Có lẽ có nhiều người cũng như tôi không được cái may mắn đến Huế dự Festival 2004 nhưng được xem truyền hình trực tiếp đêm “lễ hội áo dài” Festival năm nay cũng đủ thấy… đã lắm rồi!
Thực vậy, đã lâu lắm mới có được một buổi trình diễn thời trang áo dài trong một không khí thuần túy Việt Nam tuyệt vời đến vậy!
Một không gian huyền ảo lung linh sóng nước, dưới chân Kỳ đài uy nghiêm với sân khấu nổi bập bềnh, giữa dòng Nhị Hà lờ lững đầy sen hòa sắc tím với những tà áo dịu dàng trên những chiếc thuyền con nhẹ lướt làm nhớ đến một câu thơ Đường ngàn năm cũ.
Tiếng vĩ cầm dìu dặt một âm điệu quen thuộc mà rờn rợn bên bờ thành xưa “mưa vẫn mưa bay trên tầng tháp cổ, làm sao em biết bia đá không đau”…
Những chiếc áo dài lộng lẫy mà tha thướt, đoan trang mà yểu điệu, kín đáo mà buông lơi, nền nã mà tươi trẻ với nét mặt thanh thoát, những nụ cười e ấp của những người mẫu chuyên và không chuyên, những nụ cười không nở mà tươi, kín đáo mà đằm thắm của những cô gái Huế trên một nền nhạc hoàn toàn Việt Nam chưa từng thấy ở những sàn diễn thời trang trước đây.
Những hình ảnh lung linh đáy nước của những bước đi khoan thai dưới ánh đèn lồng mờ tỏ gợi một thuở liêu trai. Rồi một khúc Tình ca “em ơi nghe chăng lời trái tim vọng ra”, một Huyền thoại mẹ “đêm chong đèn ngồi nhớ lại”… nhắc nhở bao điều. Rồi Lá đỏ “trên cao lộng gió” rồi Tiếng xưa “ai đó tri âm biết cùng” như hòa lẫn với sắc màu vải lụa quen thân. Đặc biệt là cách giới thiệu các nhà thiết kế thời trang lần này!
Người thì nghiêng bóng bên bờ thành nội, người thì dạo phố với xích lô, ai cũng nở một nụ cười rạng rỡ trên môi. Sức sống như toát ra từ những niềm vui, sự hãnh diện, không cần giấu giếm. Thật khác với những lần trình diễn thời trang trước đây, nhà thiết kế cứ ngượng ngùng tội nghiệp lọt tõm giữa những người mẫu diêm dúa, õng ẹo.
- Xem thêm: Chuyện dài… trang phục
Áo dài của Anh Vũ thì dịu dàng, trang nhã, xưa mà không cũ, nụ cười nhẹ thoáng trên môi người mẫu như những đốm lửa hồng trong ngày bão rớt, như nhắc ta “yêu đời đi nhé”; của Ngân Khai thì trong trẻo cùng những chiếc thuyền nhẹ lướt giữa hồ sen và những tà áo tím một chiều lang thang, Công Khanh phá phách một chút, lạ thì có lạ nhưng cũng hơi xa, bởi những cánh tay ngà ngọc vốn cần được chiếc áo dài che giấu như “loài sâu ngủ yên” hơn là bày tỏ, khêu gợi. Rồi Việt Liên với Hạ trắng, “áo xưa dù nhàu cũng xin bạc đầu gọi mãi tên nhau”. Rất đẹp.
Thu Giang thì tươi trẻ, nhí nhảnh. McKenzie trong sáng, trẻ trung, nhưng có lẽ vì cô là một người ngoại quốc chưa đủ thẩm thấu với tà áo dài Việt Nam nên có vẻ gần gũi với chiếc robe Tây phương trong những dạ hội. Sỹ Hoàng có nét riêng dễ nhận ra, sang trọng và vương giả với sắc vàng nền nã, đậm đà trên nền nhạc “chờ hoài nhau trong mơ, nhưng có bao giờ thấy nhau lần nữa”…
Trọng Nguyễn với tím nhạt, tha thướt, yêu kiều… Và còn nhiều nữa! Cuối cùng là Minh Hạnh, dịu dàng mà thanh thoát, tươi tắn mà thùy mị, như ngàn cánh bướm lượn chập chờn. Nhạc nền với Hòn vọng phu ở đây có lẽ phù hợp với những bước đi nhưng có cái gì đó ray rứt, thân phận, “đá mòn nhưng hồn chưa mòn giấc mơ?”.
Nhưng hình như vẫn còn thiếu một chút gì đó? Phải rồi, thiếu gió! Trừ Minh Hạnh tinh tế cho những bộ áo dài thời trang của mình một chút gió nhờ đôi cánh của những chiếc khăn choàng, còn thì các nhà tạo mẫu khác ít chú ý tới gió.
Có người từng hỏi rằng cái áo dài của người phụ nữ Việt Nam có gì hay hơn sườn xám hay kimono? Nhiếp ảnh gia nổi tiếng Nguyễn Cao Đàm trước kia đã trả lời: có gió. Áo dài phải có gió. Bộ áo mà bó sát quá, cứng nhắc quá, thì giống kimono; hở hang quá, mỏng tanh quá… thì giống sườn xám.
Áo dài đi đến đâu cũng được trầm trồ thán phục: “Chời ơi! Áo dzài” ấy là nhờ có gió. Nó gắn với gió, nó mang theo gió. Nó có tới “ba phần gió thổi một phần mây” như nhà thơ Nguyên Sa phát hiện. Còn Hàn Mặc Tử thì kêu lên: “Áo em trắng quá nhìn không ra! Ở đây sương khói mờ nhân ảnh”! Không chỉ có gió, có mây mà còn có cả sương cả khói.
- Xem thêm: Đã thấy nụ cười
Có người “trần tục” nhận xét rằng nhìn người phụ nữ Việt Nam mặc áo dài thấy nửa trên bó sát thân người đầy hấp dẫn mà dõi mắt nhìn xuống thì chỉ còn thấy… gió! Cái trần tục đành tắt ngấm. Cho nên mặc áo dài mà đứng yên chưa chắc hơn các cô gái Âu Á khác mặc áo dân tộc của họ, nhưng mặc áo dài mà đi, mà múa, mà đạp xe… thì hơn hẳn, thanh thoát bay bướm không ngờ!
Bèn trộm nghĩ giá mà các nhà tổ chức chịu khó thiết kế một cái cầu nho nhỏ uốn quanh lại có một luồng gió nhè nhẹ tốc lên… khi những tà áo đi qua chắc sẽ tạo một hình ảnh qua cầu gió bay tuyệt vời chăng?
Cứ tưởng tượng các cô người mẫu cuống quít vin lấy tà áo, vuốt lại mái tóc thề mà mỉm một nụ cười hồn nhiên tươi tắn… Cảm ơn Huế, cảm ơn Minh Hạnh, cảm ơn Vĩnh Phúc… và tất cả!
Hẹn thư sau. Thân mến.