Các khu vực khác cũng không kém, chẳng hạn vào năm 2010, chỉ riêng Guinea đã sản xuất được 8% lượng bauxite toàn cầu; hai nước Zambia và CHDC Congo đóng góp 6,7% tổng sản lượng đồng; Ghana và Mali sản xuất 5,8% vàng của cả thế giới, trong khi sản lượng tantalum của Ethiopia chiếm 1/6 lượng tantalum toàn cầu. Tháng 10-2012, Ngân hàng Thế giới công bố một báo cáo cho thấy các nước châu Phi đang đánh giá lại tầm quan trọng kinh tế các nguồn tài nguyên chưa được khai thác của họ. Theo nhà khoa học David Doepel, chủ tịch nhóm nghiên cứu châu Phi thuộc Trường Đại học Murdoch (Úc), việc lục địa Đen quản lý và khai thác tài nguyên một cách hữu hiệu sẽ thúc đẩy các hoạt động kinh tế, tạo công ăn việc làm, cải tiến các chương trình giáo dục và y tế, từ đó giảm thiểu được nạn nghèo đói. Nhưng để đạt được điều này, họ phải vượt qua nhiều thử thách, trong đó nạn tham nhũng, sự thiếu kinh nghiệm trong giao dịch quốc tế và tâm lý ăn xổi là những cản ngại quan trọng. Nigeria là nước xuất khẩu dầu thô lớn nhất châu lục, với hơn 2 triệu thùng mỗi ngày và là nước đứng thứ 9 thế giới về trữ lượng nguồn khí đốt, nhưng theo kết quả điều tra do Bộ Dầu lửa Nigeria công bố hồi tháng 10-2012, chỉ trong 10 năm (2002-2012), sự quản lý thiếu minh bạch nguồn tài nguyên dầu khí đã làm nước này thất thoát 29 tỉ USD. Sự thiếu kinh nghiệm trong tiến trình đàm phán, ký kết và thực hiện các hợp đồng khai thác, mua bán các tài nguyên với các công ty sừng sỏ trên thế giới cũng khiến nhiều nước thua thiệt. Cách nhìn thiển cận, theo đuổi cái lợi trước mắt tước mất của họ nhiều cơ hội phát triển, trong đó, việc xuất thô các tài nguyên là một ví dụ cụ thể. Không có cơ sở lọc hóa dầu, họ bỏ lỡ cơ hội tạo ra hàng triệu công ăn việc làm và tạo điều kiện cho sự rèn luyện kỹ năng của lao động trong nước.
Khoáng sản là thế mạnh của châu Phi
Bên cạnh việc khắc phục những yếu kém trên, học tập kinh nghiệm của nhau cũng là sự chọn lựa cần thiết để đưa kinh tế châu Phi phát triển.Ethiopia vừa phát hiện nhiều trữ lượng khoáng sản như vàng, tantalum, dầu lửa, potasse và họ đang học tập Botswana trong việc tận dụng những cơ hội. Đầu năm 2012, công ty kim cương De Beers đã chuyển phần lớn hoạt động phân loại kim cương từ Anh sang Botswana trong một nỗ lực địa phương hóa các giá trị bổ sung của loại quặng mỏ quý hiếm khai thác được. Nhờ kinh nghiệm của Botswana mà tại Ethiopia, British Nyota Minerals sẽ là công ty nước ngoài đầu tiên nhận được giấy phép tách quặng vàng dựa trên kết quả khai thác của chính họ tại vùng phía tây nước này. Sở hữu 30% nguồn tài nguyên khoáng sản của toàn thế giới, lục địa Đen đang có những cơ hội tốt nhất để đưa đời sống của người dân thoát khỏi đói nghèo và tăm tối.
Lê Nguyễn tổng hợp