Đài Loan trước nay là một trong những nhà đầu tư lớn tại Việt Nam, nên các doanh nghiệp Đài Loan cũng nhận được nhiều sự ưu ái khi đầu tư. Ví dụ như việc Formosa đang được hưởng những chính sách ưu đãi “chưa có tiền lệ” khi đầu tư dự án gang thép 8 tỉ USD tại khu kinh tế Vũng Án, Hà Tĩnh. Trong đó, có việc miễn tiền thuê đất 15 năm, được hưởng mức thuế thu nhập doanh nghiệp 10%, miễn thuế này trong bốn năm đầu và giảm 50% trong chín năm tiếp theo. Ngoài ra, dự án còn nhận được nhiều ưu đãi khác. Từ những ưu đãi đó, gần đây có nhiều thông tin cho biết các doanh nghiệp Đài Loan muốn đầu tư mạnh hơn nữa vào Việt Nam, thậm chí các doanh nghiệp còn tính đến chuyện dịch chuyển các cơ sở sản xuất từ Trung Quốc sang Việt Nam.
Một chuyên viên cao cấp của Công ty Kiểm toán E&Y cho biết, ngành dệt may và hàng công nghiệp truyền thống của Việt Nam đang được nhà đầu tư Đài Loan rất chú ý. Họ đang tìm kiếm nhiều thông tin, trao đổi với các công ty tư vấn và thường xuyên đến Việt Nam thăm dò thị trường. Bên cạnh đó, nhiều doanh nghiệp Đài Loan có quá trình hoạt động lâu nay trong ngành dệt may Việt Nam sẽ tiếp tục mở rộng đầu tư vào ngành này. Việc đầu tư vào dệt may của các doanh nghiệp Đài Loan không chỉ tận dụng nhân công giá rẻ mà đang nhìn thấy được tiềm năng phát triển rất lớn của ngành dệt may Việt Nam. Bởi Việt Nam đang tăng tốc để hoàn thiện dần chuỗi sản xuất xuyên suốt từ nguồn cung cấp từ bông, sợi đến dệt, nhuộm và hoàn tất để làm hàng may mặc xuất khẩu nhằm chuẩn bị cho Hiệp định TPP và Hiệp định FTA Việt Nam – EU.
Thông tin này rõ ràng là không vui với ngành dệt may lẫn cơ quan quản lý. Bởi sau 25 năm từ khi có Luật Đầu tư nước ngoài thì việc thu hút đầu tư có chọn lọc đã được định hình rõ nét. Chúng ta cần các nhà đầu tư với các dự án sản xuất có sức lan tỏa, vốn và công nghệ ở tầm giúp cho Việt Nam rút ngắn khoảng cách với nhiều nước phát triển hoặc bù vào những lĩnh vực mà lâu nay Việt Nam đang thiếu hụt, phải tốn nhiều ngoại tệ nhập khẩu. Đặc biệt, là sản xuất các nguyên phụ liệu, hàng công nghiệp phụ trợ để phát triển các mặt hàng xuất khẩu vốn đang rất yếu và thiếu lâu nay.
Vì vậy, nhiều chuyên gia tư vấn cho rằng Việt Nam cần đặt ra mục tiêu thu hút (ngay cả khi cần là cản trở) nhà đầu tư nước ngoài vì những định hướng phát triển kinh tế cụ thể trong từng giai đoạn, dù mục tiêu chung vẫn là tạo công ăn việc làm cho người lao động, phát triển thị trường nội địa, thêm cơ hội làm ăn cho doanh nghiệp trong nước…
Ở mặt ngược lại, kinh nghiệm cho thấy để thu hút được dòng vốn từ Đài Loan, dù ở bất cứ lĩnh vực nào cũng không phải dễ dàng. Một doanh nghiệp Đài Loan cho biết, điều khiến các nhà đầu tư lo ngại là chính là sự minh bạch về thông tin của doanh nghiệp Việt Nam, đặc biệt là chất lượng các báo cáo tài chính. Theo đó, các nhà đầu tư Đài Loan khẳng định ngay cả khi với mức lợi nhuận đầu tư hấp dẫn, Việt Nam vẫn cần giải quyết các vấn đề như hiệu quả của hệ thống tài chính và việc kiểm soát vốn nếu muốn thu hút thêm đầu tư.
Mạnh Linh