“Rắc rắc…”! Anh ấy bẻ cổ liền vài cái, bên này rồi lại bên kia nữa như Lý Tiểu Long sắp lâm trận. Bóp bóp bả vai, đập đập cần cổ thêm chục phát cho sướng, nhưng mà sao vẫn còn ê ê. Đã ba tiếng dán mắt vào màn hình mà việc vẫn chưa xong, chắc phải dán cao thôi!
Cảnh này chúng ta thường gặp đến nỗi có thể nói “không đau vai cổ không phải dân văn phòng”. Đôi khi làm như vậy chưa ăn thua nên có người còn đi tẩm quất, mát-xa để được thư giãn. Một số khác thì thoa dầu nóng, dán thuốc, giác hơi đủ kiểu. Có điều gần như chắc chắn cảm giác đau nhức đó không dễ dàng gì “bứng” đi được!
Tại sao bị đau?
Cột sống cổ có quá nhiều nhiệm vụ như nâng đỡ, góp sức trong cử động vai và cánh tay, giữ thăng bằng cho cơ thể. Công việc bàn giấy “hành hạ” cột sống cổ bằng các tư thế xấu như thường xuyên cúi đầu tới trước, xoay đầu qua lại, cúi đầu lên xuống liên tục. Ngoài ra cổ phải chịu lực nhiều hơn khi chạy nhảy, chơi thể thao, đi xe và mang nón bảo hiểm. Chúng ta vận dụng sức vùng cổ hầu như suốt thời gian thức tỉnh nên khó tránh mệt mỏi và đau nhức.
Đau vai cổ do làm việc văn phòng thường được bác sĩ chẩn đoán là đau “cơ năng”. Cảm giác đau có thể lan lên vùng gáy hoặc lan xuống phía sau hai bả vai. Thỉnh thoảng một số người còn bị “đơ cổ”, nhất là trong môi trường quá lạnh: đầu bị ngoẹo qua một bên, rất đau và khó quay đầu thẳng trở lại. Thói quen lắc cổ nghe “rốp rốp” khi bị nhức mỏi cũng có thể gây ra những chấn thương nhỏ, rách gân – cơ – dây chằng vùng cổ, gây đau kéo dài.
Đa số trường hợp đau cổ “cơ năng” tự khỏi sau vài ngày. Nhưng cái khó là mỗi ngày vẫn phải làm những công việc đó, cùng những động tác đó nên thường xuyên bị tái phát nhiều lần. Về lâu dài có thể chuyển sang tình trạng thoái hóa cột sống cổ, chèn ép rễ thần kinh gây tê tay.
Đau cổ do máy tính bảng
Đây là bệnh thời đại @. Máy tính bảng gọn nhẹ đang dần trở thành người bạn thân thiết mới của doanh nhân thay cho cái laptop cồng kềnh. Đúng là có nhẹ gánh đôi vai nhưng lại dây vào chuyện khác: tư thế sử dụng. Thường máy tính bảng đặt trên đùi hay trên bàn nằm ngang, khi đọc đầu phải cúi xuống, thế là đau cổ!
Phòng tránh có dễ không?
Khó, nhưng làm được. Đó là chú ý tư thế làm việc và tập luyện cho khỏe.
Bí quyết đưa mọi thứ về ngang tầm mắt sẽ giúp hết đau cổ. Nâng bàn làm việc lên vừa tầm, thỉnh thoảng ngẩng đầu một lúc về tư thế trung tính, tránh cúi đầu nhướng mắt khi mang kính. Tư thế tự nhiên là cằm hơi nâng lên, tựa lưng, giữ thẳng trục lỗ tai và vai sẽ thoải mái nhất.
- Xem thêm: 4 cách khiến não hoạt động tốt hơn
Màn hình vi tính dù lớn hay nhỏ cũng nên đặt đỉnh màn hình ngang tầm mắt hoặc hơi thấp hơn một chút. Khoảng cách đến màn hình từ 60 – 80cm là thích hợp. Bàn phím không nên để quá thấp làm mỏi nhóm cơ nâng vai. Những người không thuộc lòng bàn phím nên bố trí bàn phím gần màn hình để tránh phải cúi ngẩng đầu lên xuống nhiều lần.
Tập luyện bổ trợ giúp cơ vùng cổ có được độ dẻo, sức mạnh và hoạt động trơn tru. Đừng phạm sai lầm chờ đến khi bị đau mỏi thực sự thì mới chịu tập, chẳng khác nào hành hạ cho đau thêm. Tốt nhất chúng ta nên tập vào buổi sáng và lặp lại vài lần trong các buổi giải lao. Nguyên tắc trước khi tập luôn phải xoa ấm cơ, trong lúc tập phải thật nhẹ nhàng, chậm rãi.
1. Thả lỏng và nghiêng đầu ra trước, hít chầm chậm vào giữ vài giây, thẳng đầu trở lại rồi thở ra. Tiếp tục với các hướng phía sau, phải, trái. Đừng gồng cơ. Tập năm lần.
2. Giữ thẳng đầu, cố gắng cúi tới trước trong khi tay chống lại trước trán ngăn cho đầu không nhúc nhích. Thực hiện tương tự với phía sau, phải, trái. Chỉ cần dùng một lực vừa phải và giữ trong năm giây cho mỗi động tác. Tập năm lần.
3. Tay giữ một bên mặt, ngăn không cho đầu xoay qua hướng đó và giữ trong năm giây. Sau đó đổi bên. Tập năm lần.
Còn sau buổi làm việc hoặc chơi thể thao thì sao? Đây là lúc chúng ta để cho cột sống cổ thư giãn bằng cách kết hợp nhiệt trị liệu và mát-xa. Đơn giản nhất là nằm nghỉ có gối mỏng tựa dưới cổ trong 10 phút. Sau đó xoa ấm bằng tay không, chườm ấm, hoặc xịt nước ấm 5-10 phút giúp tái lập tuần hoàn và làm mềm cơ. Kế đến áp dụng vài bài mát xa ngắn như sau:
1. Vuốt dọc cơ cổ đi từ gáy xuống vai, 30-50 lần mỗi bên.
2. Dùng cạnh bàn tay hoặc cườm tay chà nhẹ dích dắc từ gáy đi dần xuống vai, 30 lần mỗi bên.
3. Dùng các ngón tay ấn vào cạnh cột sống cổ hai bên, day nhẹ chậm rãi 30-50 vòng tùy thích.
Cuối cùng nằm nghỉ thêm 5-10 phút nữa để tận hưởng cảm giác thư thái hoàn toàn trước khi chúng ta trở lại các sinh hoạt thường ngày.
- Xem thêm: Cười và chữa bệnh với yoga cười
Khi nào đến gặp bác sĩ?
Đau vai cổ kéo dài nhiều tuần. Tê buốt rần rần lan xuống hai tay. Nếu những khó chịu này ảnh hưởng đến sinh hoạt và lao động là lúc cần đến bác sĩ kiểm tra X quang và điều trị chuyên sâu.