Đêm 23-3, tại TP.HCM cùng với 20 tỉnh thành trong cả nước đã diễn ra sự kiện tắt đèn hưởng hứng Giờ Trái đất. Trước đó, đã có nhiều chương trình khác đồng loạt triển khai và thu được những kết quả rất khả quan về việc chung tay hành động vì môi trường. Chiến dịch được trông đợi sẽ tạo ra sự thay đổi lớn về quy mô ảnh hưởng lẫn chiều sâu nhận thức của cộng đồng, thúc đẩy việc sử dụng tiết kiệm năng lượng, tận dụng nguồn năng lượng xanh nhằm giảm phát thải CO2 gây hiệu ứng nhà kính. Đây không còn là việc của xã hội mà bản thân mỗi người đều phải ý thức hơn trong mỗi hành động của mình để góp phần bảo vệ môi trường sống được trong sạch.
Giờ Trái đất: Lời báo động về môi trường
Giờ Trái đất là một sự kiện quốc tế hằng năm do Quỹ Quốc tế Bảo vệ thiên nhiên (WWF) khởi xướng với mục đích nhằm làm gia tăng nhận thức về sự cần thiết phải hành động trước biến đổi khí hậu. Cụ thể, WWF khuyến khích các hộ gia đình cùng các cơ sở kinh doanh tắt đèn điện và các thiết bị điện không có ảnh hưởng lớn đến sinh hoạt trong một giờ đồng hồ, từ 20g30 đến 21g30 ngày thứ Bảy của tuần cuối tháng Ba. Khởi động từ năm 2007 tại thành phố Sydney (Australia), chiến dịch Giờ Trái đất đã trở thành một hành động có quy mô lớn nhất thế giới, quy tụ nhiều quốc gia và lãnh thổ trên khắp các châu lục cùng tham gia.
Các bạn trẻ hào hứng tại đêm sự kiện chính tắt đèn hưởng ứng Giờ Trái đất tại Nhà Văn hóa Thanh niên TP.HCM
Việt Nam hưởng ứng sự kiện này từ năm 2009 với sự tham gia của sáu thành phố lớn là Hà Nội, TP.HCM, Huế, Hội An, Nha Trang và Cần Thơ. Từ khi đến Việt Nam, Giờ Trái đất trở thành hoạt động môi trường ý nghĩa có sức lan tỏa mạnh trong cộng đồng, đặc biệt là với giới trẻ. Năm 2012 với thông điệp “Cùng hành động vì một Giờ Trái đất khác biệt” là năm đánh dấu sự lớn mạnh vượt bậc trong cả hành động và nhận thức mà chiến dịch truyền tải, tạo được dấu ấn lớn trong cộng đồng với sự tham gia đông đảo của hơn 3.000 tình nguyện viên trong cả nước.
Các tình nguyện viên xuống đường vận động mọi người cùng hưởng ứng Giờ Trái đất
Nối tiếp thành công của năm 2012, chiến dịch Giờ Trái đất năm 2013 nhấn mạnh hơn vào hành động “Không chỉ tắt điện một giờ”. Thông điệp này nhằm mong muốn và kêu gọi cộng đồng nói chung, lực lượng tình nguyện viên tham gia chiến dịch nói riêng không chỉ dừng lại ở việc tắt đèn một giờ mà còn phát huy hơn nữa sự sáng tạo của mình trong việc thay đổi thói quen trong cuộc sống để góp phần hạn chế ô nhiễm môi trường. Bên cạnh đó, hy vọng qua các chương trình hành động, người dân ngày càng quan tâm đến môi trường một cách tích cực bằng việc nghiên cứu, tìm ra những giải pháp sống thân thiện với môi trường. Giờ Trái đất năm nay đánh dấu một hành động tự nguyện lớn nhất vì môi trường với sự tham gia của 128 quốc gia, 5.000 thành phố trên toàn thế giới. Tại Việt Nam, chiến dịch cũng đã mở rộng với quy mô 20 tỉnh thành trên cả nước, vận động được hơn 1.000 doanh nghiệp và tổ chức cùng hưởng ứng.
Những hành động thiết thực
Ngoài những hoạt động mang tính truyền thống của chiến dịch vẫn được duy trì như đạp xe tuyên truyền, 20s cho Giờ Trái đất (vận động nên tắt máy xe khi dừng đèn đỏ trên 20 giây, vừa giảm lượng xăng tiêu thụ, vừa giảm phát thải ra môi trường), khu phố năng lượng xanh (vận động tiết kiệm điện, đổi bóng đèn compact, khuyến khích sử dụng năng lượng xanh và áp dụng các mô hình sống xanh), chiến dịch năm nay còn nổi bật với những dự án mang tính điểm nhấn như đôi bàn tay xanh, mái nhà sinh thái và mảng xanh trường học. Đại sứ chính của chương trình là ca sĩ Uyên Linh cùng các ca sĩ Hà Okio, Võ Trọng Phúc, Thái Trinh, MC Nguyên Khang đã đồng hành trong nhiều dự án của Giờ Trái đất, thu hút nhiều hơn sự quan tâm của cộng đồng và giới trẻ.
Nhóm tình nguyện viên cùng đại sứ – ca sĩ Võ Trọng Phúc
Trong buổi sáng ngày 10-3, nhóm tình nguyện viên cùng đại sứ – ca sĩ Võ Trọng Phúc đã thu đổi được hơn 150 bóng đèn tròn ở khu vực dân cư xung quanh Co.op Ngô Gia Tự (quận 10), Công viên Phú Lâm (quận 6), đồng thời tuyên truyền đến người dân thông tin về Giờ Trái đất thông qua việc vận động tắt đèn, tắt các thiết bị không cần thiết và sử dụng đèn compact tiết kiệm điện. Chị Nguyễn Thanh Ngân – đại diện Ban điều phối chiến dịch cho biết: “Ý nghĩa của Giờ Trái đất ngày càng được biết đến ở Việt Nam, tuy nhiên ý thức sử dụng tiết kiệm điện của người dân thực tế vẫn chưa cao”. Vì thế, hy vọng thông qua các hoạt động tuyên truyền này sẽ tác động, nâng cao ý thức tiết kiệm năng lượng của mọi người.
Có khoảng 700 tình nguyện viên tham gia chương trình đạp xe tuyên truyền
Ông Nguyễn Trung Việt – Chánh văn phòng Biến đổi khí hậu tại TP.HCM nói: “Trung bình mỗi ngày TP.HCM tiếp nhận khoảng 7.000 tấn rác thải, và sẽ tăng lên 10.000 tấn vào năm 2015. Một con số tăng trưởng rất đáng lo ngại. Do vậy, việc tiết kiệm sử dụng tài nguyên để giúp giảm chất thải là rất cần thiết”. Với các hoạt động tuyên truyền và dự án khu phố xanh, các tình nguyện viên tặng bóng đèn tiết kiệm điện cho hộ gia đình người dân đổi lấy vỏ hộp sữa, chai nhựa đựng nước uống đã qua sử dụng. Với vỏ hộp sữa, ban tổ chức chuyển cho công ty tái chế thành tấm lợp thân thiện với môi trường và tiến hành thay tấm lợp bằng tôn cho những hộ gia đình có hoàn cảnh khó khăn.
Ông Việt cho biết, ưu điểm của tấm lợp này là không thấm nước, cách nhiệt tốt.Vì vậy, sử dụng sản phẩm này sẽ giúp gia đình tiết kiệm đáng kể điện năng sử dụng làm mát. Còn với vỏ chai nhựa Pet sẽ được tổng hợp để triển khai thực hiện cho dự án bức tranh năng lượng tương lai. Dự án mái nhà sinh thái đã được thực hiện cho Trường Mầm non Hoa Phượng (huyện Bình Chánh) từ ngày 12-3 đã đạt được thành công hơn mong đợi. Chưa đến một tuần thi công đã thay được 212 tấm lợp với tổng diện tích trên 300m2.
Năm nay, ban tổ chức chọn những trường ở khu vực nội thành để thực hiện dự án trường học xanh. Trường Tiểu học Trần Hưng Đạo (quận 1) được chọn thí điểm thiết kế, tạo khu vườn xanh trong khuôn viên trường học.Dự án này nhận được sự ủng hộ nhiệt tình từ phía nhà trường, thầy cô giáo và cả các em học sinh. Ngày 15-3, các tình nguyện viên cùng đại sứ đã đến trường cùng giao lưu và hướng dẫn các em trồng cây thủy sinh, gấp túi giấy, thi vẽ tranh về đề tài môi trường…
Dự án bức tranh năng lượng tương lai là tác phẩm đặc biệt: Hình bản đồ Việt Nam và biểu tượng ý nghĩa của việc tắt điện một giờ được tạo thành từ 3.000 chai nhựa đựng nước đã qua sử dụng. Thông điệp của dự án này là nhắc nhở, kêu gọi cộng đồng hãy tận dụng tất cả những chất thải để tạo nên những sản phẩm hữu ích. Đây cũng là cách giúp giảm thiểu lượng chất thải phải xử lý bằng cách chôn lấp, cũng là giảm lượng khí thải trong quá trình chôn lấp rác thải.
Bài Ngân An
Ảnh Hạnh Vân