Năm nay tết đến sớm, rơi vào tháng Giêng chứ không phải tháng Hai như năm ngoái. Chính vì vậy, một năm cũng chỉ ba trăm sáu lăm ngày nhưng dường như ai cũng có cảm giác tết… vội.
Người làm việc năm ngày trong tuần thì vừa nghỉ Tết Dương lịch ba ngày đã chộn rộn nghỉ tết tiếp. Có doanh nghiệp bận bù đầu cuối năm nào quyết toán, tính thưởng, trả lương…, thì cũng có anh công chức… lè phè vì đã hết việc!
Đọc thông báo học sinh Sài Gòn nghỉ Tết Đinh Dậu mười bốn ngày, các bà mẹ trẻ… méo mặt. Lại lo tìm người trông con giúp. Bất đắc dĩ mới đưa đến công ty, chỗ làm việc. Đứa ngoan không nói gì, đứa hiếu động thì phát mệt vì phải trông chừng con, ảnh hưởng đến công việc chung hay đồng nghiệp cần tập trung làm việc. Phải chia ra, chồng lãnh vài ngày, vợ lãnh vài ngày, huy động ông, bà…
- Xem thêm: Nhà nghèo lo tết
Cũng như ngày thường vậy mà trước hay gần tết ai cũng cơm nước quấy quá, không muốn ăn, thêm lười nấu. Để trẻ đảm bảo dinh dưỡng, các bà mẹ trẻ phải dựa hoàn toàn vào sữa, hết thùng này đến thùng khác.
Cả xã hội lao vào, từ khí đốt cho đến nước đóng bình, trăm thứ chỉ với một tiêu chí “hàng tết”. Năm chỉ có một mùa chộn rộn, sau mùa này mới tổng kết được con số. Siêu thị tràn ngập hàng hóa phục vụ tết, từ quà biếu đóng sẵn thành từng giỏ cho đến hàng khuyến mãi.
Các bà hưu trí đi siêu thị lâu hơn, nhìn ngắm, ghi nhớ hàng nào khuyến mãi về báo cho con gái, con dâu biết; còn tính toán quà cáp sui gia, ơn nghĩa… trong phạm vi cho phép không phải xin con cái.
Ra chợ, càng thấy người vội hơn. Anh bán hàng quảng cáo hay hơn ngày thường mà giá cả lại hấp dẫn, nhìn các bà, các cô xúm vào chọn lựa, trả giá, có cảm giác như họ chưa bao giờ… được mua. Đó là không khí chộn rộn cho tết.
Cũng lạ, những công trường dài hơi thi công quanh năm, vậy mà cũng chạy đua với tết, mọi việc cứ như thúc đến nơi.
Vui tết nhưng không quên nhiệm vụ, các doanh nghiệp làm ăn cả năm cũng muốn chia sẻ ít nhiều với những mảnh đời kém may mắn bằng những phần quà nhỏ như tấm lòng chúc bà con ăn tết vui vẻ.
Năm nay, gần hết năm Dương lịch, ông trời lại giáng xuống các tỉnh miền Nam Trung bộ đến năm cơn lụt. Mưa cả tuần, ề à, hết lớn đến nhỏ, qua hai ba tháng Mười vẫn còn mưa.
Thành phố với đèn màu, hàng hóa rực rỡ trong khi bà con các vùng lũ lụt ăn không ngon, ngủ không yên với việc “canh nước”. Chia sẻ là lúc này, miếng khi đói bằng gói khi no, chẳng ai lường thiên tai lại ập đến ào ạt như vậy!
Đọc tin tức, xem hình ảnh cả ngàn chậu hoa tết của bà con trôi trong lũ mà xót xa. Người nông dân làm ăn cả năm, “đánh cú chót” vào mùa tết, hoa lá tan tành theo dòng nước đồng nghĩa với tiền bạc trôi theo ra biển.
Tình người là đây. Các doanh nghiệp làm bài tính nhanh, thôi thì với tinh thần nhường cơm sẻ áo, cho dù ngoài kế hoạch thì doanh nghiệp luôn có sẵn quỹ dự phòng trường hợp khẩn cấp, mang đến cho bà con vùng lũ chút ấm áp mùa xuân.
Vậy là, cả xã hội vốn đã bận rộn vì tết giờ càng bận rộn hơn. Nhưng mà vui. Người chia sẻ cũng vui mà người nhận tấm lòng cũng đỡ tủi.
- Xem thêm: Tết không chia đều
Năm qua, tết đến, lại đặt hy vọng vào năm sau. Một năm 2017 sẽ khác hơn, thiên tai ít hơn, làm ăn thuận lợi hơn, con cái học hành tấn tới, vợ chồng ít… cãi nhau hơn, chẳng hạn.
Một chị tâm sự trên Facebook rằng có người chú, mấy năm trước nhà di dời ra khu tái định cư. Chị chưa kịp ghé thăm thì năm nay lũ quét khu vực đó sập bao nhiêu nhà, không liên lạc được với chú vì mất số điện thoại, không biết nhà chú như thế nào…
Con người ta nhiều khi vội quá, sống nhanh quá mà quên mất những việc cần phải làm là giữ lại một số điện thoại để liên lạc khi cần. Muộn còn hơn không, đi tìm chú gấp, sửa sai nhanh.
Nhủ thầm, rồi một năm sẽ qua mau lắm, làm được gì cho nhau ngay bây giờ thì làm đi, kẻo muộn!