Một thông cáo chung cũng đã được công bố ngay sau đó kêu gọi một cuộc ngưng bắn tức khắc, thành lập một chính phủ chuyển tiếp có sự đồng thuận của đại diện chế độ do Tổng thống Bashar al-Assad đứng đầu và đại diện phe nổi dậy, và cuối cùng là việc tổ chức bầu cử Quốc hội và tổng thống mới.
Theo các nhà bình luận, lần đầu tiên mới có một sự hy vọng sau những chết chóc, điêu tàn của đất nước Syria suốt thời gian qua, nhưng trong điều kiện hiện nay, việc đưa cả hai bên ngồi vào bàn đàm phán là cực kỳ khó khăn. Thật vậy, khó khăn trước tiên là lập trường cứng rắn của phe nổi dậy vốn được Washington hậu thuẫn, coi việc Tổng thống Syria đương nhiệm Bashar al-Assad từ chức là điều kiện tiên quyết cho bất kỳ một cuộc đàm phán nào. Lập trường này không nhận được sự chia sẻ của Nga, nhưng trong thời gian qua, phía Mỹ đã cố thu hẹp khoảng cách với Nga về quan điểm đối với vấn đề Syria. Không những thế, Washington còn cố tranh thủ sự hợp tác của Ả Rập Saudi, Qatar và Thổ Nhĩ Kỳ, những nước ủng hộ quân nổi dậy ở Syria, để những nước này thuyết phục họ ngồi vào bàn đàm phán.
Ngoại trưởng Mỹ John Kerry (trái) và Ngoại trưởng Nga Sergei Lavrov gặp nhau tại Moscow
Cách nay khoảng ba tuần lễ, khi tiếp Tiểu vương Qatar Hamad bin Khalifa al-Thani tại Nhà Trắng, Tổng thống Mỹ Barack Obama đã nêu bật tầm quan trọng của một giải pháp chính trị tại Syria và kêu gọi vị quốc khách của mình ngưng cung cấp viện trợ quân sự cho thành phần Hồi giáo cực đoan trong hàng ngũ quân nổi dậy. Ông Obama cũng sẽ tiếp tại Nhà Trắng Thủ tướng Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan, người giữ vai trò quan trọng trong vùng, để cùng thống nhất quan điểm trong vấn đề Syria. Tổng thống Mỹ hiện đang chịu nhiều áp lực đòi hỏi đẩy mạnh hơn nữa sự can thiệp vào cuộc nội chiến ở Syria, đặc biệt khi có những thông tin chưa được kiểm chứng về việc chính quyền Damascus có thể đã sử dụng vũ khí hóa học chống lại phe nổi dậy. Bên cạnh đó còn là nỗi lo ngại về nguy cơ cuộc khủng hoảng gây ra tình trạng bất ổn cho các nước láng giềng như Lebanon, Iraq, Jordan, khi họ phải đối mặt với hơn 500 ngàn người tị nạn Syria đã tràn sang nước họ. Tại Quốc hội Mỹ, ngày càng có thêm nhiều nghị sĩ yêu cầu chính quyền Obama cung cấp vũ khí và huấn luyện cho phe nổi dậy tại Syria, một sự lựa chọn mà hành pháp Mỹ tuyên bố là sẽ thực hiện khi vấn đề sử dụng vũ khí hóa học của phía chính phủ Syria được khẳng định.
Theo Paul Pillar, một viên chức kỳ cựu của Cơ quan Tình báo Trung ương Mỹ (CIA) đã về hưu, triển vọng sẽ có một bước đột phá ngoại giao tại Syria còn khá khiêm tốn, nhưng thỏa thuận Mỹ – Nga ngày 7-5-2013 đại diện cho một niềm hy vọng có thật về một đất nước Syria hòa bình và ổn định. Dù vậy, trong tương lai gần, khó khăn còn đầy rẫy, khi ông Assad vẫn tin rằng mình có thể chiến thắng; còn về phía quân nổi dậy, vẫn chưa có một tiếng nói thống nhất về lập trường, quan điểm của họ trong việc giải quyết cuộc chiến. Ngày 10-5, Ngoại trưởng Mỹ John Kerry khẳng định một chính phủ chuyển tiếp tại Syria sẽ không thể có sự hiện diện của ông Assad. Sự cứng rắn của phía Mỹ sẽ làm vấn đề càng thêm rối rắm, ít nhất là trong lúc này.
Lê Nguyễn tổng hợp