Những chương trình thu mua tài sản gần đây của FED được cho là vì mục đích giữ chi phí vay vốn dài hạn ở mức thấp và thúc đẩy đầu tư, nhưng đã bị công kích mạnh mẽ không chỉ tại Mỹ mà còn ở nhiều nước khác vì chúng tác động trực tiếp và tiêu cực đến giá trị tiền tệ ở nhiều thị trường đang phát triển, bao gồm Đông Âu, Nam Á và Mỹ La tinh. Sau khi bị Quốc hội Mỹ chất vấn về những nguy cơ tiềm tàng của các phương pháp nới lỏng định lượng của FED đối với nền kinh tế Mỹ, ông Ben Bernanke lại phải đối mặt với lời cáo buộc về tài hùng biện “cuộc chiến tiền tệ”, mặc dù chính ông chưa bao giờ sử dụng thuật ngữ ấy. Đáp lại, Chủ tịch FED kêu gọi các nhà hoạch định kinh tế thế giới nên phân biệt giữa một chính sách tiền tệ nhắm đến các mục đích quốc gia và việc kích thích thương mại thông qua tái đánh giá tỷ giá tiền tệ và các chính sách bảo hộ kinh tế khác.
Ông Ben Bernanke – Chủ tịch Cục Dự trữ liên bang Mỹ
Trong buổi thuyết trình trước một nhóm học giả hàn lâm tại London, ông Bernanke tái khẳng định rằng sự hội nhập của nền kinh tế toàn cầu sẽ giúp cho cả thế giới có một viễn cảnh tươi sáng hơn vì sự tăng trưởng tích cực tại mỗi nền kinh tế sẽ mang đến những lợi ích nhất định cho nhiều nền kinh tế khác thông qua các mối quan hệ thương mại. Những chính sách mà Mỹ áp dụng không hề dựa trên nền tảng “bần cùng hóa đối phương”, mà song phương cùng có lợi, tức là “làm giàu cho cả hai”. Nhằm phản ứng trước cơn khủng hoảng tài chính và suy thoái nặng nề vừa qua cũng như tiến trình hồi phục yếu kém sau đó, FED không chỉ hạ lãi suất qua đêm đến mức 0%, mà còn tiến hành mua tài sản có giá trị hơn 2,5 ngàn tỉ USD thông qua nhiều công cụ, trong đó có trái phiếu chính phủ. Giới bình luận tại Mỹ tin rằng FED đã mở rộng giới hạn của bản cân đối kế toán lên một mức khổng lồ, hiện tại là khoảng hơn 3,1 ngàn tỉ USD, góp phần làm tăng nguy cơ lạm phát trong tương lai. Thế nhưng, ông Bernanke nhấn mạnh rằng trong thời gian trước mắt, lạm phát tại Mỹ được dự báo chỉ nằm ở khoảng 2% hoặc thấp hơn. Hiện nay, tăng trưởng kinh tế vẫn còn là một thách thức lớn đối với nước Mỹ vì dù đã có sự cắt giảm chi tiêu mạnh mẽ của Washington nhưng cơn lốc từ các thị trường tài chính trên toàn châu Âu đang bao phủ bầu trời nước Mỹ. Các nhà phân tích kinh tế tin rằng GDP của Mỹ sẽ tăng khoảng 2% trong năm nay, còn giới quan chức của FED tỏ ra lạc quan hơn, hy vọng con số ấy có thể lên đến mức cao nhất là 2,7%.
Lâm kiên theo Reuters