Mỗi năm, một chuyên gia tài chính cá nhân thường phải đối mặt với hàng trăm câu hỏi và hàng trăm vấn đề tài chính khác nhau từ khách hàng của mình. Bên cạnh những vấn đề đơn giản, có thể dễ dàng tìm được sự đồng thuận và hướng giải quyết, là những vấn đề phức tạp, khiến các chuyên gia tài chính cá nhân mất nhiều thời gian để tìm hiểu, cũng như làm cho khách hàng của họ mất không ít thời gian để giải quyết.
Dưới đây là ba vấn đề “mất thời gian” như vậy, được tổng hợp từ những chia sẻ của các chuyên gia tài chính nổi tiếng trên trang Business Insider.
Nên tập trung vào việc tiết kiệm hay vào việc nâng cao thu nhập?
Đây là câu hỏi nhiều khách hàng đặt ra cho Sophia Bera (cô là chuyên gia tư vấn tài chính cá nhân người Mỹ, liên tục được vinh danh trong các danh sách như “40 Under 40” của trang Investment News, “10 Young Advisors to Watch” của trang Financial Advisor Magazine và “10 of the Best Personal Finance Experts on Twitter”), mỗi khi bắt đầu cuộc nói chuyện về tài chính cá nhân với cô.
“Khách hàng thường muốn tôi trả lời câu hỏi, nên tập trung tiết kiệm hơn hay nên tập trung nâng cao thu nhập hơn”. Câu trả lời của Sophia Bera trong mọi trường hợp, luôn là, hãy tập trung vào cả hai.
“Đó không phải là câu trả lời họ mong đợi, nhưng với tôi lại là câu trả lời đúng nhất. Tiết kiệm và nâng cao thu nhập, giống như tấm khiên và thanh kiếm. Không thể nói mặt nào quan trọng hơn mặt nào. Tiết kiệm quá mức trong khi không nâng cao thu nhập, thì bạn cần phải cố gắng một thời gian rất dài mới có được sự tự do tài chính, trong khi nâng cao thu nhập mà không chú trọng tiết kiệm thì dù bạn có làm ra hàng triệu USD, đến cuối tháng tài khoản ngân hàng của bạn cũng sẽ chẳng còn gì. Vì thế, dù có mất thời gian và công sức thế nào chăng nữa, để có được sự tự do tài chính, tôi luôn khuyên khách hàng hãy làm tốt cả hai”.
Có nên tránh xa thẻ tín dụng hay không?
Đối với Farnoosh Torabi, một chuyên gia tài chính cá nhân, tác giả sách và là người sản xuất các chương trình truyền hình ăn khách như Follow The Leader (tạm dịch: Dõi theo người lãnh đạo) trên kênh CNBC, The Bank of Mom and Dad (tạm dịch: Ngân hàng của bố mẹ) trên kênh BBC… thì câu trả lời là bạn không cần phải tránh xa thẻ tín dụng, thậm chí có thể trở thành bạn của tấm thẻ nhỏ gọn ấy. Nhưng để làm được điều đó, bạn cần có một kế hoạch sử dụng rõ ràng và có trình tự từng bước hợp lý.
“Hệ thống điểm thưởng, các chương trình khuyến mãi, ưu đãi, giảm giá, rồi các khoản vay với lãi suất thấp… luôn là những ưu điểm tuyệt vời mà thẻ tín dụng có thể mang lại cho bạn. Tuy nhiên, bạn cần phải rạch ròi và tránh bị cám dỗ bởi chúng. Hãy lên một kế hoạch để tích điểm thưởng từ từ, đều đặn, cũng như phải nhớ, luôn luôn hoàn trả các khoản nợ đúng hạn”.
Ngoài ra, Farnoosh Torabi cũng khuyên khách hàng, đặc biệt là người trẻ tuổi hoặc mới lần đầu sử dụng thẻ, hãy cố gắng trả hết nợ ghi trên thẻ ngay khi có cơ hội, đừng chia nhỏ nợ ra và để chúng tồn tại quá lâu, bởi những người này thường phát sinh các khoản chi tiêu không cố định hằng tháng, dẫn theo tình trạng nợ chồng nợ vô cùng nguy hiểm.
Cần làm gì khi vợ hoặc chồng bạn cằn nhằn mỗi khi bạn chi tiêu?
Theo Don Cloud, chuyên gia tài chính cá nhân người Mỹ, đồng sáng lập và là CEO của công ty tư vấn tài chính Clound Financial, đây là một vấn đề thường xuyên khiến các cặp đôi đau đầu. Để giải quyết vấn đề (cả trường hợp bạn không hài lòng với cách chi tiêu của vợ hoặc chồng mình), cần phải thực hiện theo ba bước như sau.
Đầu tiên, hãy trao đổi cùng nhau về thái độ của mình đối với tiền bạc. “Với nhiều người, tiền bạc là thứ giúp họ có được hạnh phúc, nhưng số khác lại xem tiền bạc chỉ là thứ để khẳng định giá trị bản thân, thể hiện mình, hoặc tạo ra niềm vui trong cuộc sống… Vì thế, bạn cần hiểu rõ và trao đổi thẳng thắn về thái độ đối với tiền bạc của cả hai, từ đó mới có thể hiểu và thông cảm hơn cho cách tiêu xài của nhau.
Tiếp theo, hãy tạo ra một ngân sách chi tiêu cụ thể hằng tháng và xác định rõ ngân sách chi tiêu của từng người. “Nếu bạn và đối tác của bạn biết rằng, mọi khoản chi tiêu đều đã được ghi nhận, kiểm soát và tính toán trước, thì việc mua sắm cũng như tiêu xài của cả hai sẽ thoải mái và dễ chịu hơn rất nhiều”.
Cuối cùng, hãy cùng xác định những mục tiêu tài chính theo quý, theo năm và liên tục kiểm tra, theo dõi chúng. “Việc xác định mục tiêu tài chính cá nhân, tất nhiên là thứ không thể thiếu với bất cứ ai khi đã hỏi xin lời khuyên của các chuyên gia tài chính. Thế nhưng, các cặp đôi cần nhớ một điều nữa, đó là phải kiểm tra và xem xét lại tình hình thực hiện kế hoạch trên một cách đều đặn, nhằm đảm bảo tìm ra cách chỉnh sửa phù hợp và kịp thời nhất mỗi khi có vấn đề xuất hiện, cũng như có thêm động lực cho mục tiêu lâu dài phía trước”.
- Tuấn Thành
Xem thêm:
- Trau dồi kỹ năng tài chính
- Tránh xa những câu nói không đúng về tiền bạc
- Sức mạnh của những cuộc trò chuyện