Trong khi nước Nga đang duy trì sức mạnh của mình tại khu vực Đông Âu với hệ thống ống dẫn khí đốt thiên nhiên khổng lồ, thì mới đây một quốc gia châu Âu nhỏ bé đã đi ngược xu thế đó. Theo Reuters, hôm 8-5 Lithuania tuyên bố đã thành công trong việc gây áp lực đối với Gazprom, công ty năng lượng lớn nhất nước Nga, trong việc hạ thấp giá bán khí đốt thiên nhiên từ nay đến hết 2015. Quốc gia vùng Baltic này đã thực hiện một bước đi mạnh dạn khi tìm kiếm nhiều nhà phân phối quốc tế cho loại khí thiên nhiên hóa lỏng LNG bao gồm Na Uy và Qatar và sẵn sàng ký kết những hợp đồng trong nay mai.
Dù đến nay, Lithuania vẫn lệ thuộc đến 92% vào nguồn khí đốt nhập khẩu từ Nga, nhưng nước này đã kịp thúc ép Gazprom cắt giảm giá hợp đồng mà theo thủ tướng Lithuania, ông Algirdas Butkevicius, kỳ vọng sẽ là 20%. Tuy nhiên, quan trọng hơn, sự thành công của Lithuania chính là báo hiệu cho những ứng xử sắp tới của Cao ủy châu Âu (EC) nhằm ngăn chặn sự độc quyền của Gazprom. Châu Âu trước đây đã nhiều lần khẳng định Gazprom đã cố tình tạo cơn sốt giá nhằm gia tăng thế lực chính trị và theo đó trong tháng 5 này EC sẽ đưa ra những kết quả trong việc điều tra tập đoàn này trong suốt hai năm qua. Nếu chứng tỏ Gazprom vi phạm luật pháp châu Âu, EC có thể nhanh chóng đưa ra các hành động chế tài tức thời đồng thời thay đổi giá bán của Gazprom trên thị trường, bởi đến nay Gazprom đã ký hợp đồng dài hạn với hầu hết các nước nằm trong khối Liên minh châu Âu (EU). Theo The Economist, số lượng khí thiên nhiên giao ngay của châu Âu nhập khẩu từ Gazprom đã tăng từ 15% trong năm 2008 lên đến 44% trong năm 2012 với mức giá cao một cách khó tin, đặc biệt các quốc gia Đông Âu phải trả giá cao gấp rưỡi so với các nước Tây Âu.
Về phía Gazprom, họ đang thực hiện tất cả những gì có thể để tránh việc quay lưng của EC vì khi đó họ sẽ mất đi thị phần lớn nhất với doanh thu khổng lồ. Bằng cách giảm giá bán như đang làm với Lithuania, Gazprom hy vọng sẽ xóa bớt những chỉ trích. Tuy nhiên, việc nhượng bộ của Gazprom, một điều nằm ngoài kỳ vọng của hầu hết giới quan sát, cho thấy sự ảnh hưởng của họ trên châu Âu đã giảm đi.
Kiên Lâm theo Motley Fool