Tháng 3-2018 là một trong những thời điểm trọng đại của lịch sử châu Phi khi Hiệp định Thương mại Tự do Lục địa châu Phi (AfCFTA) ra đời. Với xu thế hiện nay, châu Phi có thể sẽ trở thành khu vực thương mại tự do lớn nhất thế giới với 55 nước tập hợp trong một thị trường có dân số 1,2 tỉ và với tổng GDP lên đến 2.500 tỉ USD/năm.
Hiệp định AfCFTA được ký kết tại Kigali (Rwanda) với chữ ký của đại diện 44 nước châu Phi đã hướng tới một lục địa không thuế quan nhằm phát triển thương mại của mỗi nước, nâng cao thương mại nội-Phi (intra-African trade), đẩy mạnh công nghiệp hóa và tạo nhiều công ăn việc làm. Hiệp định sẽ hình thành một thị trường duy nhất ở châu Phi về hàng hóa và dịch vụ cũng như một liên minh thuế quan, giúp các hoạt động đầu tư, du lịch, thương mại được dễ dàng trên toàn lục địa.
Mặt khác, nhờ Hiệp định AfCFTA, 70% phụ nữ châu Phi thường buôn bán bất hợp pháp xuyên biên giới sẽ được hưởng lợi. Do hiệp định sẽ góp phần hỗ trợ các nhà buôn nhỏ trong nước cũng như đơn giản hóa những thủ tục thương mại và giảm thuế nhập khẩu. Nếu hiệp định được thực hiện thành công, một khu vực thương mại tự do ra đời sẽ đưa châu Phi đến sự hợp nhất kinh tế lâu dài và dẫn tới những định chế như: Cộng đồng kinh tế châu Phi, Liên minh tiền tệ châu Phi, Liên minh thuế quan châu Phi…
Trên bước đầu hình thành một khu vực thương mại tự do khổng lồ như thế, nhiều doanh nghiệp và đơn vị cung cấp dịch vụ tỏ ra lạc quan vừa phải. Nếu mọi việc suôn sẻ, họ có thể dễ dàng đi lại trong phạm vi châu Phi, mua các sản phẩm tại nhiều nước và mang về kinh doanh. Họ cũng có thể nhập khẩu những vật tư, nguyên liệu sử dụng trong ngành nghề của mình từ Trung Quốc hay châu Âu, thay vì từ Nam Phi, Nigeria hay Morocco như hiện nay.
Một trở ngại khác mà Hiệp định AfCFTA có thể gặp phải: ở một vài quốc gia, trong đó có Nigeria, Nam Phi, chính phủ có thể tăng cường việc kiểm soát chính sách công nghiệp, do họ sợ bị mất nguồn thu thuế quan, trong khi những dạng thuế khác sẽ khó thu hơn. Nhiều doanh nghiệp phàn nàn về năng lực yếu kém của tổ chức Cộng đồng Kinh tế Khu vực (RECs: Regional Economic Communities) khi họ không thực hiện nổi những dự án hạ tầng cơ sở nhằm hỗ trợ các hoạt động thương mại xuyên biên giới.
Tóm lại, theo quan điểm của phần đông các nhà bình luận, Hiệp định AfCFTA là một bước chuyển quan trọng của nền kinh tế châu lục, một thực tế không thể đổi khác, song để biến một ước vọng chính đáng thành hiện thực, các nhà lãnh đạo lục địa đen sẽ còn có nhiều việc phải làm.
– Tổng hợp