Họ cho rằng cơ quan tài chính hàng đầu thế giới này chỉ nhắm chủ yếu vào việc tăng trưởng kinh tế cho tất cả các thành phần trong xã hội mà không quan tâm đến việc tái phân phối thu nhập của các giai tầng bên trên vốn nắm giữ một khối tài sản lớn trong cộng đồng.
Maruf, 12 tuổi, làm ở một xưởng ôtô tại Naya Nagar (Ấn Độ), với đồng lương tương đương 6 USD/tháng
Theo các dữ liệu công bố gần đây, sự bất bình đẳng về thu nhập toàn cầu đã lên đến mức cao nhất trong vòng 20 năm qua. Tháng 11-2012, tổ chức thiện nguyện Save the Children công bố một báo cáo cho thấy kể từ thập niên 1990 đến nay, khoảng cách giữa những trẻ em giàu nhất và nghèo nhất đã tăng đến 35%; điều này đang trở thành nguy cơ đe dọa khả năng hoàn thành một trong những mục tiêu phát triển thiên niên kỷ quan trọng vào năm 2015. Theo nhận định của Alex Cobham, nhà nghiên cứu thuộc văn phòng châu Âu của Trung tâm Phát triển Toàn cầu (CGD) tại Washington, vấn đề không chỉ đơn thuần xác định những thành phần đang sống dưới đáy xã hội để giúp cho họ sống tốt hơn, mà còn phải nhận diện những thiệt hại mà sự bất bình đẳng đã tạo ra cho toàn xã hội. Nội dung của bản dự thảo vừa bị rò rỉ của WB chứa đựng hai yếu tố chính: một là trong mục tiêu chấm dứt nạn nghèo đói trên toàn hành tinh, WB nhắm tới việc giảm số người sống trong sự “nghèo đói cùng cực” (thu nhập dưới 1,25 USD/ngày) xuống còn 3% vào năm 2030; và hai là “chia sẻ sự thịnh vượng” nhằm tăng thu nhập cho 40% dân số sống chật vật nhất ở mỗi nước.
Nhận định về hai mục tiêu này, David Woodward, nguyên cố vấn Quỹ Tiền tệ Quốc tế (IMF), nay là cố vấn tổ chức New Economics Foundation (Anh), cho rằng mục tiêu tăng thu nhập cho 40% dân số nghèo nhất ở mỗi nước là việc làm đáng được hoan nghênh, nếu được đặt ưu tiên trên mục tiêu tăng trưởng kinh tế chung. Tuy nhiên, cũng theo Woodward, trên thực tế, mọi việc diễn ra theo chiều ngược lại. Về phần mình, WB không bình luận gì về sự rò rỉ thông tin vừa qua, một người phát ngôn của tổ chức này cho biết đây là bản dự thảo sớm nhất và chắc chắn cần được xem xét kỹ trước khi hoàn tất. Dự thảo thể hiện tầm nhìn của chủ tịch WB, ông Jim Yong Kim, trong một bài diễn văn đọc tại Tokyo (Nhật Bản) vào mùa thu năm 2012. Bình luận về vấn đề này, ông Didier Jacobs, người phát ngôn tổ chức Oxfam International, cho rằng WB nhìn nhận sự bất bình đẳng là kẻ thù của việc phân chia thu nhập trong xã hội, điều đó đúng, nhưng lịch trình thực hiện điều này cần được xúc tiến một cách rõ ràng hơn, xác thực hơn và tiến xa hơn. Theo Jacobs, “cổ vũ cho sự gia tăng thu nhập của 40% dân số sống thiếu thốn nhất ở mỗi nước là một hành động chứ không phải mục tiêu. WB cần cam kết đưa cuộc sống của số 40% này tiến nhanh hơn so với mức bình quân chung và giảm mức sai biệt giữa những giai tầng ở trên cao và dưới đáy xã hội”.
Lê Nguyễn tổng hợp