Sau nhiều tuần lễ đấu khẩu với các đòn hù dọa lẫn nhau giữa hai nền kinh tế lớn nhất, Trung Quốc lần đầu tiên khai hỏa. Bộ Thương mại nước này hôm 4-4 cho biết sẽ áp dụng biện pháp tăng thuế từ 15 đến 25% nhắm vào gần 130 sản phẩm của Hoa Kỳ nhập vào thị trường đông dân nhất hành tinh.
Dù vậy quả pháo đầu tiên này được các nhà quan sát đánh giá là khá chừng mực. Đây có phải là một nước cờ để nắn gân Mỹ, trong lúc Bắc Kinh vẫn kỳ vọng Washington không lao vào một cuộc chiến tranh thương mại mà cả hai cùng biết là sẽ bất lợi.
Thế nhưng hiện nay mỗi bên đang tính toán những gì?
Trước hết về phía Trung Quốc, trong lúc Washington dọa đánh vào 60 tỉ USD hàng nhập của Trung Quốc sang Hoa Kỳ, thì Bắc Kinh phản công lại một cách nhẹ nhàng hơn là sẽ “tấn công” vào 3 tỉ USD, tương đương với 2% tổng kim ngạch xuất khẩu của Mỹ sang nước đông dân nhất hành tinh. Trung Quốc tuyệt đối không đụng đến những mặt hàng thiết thực với đời sống hằng ngày của hơn 1,4 tỉ dân của họ.
Trung Quốc tạm thời tránh áp thuế lên xe hơi Mỹ hay những sản phẩm của Mỹ rất được người Trung Quốc ưa chuộng như điện thoại di động mang nhãn hiệu quả táo, mà 310 triệu chiếc đang lưu hành tại Trung Quốc.
Có hai cách giải thích cho thái độ chừng mực này. Một số chuyên gia cho rằng, có thể hiểu đợt phản công đầu tiên của Bắc Kinh đi theo hướng “vừa đánh, vừa ngóng” xem phía Hoa Kỳ phản ứng thế nào và dùng đòn trả đũa đúng liều, để chính quyền Trump phải suy nghĩ kỹ trước khi lao vào một cuộc chiến thương mại. Đồng thời về mặt đối nội, phản ứng nhanh chóng của Bắc Kinh nhằm chứng minh với người dân nước này rằng Trung Quốc thực sự không khoanh tay ngồi nhìn hay chịu lép vế Mỹ.
Cách lý giải thứ hai đơn giản hơn là Trung Quốc ý thức được rằng hai nền kinh tế số 1 và số 2 lệ thuộc vào nhau đến mức độ nào. Đành rằng Bắc Kinh đủ sức trả đũa nhắm vào các lĩnh vực công nghệ mũi nhọn của Mỹ, nhưng khi nhìn kỹ vào vấn đề thì bài toán không đơn giản.
Theo nghiên cứu của Ngân hàng Đức Deutsche Bank, Trung Quốc đem về 20% doanh thu cho hãng Apple, là khách hàng lớn nhất của hãng chuyên về công nghệ điện thoại di động Qualcomm (65% doanh thu); 45% máy tính Texas Instrument bán ra là để phục vụ các khách hàng Trung Quốc. Số lượng xe hơi General Motors bán ra trên thị trường Trung Quốc cao gấp đôi so với ở Hoa Kỳ.
Nhưng tất cả những sản phẩm nói trên đều được lắp ráp ngay trên đất Trung Quốc để phục vụ người dân Trung Quốc. Vì vậy, thiệt hại của những tập đoàn này sẽ ảnh hưởng trực tiếp tới người lao động Trung Quốc. Đó là điều mà Bắc Kinh không muốn xảy ra, theo như ghi nhận của các chuyên gia thuộc Ngân hàng Deutsche Bank.
Dưới lăng kính của tờ báo tài chính Anh Financial Times, Bắc Kinh rất khéo léo trong chiến thuật vừa đánh, vừa xoa. Bên cạnh những tuyên bố cứng rắn, trong hậu trường, Bắc Kinh đã đồng ý mở cửa thị trường tài chính cho các tổ hợp ngoại quốc và đã sẵn sàng cho nhập khẩu thêm các mặt hàng điện tử của Mỹ theo yêu cầu của Washington. Có điều Trung Quốc đợi thời điểm thuận tiện mới thông báo đầy đủ hơn các bước đi hòa hoãn này. Financial Times trích một số nguồn tin thân cận với chính phủ Trung Quốc cho rằng, có nhiều khả năng thời điểm thuận lợi nói trên là nhân dịp Diễn đàn Kinh tế Bát Ngao diễn ra trong tuần này.
Về phía Washington, chiến lược của Nhà Trắng cũng đã được giới phân tích giải mã. Tổng thống Trump dùng đòn hù dọa, để cuối cùng buộc đối phương nhượng bộ, như là điều ông đã dễ dàng đạt được với Hàn Quốc. Nhưng Washington thừa biết Trung Quốc là một đối thủ khó vượt qua hơn.
Tổng thống Donald Trump căn cứ vào mức nhập siêu của Hoa Kỳ với bạn hàng Trung Quốc lên tới 375 tỉ USD trong năm vừa qua và cho rằng suốt 15 năm liên tiếp, hai tổng thống tiền nhiệm George W. Bush và Barack Obama đã không thu hẹp được khoảng cách trong cán cân thương mại, bây giờ đã đến lúc ông phải ra tay.
Ở bước đầu, tổng thống Mỹ đánh thuế lên nhôm, thép của Trung Quốc, gây thiệt hại cho công nghệ nước này 9 tỉ USD. Bước kế tiếp, Nhà Trắng phạt thêm 60 tỉ USD và đòi Trung Quốc giảm 100 tỉ USD thâm thủng mậu dịch của Hoa Kỳ. Ông Donald Trump với giọng điệu không mấy ngoại giao cáo buộc thẳng thừng các doanh nghiệp Trung Quốc đánh cắp chất xám của Mỹ để thống lĩnh thế giới về các công nghệ tương lai.
Quyết định bất ngờ của ông Trump được đưa ra một ngày trước đó khi Bắc Kinh tuyên bố sẽ đánh thuế lên 50 tỉ USD hàng hóa của Mỹ, bao gồm đậu nành và máy bay cỡ nhỏ, để đáp trả hành động của Mỹ áp thuế lên 60 tỉ USD hàng nhập khẩu của Trung Quốc.
Tại Bắc Kinh, phát ngôn viên Bộ Thương mại Trung Quốc Cao Phong nói rằng Trung Quốc không muốn một cuộc chiến tranh thương mại – nhưng không ngại giao chiến: “Nếu phía Mỹ thông báo danh sách các sản phẩm trị giá 100 tỉ USD thuế nhập khẩu, thì phía Trung Quốc đã chuẩn bị đầy đủ và sẽ ngay lập tức phản kích quyết liệt”. Tuy nhiên ông Cao Phong không đưa ra chi tiết về những biện pháp mà Bắc Kinh có thể áp dụng.
Đề xuất của ông Trump có thể làm gia tăng cường độ cuộc đối đầu đang dần trở thành cuộc chiến tranh thương mại lớn nhất kể từ Thế chiến thứ Hai. Các thị trường tài chính toàn cầu đã giảm mạnh khi hai nền kinh tế lớn nhất thế giới khẩu chiến về các chiến thuật thương mại quyết liệt. Thị trường lắng dịu vào ngày thứ Tư và thứ Năm tuần trước với hy vọng Mỹ và Trung Quốc sẽ tìm ra một giải pháp ngoại giao nhưng lại sụt giảm vào thứ Sáu sau khi Bắc Kinh nói sẽ chống trả những đe dọa mới nhất của chính quyền Trump.
Nhà Trắng thông báo sau khi thị trường đóng cửa hôm thứ Năm rằng ông Trump đã chỉ thị cho Văn phòng Đại diện Thương mại Hoa Kỳ xem xét liệu 100 tỉ USD thuế nhập khẩu bổ sung có thỏa đáng hay không và nếu có thì xác định những sản phẩm nào nên bị đánh thuế. Ông cũng chỉ đạo bộ trưởng nông nghiệp của mình “thực thi kế hoạch bảo vệ nông dân và lợi ích nông nghiệp của chúng ta”.
Diễn biến mới nhất là hôm 6-4 chính phủ Trung Quốc tuyên bố sẽ “phản kích quyết liệt” nếu Tổng thống Donald Trump xúc tiến kế hoạch tăng thuế nhập khẩu của Mỹ thêm 100 tỉ USD hàng hóa của Trung Quốc và khẳng định các cuộc đàm phán sẽ không thể xúc tiến trong tình hình hiện tại.
Một tuyên bố của Bộ Thương mại Trung Quốc ngày 6-4 nói nước này sẽ đáp trả bằng bất kỳ giá nào để bảo vệ lợi ích của mình nếu Mỹ nhất quyết thực hiện các hành động bảo hộ thương mại.
Tuyên bố tái khẳng định Trung Quốc không sợ chiến tranh thương mại dù không mong muốn một cuộc chiến như vậy nổ ra. Bắc Kinh cũng cáo buộc Mỹ chính là bên đã kích động cuộc xung đột thương mại hiện nay giữa hai nước. Nếu nước Mỹ xem thường các mục tiêu của Trung Quốc và cộng đồng quốc tế, và quyết tâm theo đuổi chủ nghĩa đơn phương và chủ nghĩa bảo hộ thương mại, phía Trung Quốc sẽ hành động tới cùng, bằng bất kỳ giá nào, và kiên quyết đáp trả.
Truyền thông Trung Quốc ngày 6-4 cũng chỉ trích mạnh động thái của ông Trump, gọi đây là hành động “nực cười”, phản ánh tính ngạo mạn của một số thành phần thuộc giới tinh hoa Mỹ trong quan điểm của họ với Trung Quốc.
Các chuyên gia kinh tế thuộc Oxford Economics thì cảnh báo rằng một cuộc chiến tranh thương mại tổng lực có thể sẽ gây ra những hậu quả nghiêm trọng.
Theo một báo cáo của công ty nghiên cứu này, nếu xảy ra chiến tranh thương mại, tăng trưởng GDP của Mỹ và Trung Quốc sẽ giảm mạnh, với mức giảm có thể lên tới 1 điểm phần trăm.
Kịch bản mà Oxford Economics đưa ra cho trường hợp chiến tranh thương mại Mỹ – Trung cũng cho rằng tăng trưởng kinh tế toàn cầu sẽ chỉ đạt 2,5% trong năm 2019, thay vì mức tăng 3% nếu không có chiến tranh thương mại.
Theo các nhà phân tích, cuộc chiến thương mại xảy ra thì ông Tập Cận Bình của Trung Quốc có lợi thế hơn ông Trump của Mỹ. Sự kiểm soát và quyền lực tuyệt đối của ông Tập đối với hệ thống chính trị và truyền thông Trung Quốc đồng nghĩa với việc chính sách của ông sẽ không vấp phải nhiều chỉ trích. Trong khi đó, khi giá cả hàng hóa và chi phí sản xuất tăng cao vì chiến tranh thương mại, các nhóm lợi ích, doanh nghiệp và người tiêu dùng Mỹ sẽ gây thêm sức ép với Trump, trong bối cảnh cuộc bầu cử quốc hội giữa kỳ sẽ diễn ra vào tháng 11 năm nay.
Một số chuyên gia kinh tế chỉ ra rằng lý do khiến những người tiền nhiệm của Trump thất bại khi gây sức ép thương mại với Trung Quốc là thiếu quyết tâm chính trị, điều mà hệ thống chính quyền của Washington không thể làm tốt như Bắc Kinh.
Vẫn theo các nhà phân tích, xã hội Trung Quốc đoàn kết hơn Mỹ khi đối diện với nguy cơ chiến tranh thương mại, giúp họ có cơ hội chiến thắng cao hơn.
Hầu hết người dân Trung Quốc sẽ ủng hộ mọi biện pháp đáp trả mà chính phủ đưa ra, vì họ biết rằng điều đó là cần thiết để bảo vệ lợi ích của mình. Nước Mỹ thì đang chia rẽ vì vấn đề này, phe đối lập sẽ trỗi dậy khi Mỹ hứng chịu thêm thiệt hại từ chiến tranh thương mại.
Hệ thống dân chủ kiểu Mỹ khiến chính quyền trở nên nhạy cảm hơn trước sức ép từ các doanh nghiệp và người tiêu dùng trong nước, khi tranh chấp thương mại làm giá cả hàng hóa nhập khẩu tăng cao, khiến chi phí sinh hoạt trở nên đắt đỏ. Trong khi đó, cơ chế lãnh đạo một đảng giúp Trung Quốc không chịu nhiều sức ép từ dư luận trong nước ngay cả khi nền kinh tế hứng chịu hậu quả từ các đòn áp thuế của Mỹ.
Trên thực tế, nhiều doanh nghiệp sản xuất ôtô, công ty công nghệ và nông dân Mỹ đã có những phản ứng gay gắt trước việc Trump thông báo sẽ áp thuế với các mặt hàng Trung Quốc.
Arthur R. Kroeber, Giám đốc điều hành của Gavekal Dragonomics, công ty nghiên cứu ở Bắc Kinh, nói rằng các hành động của Mỹ có thể gây tác động đến tăng trưởng kinh tế của Trung Quốc nhưng không đủ để buộc nước này đảo ngược các chính sách.
Kroeber cho rằng nếu Mỹ lôi kéo được nhiều nước áp thuế với Trung Quốc thì đòn tấn công của họ sẽ có hiệu quả hơn, nhưng Trump chưa thể xây dựng được một liên minh đủ vững chắc để làm điều đó.
Dù khẳng định Trung Quốc quyết chiến đấu tới cùng trong chiến tranh thương mại với Mỹ, Thứ trưởng Tài chính Trung Quốc Chu Quang Diệu vẫn không loại trừ khả năng giải quyết căng thẳng khi nói rằng nếu Trump muốn đàm phán thì cánh cửa vẫn để mở.
– Tổng hợp