Ông Lamy, hiện là Chủ tịch Viện tư vấn Notre Europe có trụ sở ở Paris nói rằng: “Toàn cầu hóa và số hóa nền kinh tế đã gây phân cực nghiêm trọng hơn tại nhiều quốc gia trong thời gian gần đây. Người thắng hưởng nhiều hơn và kẻ thua mất nhiều hơn. Điều này tạo cơ hội cho làn sóng dân túy đòi đảo lộn tiến trình toàn cầu hóa”.
Tất nhiên, đồng USD không phải là yếu tố duy nhất đằng sau làn sóng dân túy ở Mỹ và nhiều nước trên thế giới, mà còn có những yếu tố chính trị nữa. Nhập cư, hợp pháp và bất hợp pháp, là vấn đề nghiêm trọng từ biên giới phía Nam nước Mỹ đến Berlin. Viết trên tờ The New York Times, cựu luật sư về nhân quyền Amanda Taub gọi đây là “cuộc khủng hoảng của người da trắng”.
Trong trường hợp này, da trắng không chỉ là màu da mà còn là sự độc quyền thuộc về một nhóm người đang lãnh đạo và chi phối gần như toàn bộ nền văn hóa. Ông Donald Trump trong cuộc bầu cử ở Mỹ đã thu hút được cử tri bằng chính sự bất bình này. Hãy nghĩ về những chiếc mũ đỏ nổi tiếng của ông ấy. “Làm cho nước Mỹ vĩ đại trở lại” – điều này thực sự có nghĩa là gì? Đối với nhiều người, đó chính là trở lại cái thời nhiều việc làm ở các nhà máy hơn, nhưng cũng có nghĩa là cái thời chưa xuất hiện khái niệm “coi trọng mạng sống của người da đen”. Điều này cũng có nghĩa là thời mà các thành phố tràn ngập người da trắng chỉnh chu trong bộ trang phục đi làm, chứ không phải chen chúc giữa những con người mang nhiều sắc tộc và màu da lẫn tín ngưỡng khác nhau.
Ông Trump không sáng chế ra cách tiếp cận này. Về nhiều phương diện, ông ta chỉ sùng bái cái gọi là chiến lược phương Nam của đảng Cộng hòa vốn có từ thời của ứng cử viên Richard Nixon. Sau khi luật về quyền công dân được thông qua dưới thời Tổng thống Johnson, những người lao động da trắng ở phía Nam lũ lượt gia nhập đảng Cộng hòa. Tuy nhiên, ông Trump chiến thắng không chỉ nhờ lá phiếu của người da trắng. Ông nhận được 63 triệu phiếu. Ông ta không thể được nhiều phiếu nếu như không thu phục được số đông phụ nữ, cử tri tốt nghiệp đại học và thậm chí cả người thiểu số.
Rõ ràng ranh giới về giới tính, sắc tộc và giáo dục trên bức tranh bầu cử năm 2016 rất đậm nét. Ông Trump giành được 57% phiếu của người da trắng trong khi chỉ 37% bỏ phiếu cho bà Clinton. Ông được 62% đàn ông da trắng ủng hộ trong khi bà Clinton được 31%.Ông nhận được phiếu của 71% đàn ông da trắng có bằng đại học trong khi bà Clinton được có 23%. Đáng chú ý là cứ bốn đàn ông da trắng chỉ học hết phổ thông thì có ba người bỏ phiếu cho Trump, chứng tỏ những người ủng hộ ông có lẽ chủ yếu thuộc tầng lớp lao động. Nếu như cần tìm bằng chứng về một cuộc nổi dậy dân túy ở Mỹ thì chính là đây.
Bên kia bờ Đại Tây Dương, tình hình cũng tương tự như vậy, nhưng có chút khác biệt. Những người da trắng ít học ở các quốc gia châu Âu cũng có cảm giác mất mát, nhưng điều này bắt nguồn từ những vấn đề không giống như ở Mỹ. Tại Hoa Kỳ, làn sóng nhập cư bất hợp pháp từ biên giới phía Nam là vấn đề nghiêm trọng. Còn ở châu Âu, vấn đề đặt ra là người lao động và người tỵ nạn hợp pháp.
Ở Mỹ, ông Trump cam kết sẽ “xây dựng một bức tường” và thiết lập một số biện pháp kiểm soát người Hồi giáo nhập cảnh vào Mỹ. Ở Anh, bà May hứa hẹn rằng Brexit có nghĩa là sự lưu thông tự do hàng hóa qua biên giới, nhưng sẽ kiểm soát chặt hơn các dòng người. Thậm chí ở Đức, quốc gia mà trong những năm gần đây đã chấp nhận hơn 1 triệu người xin tỵ nạn, Thủ tướng Angela Merkel – người tuyệt đối không theo chủ nghĩa dân túy – giờ đây nói rằng nên cấm việc trùm kín mặt theo phong tục Hồi giáo ở “bất kỳ chỗ nào luật pháp cho phép” và Sharia (luật Hồi giáo) sẽ không bao giờ thay thế luật pháp của Đức.
Tốc độ thay đổi xã hội có thể là động lực của những quan điểm này. Ở Anh, số dân sinh ra ở nước ngoài đã tăng 66% trong khoảng từ năm 2004 đến 2014. Ở Đức con số này là 75% trong khoảng từ 2011 đến 2015. Tại nước Mỹ số này đã tăng gấp đôi kể từ năm 1990.
Sự thay đổi nhanh chóng ấy khiến một số người da trắng cảm thấy địa vị của họ bị lung lay. Những ngôi làng người Anh lựa chọn lá phiếu Brexit phàn nàn rằng ở London họ cảm thấy lạc lõng vì có quá nhiều khách du lịch châu Á và người Trung Đông. Ở bang Louisiana, những người nông thôn da trắng tâm sự với nhà văn Arlie Russell Hochschild rằng họ cảm thấy như đang phải leo dốc để vươn tới Giấc mơ Mỹ thì bị chặn đường bởi những người da đen, người nhập cư. Giáo sư Mudde của Đại học Georgia nói là “người ta cảm thấy đất nước không còn là của họ nữa”.
Toàn cầu hóa càng làm tăng thêm cảm giác mất mát. Nhiều người lao động chứng kiến việc làm bị chạy ra nước ngoài và đọc thấy nhãn hiệu “made in” trên tất cả các sản phẩm có xuất xứ nước ngoài được bán tại Wal-Mart và Home Depot. Nhìn chung, có cảm giác như thể thế giới thương mại tự do mới chỉ tuyệt vời với ai đó chứ không phải với họ. Có thể họ không bị ảnh hưởng trực tiếp bởi sự suy giảm công việc trong ngành sản xuất, nhưng họ bi quan về những cơ hội cho thế hệ tiếp theo.
Theo các số liệu của Viện nghiên cứu PEW (Mỹ), hơn 60% cử tri ở cả Mỹ và châu Âu cho rằng con cháu họ sau này sẽ phải đối diện với cuộc sống khó khăn. Lawrence Summers, cựu Bộ trưởng Bộ Tài chính Mỹ và giáo sư Charles W. Eliot của Đại học Harvard, mới đây đã viết chung trên mục ý kiến bạn đọc của một tờ báo rằng: “Trước đây, người ta chấp nhận giảm bớt hàng rào thuế quan, thúc đẩy hòa bình và thịnh vượng, thúc đẩy hợp tác quốc tế là cần thiết để giải quyết tất cả các vấn đề của thế giới. Nhưng nay gần như tất cả những điều này đã bị hoài nghi”.
Toàn cầu hóa và những sự gián đoạn mà nó đem lại quả thực đã chiếm một phần khổng lồ của nền kinh tế thế giới thời hiện đại. Năm 1972, khi thương mại bị chi phối bởi một nhóm nhỏ các quốc gia công nghiệp hóa và Trung Quốc là một nền kinh tế khép kín thì kim ngạch thương mại chiếm 27,1% sản lượng của thế giới – theo số liệu của Ngân hàng Thế giới.
Sau khi Liên Xô tan rã, EU trở thành thị trường lớn nhất thế giới; Trung Quốc cùng Việt Nam, Bangladesh, Ấn Độ và một số quốc gia đang phát triển khác đã mở ra một kỷ nguyên mới của sự hòa nhập nhanh chóng và các dây chuyền cung ứng toàn cầu. Ba mươi bốn năm sau, tức vào năm 2008, thương mại chiếm 61,1% sản lượng của thế giới.Tỷ lệ này được xem là đỉnh điểm.
Có lẽ cuộc đại suy thoái năm 2008 đã tạo ra một mức trần. Hiện chúng ta đã thoát khỏi suy thoái – nền kinh tế thế giới tăng trưởng 2,5% trong năm 2015 – nhưng sự đóng góp của mậu dịch vào tỷ lệ tăng trưởng này không tăng. Trong năm 2015, thị phần của thương mại toàn cầu trong sản lượng của thế giới trên thực tế đã giảm xuống còn 57,7%.
Pankaj Ghemawat, người điều hành Trung tâm Quản lý và Giáo dục Toàn cầu hóa thuộc Đại học New York cho rằng đây có thể là một hiện tượng bất bình thường – toàn cầu hóa không bị đảo lộn nhưng vẫn đang trong trạng thái trì trệ. Rõ ràng là không thể thúc đẩy toàn cầu hóa như thời trước khi xảy ra khủng hoảng tài chính, nhưng chí ít thì toàn cầu hóa cũng chưa sụp đổ.
- V.Đ theo The Christian Science Monitor (Mỹ)