Education (GCSE) – Chứng chỉ tốt nghiệp phổ thông trung học.
Đây là chương trình phổ thông trung học, tương đương với trình độ lớp 10 ở Việt Nam. Những HS tốt nghiệp lớp 9 tại Việt Nam với trình độ tiếng Anh tốt có thể tham gia chương trình này. Kỳ thi GCSE là kỳ thi quốc gia.
- Xem thêm: Chuẩn bị cho ngày lên đường du học
Tại Anh quốc, HS khi có được chứng chỉ GCSE thì có thể đi làm hoặc tiếp tục học lên. Còn đa phần HS quốc tế tham gia chương trình GCSE để có được sự chuẩn bị tốt cho chương trình A-Level.
Chứng chỉ A-level
A-level là chứng chỉ dự bị đại học. Sau khi kết thúc chương trình GCSE, HS sẽ vào chương trình A-level. Những HS đã tốt nghiệp lớp 10-11 tại Việt Nam có kết quả học tập tốt cũng có khả năng vào học chương trình này. Tại Anh, chương trình A-level được đánh giá là “tiêu chuẩn vàng” để vào được các trường đại học.
Chương trình A-level thông thường kéo dài trong hai năm. Khi kết thúc chương trình, tất cả HS đều phải làm chung một đề thi và cùng thời điểm thi. Kết quả học tập tại chương trình A-level được đánh giá theo thang điểm A, B, C, D… Thông thường điểm A và B là những điểm yêu cầu của những trường đại học hàng đầu.
Vì vậy để đánh giá chất lượng đào tạo của các trường, thông thường người ta hay căn cứ vào tỷ lệ đạt điểm A và B tại các trường cần phải đánh giá.
Chứng chỉ SAT
SAT (Scholastic Aptitude Test) là bài thi đánh giá khả năng của HS trung học và kiểm tra đầu vào của các trường đại học, cao đẳng trên thế giới.
Hầu hết các trường cao đẳng, đại học ở Mỹ đều dựa vào SAT để đánh giá khả năng suy luận của HS trung học cho việc học ở các bậc cao hơn. SAT đánh giá các kỹ năng phân tích và xử lý tình huống của HS trung học. Điểm SAT còn là căn cứ quan trọng để xét cấp học bổng đại học.
SAT gồm bốn phần thi: toán, từ vựng, đọc hiểu và viết, trong đó tổng điểm tối đa là 2.400. SAT được tổ chức mỗi năm sáu lần ở nhiều nước trên thế giới, với nội dung và ngày thi như nhau. Vì vậy, HS có thể chọn thời điểm đăng ký dự thi, đồng thời có thể thi nhiều lần để lấy điểm cao.
Kết quả thi SAT được bảo lưu năm năm. Hiện nhiều trường đại học ở Australia, Đức, Hà Lan, Nhật Bản, Singapore… sử dụng SAT như một công cụ đánh giá chất lượng SV.
Chứng chỉ GMAT
GMAT (Graduate Management Admission Test) là bài thi bằng tiếng Anh trên máy để đánh giá kiến thức tự nhiên tổng quát, do GMAC (Graduate Management Admission Council) tổ chức. Điểm thi GMAT có giá trị hiệu lực trong năm năm.
Hiện nay trên thế giới có khoảng 1.800 chương trình quản lý và kinh doanh sau đại học dùng GMAT là một tiêu chí tuyển sinh. Vì thế SV sau đại học muốn học thạc sĩ quản trị kinh doanh (MBA) ở Mỹ thì phải có chứng chỉ GMAT. Đây cũng là chứng chỉ tin cậy có thể giúp bạn qua vòng “lọc hồ sơ” của rất nhiều doanh nghiệp nước ngoài danh tiếng.
Ngoài MBA thì ngành thạc sĩ tài chính (Master of Finance) hoặc thạc sĩ kế toán (Master of Accounting) cũng có thể dùng GMAT để xét tuyển đầu vào. Về cơ bản thì GMAT được xem là một trong những yêu cầu bắt buộc của các trường kinh doanh (Business schools /B-schools).
Bài thi gồm ba phần: Bài luận, toán định lượng, ngôn ngữ.
Bạn có thể lên trang: www.mba.com để đăng ký lịch thi và địa điểm thi. Thanh toán bằng thẻ tín dụng hoặc ngân phiếu (check). Khi làm thủ tục đăng ký thi, bạn chọn ngày thi có sẵn trong các ngày quy định và địa điểm gần nhất.
Chứng chỉ GRE
GRE (Graduate Record Examination) là kỳ thi đầu vào của các chương trình cao học ngành khoa học và kỹ thuật tại Hoa Kỳ, do Viện Khảo thí Giáo dục Hoa Kỳ (Educational Testing Service) tổ chức. Kết quả thi GRE thường được sử dụng như một trong những chỉ số đánh giá khả năng thành công của thí sinh trong chương trình cao học. Điểm GRE có giá trị năm năm.
Mỗi kỳ thi GRE kiểm tra ba kỹ năng chính yếu: Ngôn ngữ, toán, và viết. GRE có hai cách thi: Bài thi trên máy tính và bài thi trên giấy. Tại Việt Nam, hiện chỉ có loại bài thi GRE trên giấy. Đối với dạng bài thi trên giấy, có hai cách đăng ký:
Đăng ký qua internet: đăng ký qua website: www.ets.org/gre. Bạn đóng lệ phí qua thẻ Visa hay MasterCard.
Đăng ký qua thư: download mẫu này từ trang web www.ets.org/gre. Sau khi điền đầy đủ thông tin vào đơn đăng ký dự thi, bạn gửi tới địa chỉ sau: Graduate Record Examinations, Educational Testing Service, P.O. Box 6004, Princeton, NJ 08541-600, USA.