Hiện nay ngày càng có nhiều nước châu Phi thực hiện mô hình kinh tế xanh do tiềm năng mang lại các giải pháp phù hợp cho nhu cầu phát triển ở những nước nghèo đói nhất. Kenya, Tanzania, Nam Phi, Mauritius, Comoros, Madagascar và Seychelles đã thành lập Bộ Tài chính, Thương mại và Kinh tế xanh thừa nhận nhu cầu đa dạng hóa nền kinh tế của họ. Theo Danson Mwangangi, một nhà nghiên cứu và phân tích kinh tế độc lập, Liên minh châu Phi đã thừa nhận nền kinh tế xanh, bao gồm việc khai thác các nguồn tài nguyên như biển, sông, hồ, trong chương trình phát triển đến năm 2063 nhằm tạo ra sự chuyển biến kinh tế – xã hội trong vùng. Ông cho rằng các nền kinh tế nông nghiệp trong đó có Kenya đang gặp nhiều thử thách do đất trồng xuống cấp, dịch bệnh và những biến chuyển thời tiết không dự liệu trước được. Theo các số liệu do Ngân hàng Thế giới (WB) công bố, chỉ riêng năm 2017, sản lượng bắp tại Kenya đã giảm 20 – 30% do mưa ít, sâu bệnh tràn lan. Để đối phó với tình trạng trên, các chuyên gia khuyến cáo các nước châu Phi đa dạng hóa nền kinh tế, khai thác các nguồn tài nguyên nước vốn là thế mạnh của lục địa đen.
Theo Cơ quan Năng lượng Quốc tế (IEA), năng lượng tái sinh từ biển có tiềm năng đáp ứng 400% nhu cầu năng lượng toàn cầu hiện nay. Khoảng 70% số nước châu Phi là đảo quốc hoặc tiếp giáp biển, với tổng chiều dài bờ biển khoảng 31.000km nhưng chỉ chiếm 11% tổng khối lượng thương mại toàn cầu, đây là tỷ lệ thấp nhất so với Hiệp hội các nước Đông Nam Á (ASEAN), châu Âu và châu Mỹ. Mặt khác, châu Phi là hòn đảo lớn nhất hành tinh với bốn mặt đều tiếp giáp với đại dương, vậy mà số tàu thuyền do châu lục này sở hữu chỉ chiếm 1,2% tổng số tàu thuyền trên thế giới!
- Xem thêm: Du lịch và nụ cười ở một nước châu Phi
Trước thềm Hội nghị về Kinh tế xanh bền vững dự kiến sẽ diễn ra vào tháng 11-2018 tại Nairobi dưới sự đồng chủ trì của Kenya và Canada, các chuyên gia lạc quan tin rằng phong trào kinh tế xanh sẽ đạt được những bước tiến đáng kể trong tiến trình giảm thiểu sự nghèo đói tại lục địa châu Phi. Mục tiêu chính của hội nghị sẽ là vạch một chương trình hành động toàn cầu nhằm khai thác bền vững các nguồn tài nguyên biển, sông ngòi và ao hồ.
– Tổng hợp