Việc giới lãnh đạo chính trị Trung Âu và Đông Âu tiếp tục xem nhẹ các quy định của EU – “câu lạc bộ” mà các nước này hào hứng gia nhập cách đây hơn một thập niên đang trở thành nhân tố đe dọa tương lai của các nước trong khu vực cũng như của EU.
Ủy ban châu Âu (EC) mới đây đã buộc tội Ba Lan khi cho rằng chương trình cải cách của chính phủ nước này làm suy yếu sự độc lập của ngành tư pháp. Hungary nhờ vào khả năng ngoại giao của Thủ tướng Viktor Orban nên đang “đu dây” trong mối quan hệ với EU liên quan đến các chương trình cải cách trong nước.
Trong khi đó, các nhà lãnh đạo dân túy ở các nước khác trong nhóm Visegrad (V4) là Thủ tướng Slovakia Robert Fico và thủ tướng mới được bổ nhiệm ở Cộng hòa Czech Andrej Babis cũng đang theo dõi cẩn trọng diễn biến của các cuộc xung đột giữa các nước trong khu vực với EC.
Nhóm V4 gồm Ba Lan, Tiệp Khắc, Slovakia và Hungary gia nhập EU năm 2004 và là những nước không chấp nhận người nhập cư vào lãnh thổ của họ theo hạn ngạch phân bổ của EC.
Vấn đề mà tất cả lãnh đạo các nước V4 đều lo ngại là sự đồng thuận ngày càng tăng giữa các nước thành viên Tây Âu đối với giải pháp gắn việc phân bổ các quỹ của EU cho các nước thành viên trong không gian “hậu Xô viết” với thực tế tôn trọng và thực thi các quy định của liên minh tại các nước này.
Giải pháp nói trên được nhấn mạnh trong báo cáo gần đây của Trung tâm Cải cách châu Âu (CER), nhóm nghiên cứu có trụ sở tại London (Anh). Các thành viên của trung tâm này cho rằng về mặt pháp lý, có thể gắn thực trạng của nền pháp quyền ở các nước thành viên với việc được nhận các khoản trợ cấp từ các quỹ của EU mà không cần phải thay đổi hiệp ước thành lập liên minh.
Cụ thể, với kế hoạch cải cách tài chính mà EU đưa ra gần đây, Brussels hoàn toàn có thể cắt các khoản trợ cấp dự định phân bổ cho các nước thành viên không tôn trọng các nguyên tắc và giá trị cơ bản của liên minh. EU đã thành công trong việc siết chặt kỷ luật tài chính trong giải quyết vấn đề nợ công ở các nước thành viên.
Giải pháp cắt giảm nguồn trợ cấp đối với một số nước thành viên được EU nêu ra trong bối cảnh liên minh phải đối mặt với thực tế khó khăn hơn trong thời gian tới. Chắc chắn tiềm lực tài chính của EU sẽ hạn chế hơn sau khi Anh rời khỏi liên minh.
Hệ quả của việc này là nguồn lực mà EU dành cho các quỹ đầu tư và hỗ trợ cải cách của liên minh sau năm 2020 cũng sẽ không được như mức độ hiện nay. Nhiều người cho rằng các nước thành viên mới và nghèo hơn trong EU sẽ không thể bắt kịp với trình độ phát triển của các nước thành viên Tây Âu nếu không nhận được trợ cấp từ các quỹ hỗ trợ của EU.
Điều này sẽ chỉ khiến cho mức độ chia rẽ giữa các nước thành viên Đông Âu và Tây Âu gia tăng trong EU. Ví dụ điển hình gần đây là việc EU quyết định chuyển trụ sở một số cơ quan của liên minh ở London (Anh) sang Amsterdam (Hà Lan) và Paris (Pháp) khiến một số nước thành viên Trung Âu tham gia cuộc chạy đua đăng cai như Cộng hòa Czech và Slovakia thất vọng.
Dư luận ở Trung Âu và Đông Âu cho rằng các nước thành viên Tây Âu không thực sự quan tâm tới việc đoàn kết tất cả 27 nước thành viên trong EU. Tất nhiên, cảm giác này cũng xuất phát phần nhiều từ xu hướng chuyển dần sang cánh hữu của các lực lượng chính trị dân túy và dân tộc chủ nghĩa ở các nước Trung và Đông Âu. Nếu đề xuất cắt giảm trợ cấp từ các quỹ của EU đối với các nước thành viên không đáp ứng tiêu chuẩn về pháp quyền được chính thức đưa ra trong thời gian tới thì chắc chắn sẽ xuất hiện làn sóng mới ở các nước Trung và Đông Âu phản đối việc đối xử bất bình đẳng trong liên minh.