Lục địa châu Phi với 54 nước và 1,2 tỉ dân đang đối mặt với nhiều nguy cơ lớn: sự sa mạc hóa, đất đai xuống cấp, hạn hán, thay đổi khí hậu, thực phẩm không an toàn, mất tính đa dạng sinh học, xung đột, di dân và nghèo đói… Chỉ riêng vùng Bắc Phi với các khu vực Sahel và Sừng châu Phi trải rộng 1,6 tỉ hécta, là ngôi nhà chung của khoảng 500 triệu người, chiếm hơn 40% tổng dân số châu Phi. Trước tình trạng sa mạc hóa ngày càng lan rộng, gần đây, 20 quốc gia châu Phi sống ở phía bắc, đông và tây sa mạc Sahara, các tổ chức quốc tế, viện nghiên cứu, tổ chức xã hội… đã thỏa thuận thiết lập một dự án mà họ gọi là “Vạn lý trường thành xanh châu Phi”, trên diện tích rộng 780 triệu hécta, qua sáu nước Burkina Faso, Ethiopia, Gambia, Niger, Nigeria và Senegal. Đây là dự án được Liên minh Châu Phi (AU) tán đồng và thực hiện từ năm 2007, được coi như là sáng kiến hàng đầu của lục địa đen trong việc đối phó với hiện tượng thay đổi khí hậu, tình trạng sa mạc hóa, không an toàn thực phẩm và nạn nghèo đói.
Nhà nghiên cứu Nora Berrahmouni, phụ trách về rừng và đất liền thuộc Tổ chức Lương nông Liên Hiệp Quốc (FAO), cho biết “Vạn lý trường thành xanh” không phải là một bức tường cây xanh chạy xuyên qua các sa mạc. Từ “trường thành” chỉ là một cách ẩn dụ nhằm diễn tả tính liên kết giữa các nước và các đối tác, một bức tranh ghép về quản lý bền vững đất đai và các biện pháp nhằm phục hồi đất canh tác. Dự án GGW nhằm vào các mục tiêu: • Đưa ra những biện pháp lâu dài nhằm khắc phục nạn sa mạc hóa, tình trạng đất xuống cấp, nạn hạn hán và sự thay đổi khí hậu.
- Phối hợp hành động để đối phó với những thách thức đang tác động đến đời sống của hàng triệu người ở Sahel và Sahara, trong đó có việc phục hồi hệ thống sản xuất, phát triển sản xuất nông nghiệp và các trung tâm phát triển bền vững.
- Khẩn cấp kêu gọi các nhà hoạch định chính sách tăng cường đầu tư thực hiện những mục tiêu dài hạn cho sự phát triển bền vững các khu vực Sahel và Sahara.
Theo bà Berrahmouni, để thực hiện các mục tiêu này, cần quản lý bền vững các tài nguyên thiên nhiên bao gồm đất đai, các nguồn nước, rừng; cổ xúy các hệ thống sản xuất bền vững trong nông nghiệp, lâm nghiệp; chế biến và tiếp thị các sản phẩm nông – lâm nghiệp và dịch vụ. Mặt khác, cần đa dạng hóa các hoạt động kinh tế thông qua các trung tâm sản xuất nông thôn, tạo công ăn việc làm, tăng thu nhập cho mọi thành phần xã hội, đặc biệt là thanh niên và phụ nữ, mở rộng việc trao đổi tri thức về những nguyên nhân của sa mạc hóa, những phương cách tốt nhất để phòng chống hiện tượng này.
- Lê Nguyễn tổng hợp
Xem thêm:
Sa mạc đang vùi lấp 2/3 đất đai châu Phi