Sáng nào tôi cũng ngồi quán cà phê quen ngay đầu chợ gần nhà. Quán bình dân, người ghé vào đều là khách quen, đa số là dân buôn bán, mấy người lớn tuổi nghỉ hưu hoặc mấy ông bà già rảnh rổi ra ngồi chơi tán chuyện một chút rồi về. Tôi vẫn nói đùa với bạn bè rằng: Ngồi chỗ này như ngồi giữa nhân gian, nghe đủ mọi tâm tình, cảm nghĩ của quần chúng vậy đó.
Bên cạnh những khách ngồi trầm cả giờ lại có một loại khách lượn qua lượn lại khá đông. Đó là đội quân bán vé số dạo. Mấy người này có khi ngồi uống một ly trà đá, một ly cà phê gì đó rồi đợi khách quen chìa ra tờ vé số, bán xong là đi. Có một chị lớn tuổi không đi nổi mỗi ngày chỉ lấy vài chục tờ, bán quanh quẩn chỗ này, kiếm đủ tiền ăn cơm, uống nước, hoàn cảnh rất khó khăn, nhiều khi chỉ ngày một bữa cơm thôi. Mấy ông nhàn rỗi có lương hưu thì hay “tám” chuyện trên trời dưới đất, cánh mua gánh bán bưng lại bàn chuyện ế đắt, chuyện bị công an đuổi bắt vì chiếm lề đường, chuyện trời mưa trời nắng ảnh hưởng đến gánh hàng…
Trước mặt quán cà phê, một chị trung niên mỗi sáng bày ra rổ khoai lang, chuối sáp nấu đặt trên hai thùng bê bán rất đắt hàng. Ngay vệ đường nên mấy người đi làm ngang chỉ cần ghé xe lại, mua vài củ khoai rồi chạy liền. Chỉ tám giờ là hai thùng khoai, chuối chị thồ bằng xe đạp ra đã hết veo. Vậy mà vừa bán, chị phải vừa thấp thỏm ngó công an để thụt vô trong. Ngay cả cô chủ quán cà phê tuổi mới suýt soát năm mươi cũng có cả một kho chuyện đời thường từ cái quán mở bán lúc sớm bửng này. Nhờ hai gian nhà mặt tiền ngay đầu chợ cha mẹ để lại, mấy chị em tụ họp bán quán cũng đủ sống thong thả.
- Xem thêm: Nhớ tết quê
Cô chủ tính thoải mái vẫn thường hay bán chịu cà phê cho mấy người quen gặp cảnh thắt ngặt. Như chú Bảo què, chị Sáu Hoa có khi phải trả tiền cà phê bằng một hai tấm vé số, cô chủ cũng vui vẻ nhận. Chưa hết, cách vài ngày lại có một cô gái ốm tong teo đến chực chờ một ly cà phê đá miễn phí, không biết sao cô chủ cũng làm cho. Mấy người uống quen nói mấy năm nay đã vậy, chắc tại chủ quán thương hại thôi.
Những câu chuyện, những gương mặt gặp gỡ đã thành quen và cái không khí rôm rả hơi có chút xô bồ của cái quán nhỏ ven đường lâu ngày đã thành thân thiết nên hôm nào bận chuyện không ra được lại thấy nhớ. Ra ngồi, nhìn quanh quất thấy vắng ai đó cũng có chút băn khoăn, thắc mắc.
Sau Giáng sinh, càng đến gần ngày tết, không khí ở cái quán bình dân ven đường này cũng có đôi chút chộn rộn. Giàu nghèo gì cũng “ba ngày tết” phải không? Ngồi cạnh tôi mỗi sáng, nhỏ bán bánh lọt, bán cháo cá mấy bữa nay cứ than dài. Buôn bán ế ẩm quá, gánh bánh lọt trưa và gánh cháo cá buổi chiều cực khổ vậy mà không biết có tiền kho nồi thịt tết cho ba đứa con không? Cô Chín nhà ở xóm trong, sống một mình, hơn năm mươi tuổi đầu vẫn đi rửa chén cho quán mì cũng thở dài.
Khách vắng quá, tết chắc không có tiền thưởng rồi! Đám bán vé số nhìn càng thảm. Trừ mấy đứa trẻ hoặc mấy cô bé xinh xắn có chân đi khỏe, mấy bà, mấy chú lớn tuổi đi rã giò mà bán chẳng bao nhiêu, bởi từ ngày có vé số “tự chọn” Vietlott, loại vé số truyền thống ngày càng hiu hắt, mấy anh mấy chị bán dạo người nào cũng cầm một bọc nylon vé Vietlott bán thêm mới đủ sống, nói gì đến tết nhứt…
Thương nhất là mấy người tàn tật, chỉ ngồi đây thôi tôi đã thấy gần chục người cầm vé số đi qua. Kẻ cụt chân, người mất tay, rồi những người bị tê bại, người mù, câm điếc.. Nghe nói giờ bán vé số đã trở thành “Nghề”! Nghe sao mà bất nhẫn, xót xa dẫu biết đúng là nhiều gia đình đã sống được từ những bước chân mòn mỏi khắp các nẻo đường này. Và những người cơ nhỡ rải rác trong các nhà trọ chật hẹp nữa. Có khi nhìn khung cảnh chung quanh rồi nghe bên tai nhiều tiếng than não nuột lại nhớ đến mấy câu thơ buồn của nhà thơ xưa:
Hàng quán người về nghe xáo xác
Nợ nần năm trước hỏi lung tung
(Chợ Đồng – Nguyễn Khuyến)
Dĩ nhiên nơi quán cà phê này không chỉ có lời than thở. Một cụ già tám mươi sáu tuổi mỗi sáng được con gái chở ra ngồi đây từ giác sớm cũng ươm trong tôi chút rộn ràng của niềm vui đón tết bởi năm nào cụ cũng vào chợ, tìm mua loại bánh tráng nem lớn chỉ có vào dịp tết đem về nhà ăn tết. Có lẽ do nhà dư giả, cụ rất hào hứng với chuyện mua sắm, chuẩn bị tết. Cụ lại có lòng tốt, thỉnh thoảng còn dúi cho một bà cụ neo đơn mướn nhà ở gần đó khi thì chút tiền mua gạo, khi thì bao ly cà phê, cử ăn sáng…
- Xem thêm: Tết về từ trước tết
Cũng vậy, một chị có vườn mai cả ngàn gốc ở ngoại ô thành phố thường cứ gần tết là ghé quán cà phê, miệng nhai trầu bỏm bẻm kể chuyện nhà vườn bốp trời thiên. Có khi chị khoe mai trúng mùa tết rồi cười ha hả, vui như tết luôn. Đúng là khung cảnh quán cà phê đầu chợ đầy hỉ nộ ái ố, đủ thượng vàng hạ cám như chốn chợ trời vậy, làm sao tôi không bị hút vào cho được!
Sáng hôm nay vừa ra quán, nhỏ bán bánh lọt đã thông báo. Mai con dọn nhà! Sao vậy? Nhà trọ cũ cao giá quá, mấy mẹ con chịu cực qua nhà khác rẻ hơn! Nhìn gương mặt buồn buồn của nó lòng lại bâng khuâng, chạnh nghĩ về những phiên chợ tết muộn chiều 29 hoặc sáng 30 Tết của những người nghèo để có chút thịt thà, bánh trái gọi là trên bàn thờ ông bà…Và tôi, giữa chốn nhân gian này, tôi chỉ ước được tặng họ một cành mai tết như chút may mắn đầu năm với lời cầu mong cho họ có một cái tết đầm ấm vui vẻ với niềm hy vọng “Đổi đời”. Ừ, ngẫm cho cùng thì hy vọng đâu cần mua phải không?