Hình tượng chú chó, loài gia súc thân thiết nhất đối với con người đã hiện diện trong tác phẩm mỹ thuật từ thời cổ đại Ai Cập cho tới ngày nay, nhiều nhất là trong hội họa châu Âu từ thời Trung cổ đến hiện đại, đặc biệt là với tranh của các họa sĩ châu Âu – nơi loài gia súc bốn chân, tinh khôn này được coi như thú cưng, thân thiết trong cuộc sống con người. Ngoài sự gắn bó, lòng trung thành và tình cảm đối với chủ, các chú chó còn có vẻ ngoài đẹp mắt nên thích hợp để trở thành một đề tài lớn của hội họa phương Tây nhiều thế kỷ.
Trong một bài viết trên Bách khoa tự điển về Lịch sử cổ đại (Ancient history Encyclopedia) ấn hành vào tháng 3-2017, tác giả Joshua J. Mark, giáo sư triết học tại Đại học Marist, New York cho biết xã hội Ai Cập cổ đại vốn nổi tiếng với mối tương quan mật thiết giữa người và mèo, con vật được đưa vào các nghi lễ hiến tế cho thần linh, dù vậy loài chó cũng được coi trọng không kém chút nào. Nhà Ai Cập học Margaret Bunson ghi nhận rằng “chó gần như chắc chắn được thuần hóa ở Ai Cập từ thời tiền sử, khoảng thời gian từ thời kỳ Đồ đá cũ (Paleolithic) cho tới thời kỳ Đồ đá mới (Neolithic), kéo dài từ năm 6000 đến năm 3150 trước Công nguyên (CN), nghĩa là trước khi xuất hiện triều đại đầu tiên của các pharaon Ai Cập. Dù không có bất kỳ ghi chép nào vào thời tiền sử Ai Cập, song các khai quật khảo cổ học khắp đất nước này đã phát hiện những di chỉ có thể kể lại cho chúng ta câu chuyện về sự phát triển văn hóa tại khu vực thung lũng sông Nile ngày nay.
Cũng theo bà Margaret Bunson, chó đã được người Ai Cập thời tiền sử sử dụng để đi săn và hình ảnh của chúng còn được ghi nhận trong các tang lễ. Một ngôi mộ tại Ai Cập có niên đại khoảng năm 3500 trước CN có hình ảnh một người đàn ông đang rảo bước cùng chú khuyển có dây buộc cổ, cảnh tượng thật quen thuộc như trong thời hiện đại. Hình ảnh chó còn xuất hiện trên đồ gốm của người Ai Cập thời tiền sử, chẳng hạn trên những đĩa làm bằng bột đá được dùng hằng ngày (một đĩa đá như thế với hình bốn chú chó hiện được lưu giữ tại Bảo tàng Louvre ở Paris). Hình ảnh giống chó săn Ibizan ngày nay được thể hiện nhiều nhất trong mỹ thuật cổ Ai Cập, đây là giống chó nòi của Ai Cập nhưng được các thương nhân người Phoenicia sống dọc vùng eo biển Liban, Syria và bắc Israel ngày nay đưa sang đảo Ibiza khoảng thế kỷ thứ XII trước CN. Nhiều giống chó khác nhau được nuôi thời cổ đại Ai Cập và hình ảnh của chúng xuất hiện trên lăng mộ của các pharaon. Hoàng đế Khufu (năm 2589-2566 trước CN) có nuôi một chú khuyển cưng tên là Akbaru, khi Khufu qua đời thì Akbaru được chôn trong lăng mộ của ông, hình ảnh nó cũng được khắc trên tường lăng mộ.
Trên vách đá các hang động ở châu Âu, châu Á, châu Phi thời kỳ Đồ đồng (khoảng năm 3200-200 trước CN) có rất nhiều hình ảnh chó, phần lớn là các giống chó săn. Xa xưa hơn nữa, các hang động ở Tassili n’Ajjer, công viên quốc gia của Algeria nằm giữa sa mạc Sahara có nhiều hình ảnh chó được người tiền sử vẽ. Người La Mã và người Hy Lạp cổ đại thường đưa hình ảnh chú khuyển vào các bình gốm và các chạm khắc nổi, với họ chó là biểu tượng của sự trung thành. Trong trường ca Odysseus của thi hào Hy Lạp Homer, Odysseus có nuôi một chú chó tên là Argos, và chỉ có Argos nhận ra chủ sau khi Odysseus trở về từ những chuyến phiêu lưu dài ngày. Câu chuyện này thường được mô tả trên các bình gốm của Hy Lạp thời cổ.
Nghệ thuật tạo hình thời Trung cổ cũng không thiếu hình ảnh chú khuyển. Khi một chú chó được đưa vào tranh thời kỳ này, nó mang ý nghĩa của sự chung thủy. Trong bức tranh vẽ một đôi nam nữ trong ngày cưới, nếu họa sĩ vẽ một chú chó nằm trong lòng người nữ hay đứng dưới chân nàng, điều đó thể hiện sự thủy chung của hai người bạn đời. Nếu đó là bức chân dung một góa phụ thì hình ảnh con chó trong tranh thể hiện sự tưởng nhớ mãi mãi của nàng đối với người chồng đã khuất. Một ví dụ tiêu biểu là tác phẩm Đám cưới Arnolfini của nhà danh họa thời kỳ đầu tiên của hội họa Hà Lan Jan van Eyck (1390-1441), được ông vẽ năm 1434 bằng sơn dầu trên mặt gỗ sồi, mà theo các nhà sử học nghệ thuật thì họa sĩ đã vẽ chân dung doanh nhân người Ý Giovanni di Nicolao Arnolfini (khoảng 1400-1472) và vợ ông trong ngày cưới của họ tại ngôi nhà của Arnolfini ở thành phố Bruges (nay thuộc nước Bỉ). Thời đó, lễ cưới chưa được tổ chức tại nhà thờ Thiên Chúa giáo nhưng các khách mời là minh chứng cuộc hôn nhân hợp pháp. Trong tranh có vài hình ảnh mang ý nghĩa biểu tượng: mấy quả cam trên mặt tủ sau lưng chú rể thể hiện sự giàu có vì thời đó giá loại trái cây rất đắt; còn con chó xinh xinh đứng trước vạt áo cưới cô dâu là biểu tượng của sự chung thủy, gắn bó suốt đời. Chú chó cũng là món quà Arnolfini tặng cho vợ bởi các phụ nữ giàu có thời đó luôn phải có một chú chó làm bạn mới “đúng điệu”.
Trong hội họa châu Âu thời Trung cổ và thời Phục hưng, đi săn là một chủ đề rất phổ biến: đi săn không chỉ là môn thể thao rất tốn kém của giới quý tộc hay trưởng giả giàu sang mà còn biểu thị lòng can đảm, tinh thần hào hiệp của trang nam tử bởi họ có thể phải đối mặt với loài thú dữ. Và đi săn thì không thể thiếu bầy chó săn khỏe mạnh, vóc dáng đẹp đẽ. Nên tranh đi săn bao giờ cũng có hình ảnh những chú chó săn. Chủ đề đi săn tiếp tục được các họa sĩ châu Âu các thế kỷ sau đó thể hiện xuyên suốt trong tranh. Ngoài chó săn, các họa sĩ châu Âu còn vẽ chó như là thú cưng, thậm chí là bạn thân thiết của con người. Có một bức tranh với tựa Một thành viên tao nhã của Hiệp hội Nhân đạo (A distinguished member of the Humane Society) nhưng không vẽ bất kỳ nhân vật nổi tiếng nào mà mô tả chân dung một… chú khuyển! Bức tranh được vẽ năm 1838, rất nổi tiếng ở London thời bấy giờ, tác giả là Edwin Landseer (1802-1873), họa sĩ cũng là nhà điêu khắc được kính trọng vì tài năng và nhân cách, được Hoàng gia Anh phong tước hiệu hiệp sĩ. Sir Edwin Landseer vẽ chú chó giống Newfoundland lông trắng, đầu đen có tên là Bob vốn được người ta tìm thấy trên một chiếc tàu đắm ngoài khơi nước Anh. Bob đã tự tìm được đường về nhà chủ ở khu bến cảng London, nơi chú nổi danh vì cứu được nhiều người bị đuối nước sắp chết chìm. Tổng cộng trong 14 năm, Bob đã có 23 lần cứu người thoát chết. Nhờ thành tích phi thường đó, Bob trở thành một thành viên thực thụ của Hiệp hội Nhân đạo Hoàng gia Anh, được tặng thưởng huân chương và được nhận thức ăn hằng ngày. Năm 1938, tạp chí The Art Journal xuất bản ở London ca ngợi bức tranh vẽ chó Bob là “một trong những tác phẩm xuất sắc nhất và thú vị nhất của năm”.
Edwin Landseer được biết đến rộng rãi như một họa sĩ chuyên vẽ loài vật, nhưng chỉ loài chó mới được ông vẽ với thật nhiều tình cảm. Cùng thời với ông và cũng chuyên tâm vẽ các chú khuyển còn có nữ họa sĩ mang hai dòng máu Anh – Mỹ là Maud Alice Earl (1864-1943). Bà vẽ chúng với rất nhiều chủng loại và với niềm đam mê suốt đời. Ngoài ra còn có John Emms (1844-1912) cũng là một họa sĩ người Anh nổi tiếng với tranh vẽ chó kích thước rất lớn và tranh vẽ chó của ông có giá rất cao trên thị trường đấu giá hiện nay. Tại nhà đấu giá Bonhams ở New York, trong phiên đấu giá ngày 14-2-2006, bức tranh sơn dầu có tên Chó săn cáo giống mới, được John Emms sáng tác năm 1898, kích thước 104 x 157,5cm, đã được bán với giá kỷ lục 843.250 USD. Có lẽ đây là bức “chân dung chó” đạt mức giá cao nhất từ trước tới nay.
Tranh vẽ chó của Sir Edwin Landseer, Maud Alice Earl, John Emms và nhiều tác giả khác từ thế kỷ XVIII, XIX cho đến ngày nay đã được in trong tập sách Tranh vẽ chó – lịch sử phát triển của loài chó trong mỹ thuật do William Secord sưu tầm, biên soạn. William Secord cũng là một trường hợp đặc biệt trong lĩnh vực mỹ thuật ở phương Tây. Ông bận rộn với công việc kinh doanh các tác phẩm chỉ vẽ chó từ hơn 25 năm nay. Trong gallery của ông tại khu Manhattan của New York, đầy ắp tranh vẽ các chú khuyển từ các tác giả thế kỷ XIX đến đương đại. Trước khi làm nghề buôn tranh, William Secord là giám đốc đầu tiên của Bảo tàng về loài chó ở Mỹ đặt tại New York. Ông còn là tác giả của bốn bộ sách nặng ký, định vị loài chó trong lịch sử mỹ thuật phương Tây. Nguồn cơn để William Secord gắn bó với tranh vẽ chó là bởi người ta biết rất ít về các họa sĩ đã vẽ chó trong nhiều thế kỷ dù họ biết rõ và yêu quý loài gia súc đáng yêu này. Cả đời ông theo đuổi mục đích “làm thế nào để tranh vẽ chó thực sự là tác phẩm nghệ thuật, không chỉ là thứ để trang trí”. William Secord từng bán cho Bảo tàng Mỹ thuật Houston một bức tranh do họa sĩ danh tiếng John Sargent Singer (1856-1925) vẽ loài chó săn rái cá (otterhound), nay là một trong những tác phẩm được ưa thích nhất của bảo tàng.
Hội họa phương Tây hiện đại cũng dành vị trí đáng kể cho các chú khuyển. Chỉ riêng Pablo Picasso đã vẽ vài chục bức tranh có “nhân vật” chó. Được biết đến nhiều nhất là chú chó giống Dachshund thân dài, ngực nở, bụng hóp, lanh lợi với bốn chân rất ngắn. Chó Lump đã sống với Picasso suốt mười mấy năm và Lump cùng với chủ đều qua đời cách nhau chỉ vài tháng nhưng Lump đã bất tử trong tranh Picasso.
Trong hội họa phương Đông, hình ảnh chó xuất hiện được thấy trong tác phẩm của các họa sĩ cổ điển Trung Quốc, Nhật Bản, Triều Tiên nhưng không nhiều. Một bức tranh rất phổ biến tại Trung Quốc, được vẽ vào cuối đời nhà Thanh (thế kỷ XIX) mô tả truyền thuyết Trương Tiên bắn cung xua đuổi Thiên cẩu, con chó mực được tin là sẽ nuốt chửng Mặt trăng và Mặt trời khiến trần gian ngập trong bóng tối u minh. Là vị thần của sự sinh nở và bảo vệ trẻ em, Trương Tiên cũng là kẻ thù của Thiên cẩu nên luôn tìm cách xua đuổi loài chó yêu nghiệt này.