Người đầu tiên phát minh ra ghế văn phòng chính là nhà sinh vật học nổi tiếng Charles Darwin. Ông đã khéo léo thêm các bánh xe vào chân ghế để có thể di chuyển nhanh chóng giữa kho mẫu vật.
Ngày nay ghế văn phòng có hai tính năng chính là xoay tròn 360 độ và di chuyển trên bánh xe nhỏ để dễ dàng tiếp cận không gian làm việc và tiết kiệm năng lượng di chuyển. Các đặc điểm tiện nghi như điều chỉnh độ cao, lưng tựa, gác tay giúp phòng tránh sự mệt mỏi và đau lưng khi phải ngồi suốt một thời gian dài.
Ghế đắt tiền, “full options” giúp chủ nhân thoải mái nhất?
Sản phẩm có tiện nghi thuộc hàng “top” với giá cao ngất ngưỡng là sản phẩm tốt nhưng không phải úc nào cũng hữu ích. Rõ nhất có những vị phải đổi rất nhiều ghế “boss” hay ghế “director” mà vẫn đau lưng. Đơn giản đó là vì ghế ông giám đốc ngồi lại do anh vật tư đi lựa theo tiêu chí “chú cứ chọn ghế nào tốt nhất ấy, tớ duyệt ngay”, rốt cuộc cũng giống như nhờ hàng xóm đi lựa giày theo chân của họ để cho… mình đi, hên lắm mới vừa.
Tiêu chí phù hợp với thể tạng và công việc mới giúp chọn lựa ghế đúng. Ghế văn phòng cũng chia ra nhiều loại như xe đua phải khác với xe du lịch hay xe tải, mỗi kiểu một công dụng riêng.
Phong phú ghế văn phòng
Ghế giám đốc: đặc trưng kích cỡ lớn, lưng cao hơi ngửa, gác tay thường cố định, thiết kế cầu kỳ như bọc da và có tính năng sưởi ấm – massage. Lưng ghế đặc biệt có thể bật ngửa chuyển sang tư thế nửa nằm để thư giãn. Loại ghế này thường to cao, nệm dày nên đa số người Việt ngồi trên “ngai”… không chạm chân tới đất. Muốn viết phải chồm tới trước không tựa được lưng. Nếu ghế không có chức năng khóa ngửa thì vừa tựa lưng vào sẽ bật ra ngay, khó làm việc. Bí quyết: dành cho người cao trên 1,7m, không bố trí ở bàn để vi tính, thích hợp nghiên cứu tài liệu cầm tay trong khi tựa lưng.
Ghế vi tính: thường được gọi là ghế nhân viên, ghế thư ký với thiết kế đơn giản. Lưng tựa không quá vai luôn giữ lưng thẳng góc 90 độ. Gác tay gọn nhẹ có thể được tinh giản hoặc điều chỉnh được độ cao. Tuy nhiên nhân viên cũng có kẻ nặng người nhẹ, cao thấp khác nhau nên kích cỡ ghế cũng cần phù hợp chứ không thể “cá mè một lứa” dù trông không đều mắt lắm.
- Xem thêm: Tránh đau vai cổ khi sử dụng máy tính
Bí quyết: gác tay chỉ phát huy tác dụng khi bố trí bàn phím vi tính hạ thấp đúng tầm ngang khủy tay, hãy mạnh dạn tháo bỏ gác tay nếu cao quá khuỷu hoặc hẹp hơn khổ người.
Ghế phòng họp – hội nghị (conference chair): thường là ghế da, lưng cao hơi ngửa tạo sự trang trọng nhưng ít tính năng hơn ghế giám đốc.
Ghế văn phòng có vòng gác chân (drafting chair): tiện lợi khi làm việc ở quầy cao.
Ghế hiện đại: có thiết kế mang tính đột phá với kiểu dáng mềm mại đẹp mắt. Vật liệu sử dụng cũng rất đa dạng như plastic, inox, lưới thông khí…
Ghế tiếp khách: cũng được xếp vào loại ghế văn phòng với bốn chân cố định, lưng tựa hơi ngửa. Nên nhớ loại ghế này không thuận lợi để “mượn” ngồi làm vệc lâu.
Chọn ghế tốt, có hết đau lưng?
Khâu tuyển lựa ghế văn phòng phù hợp nhu cầu mới là một nửa. Ngồi vào ghế có sáu bước điều chỉnh nhỏ giúp làm việc thật thoải mái:
- Khuỷu tay: Ngồi thẳng lưng gần bàn làm việc, cánh tay xuôi dọc thân người, bàn tay đặt lên bàn phím hay mặt bàn, chỉnh độ cao sao cho khuỷu tay gập khoảng 90 độ.
- Đùi: luồn ngón tay vào giữa mặt dưới đùi và ghế thấy dễ dàng là tốt. Nếu chật quá thì kê bàn chân thêm, còn nếu hở rộng quá do “chân dài” thì nâng ghế và nâng bàn làm việc lên tương ứng.
- Bắp chân: ngồi tựa thắt lưng vào lưng ghế, khoảng cách giữa bắp chân và mép ghế nên vừa vặn một nắm tay. Nếu hẹp quá nghĩa là ghế hơi “sâu” thì dùng thêm gối nhỏ đệm thắt lưng hoặc đổi ghế mới.
- Đệm thắt lưng: giúp nâng đỡ đĩa đệm cột sống và tránh bị cúi chồm tới trước hay ngồi thụng lưng.
- Tầm mắt: mặt nhìn tới trước hơi xuống khoảng 30 độ sẽ đỡ đau cổ. Khi đó đỉnh màn hình vi tính thường ngang độ cao với mắt.
- Gác tay: độ cao vừa phải giúp đỡ nhẹ khuỷu tay. Xin lưu ý thói quen ngồi tỳ lên gác tay hoặc gác tay cao quá dễ gây viêm chu vai và đau vai cổ.
Với những “bí kíp” trên, chúng ta phát hiện ra kiểu làm việc mọi lúc mọi nơi như ngồi quán hay đặt máy tính lên đùi đều ẩn chứa nguy cơ đi gặp… bác sĩ!!! Và trên hết chúng ta nên thường xuyên tập luyện thể lực cũng như tránh ngồi liên tục quá lâu để gân cốt ngon lành.
- Xem thêm: 7 nguyên nhân gây đau lưng không ngờ tới