Trao đổi với phóng viên của tờ Financial Times, ông Coeuré – thành viên điều hành ECB, người trực tiếp phụ trách hoạt động thị trường tài chính nói thêm rằng việc giảm lãi suất có lẽ cũng sẽ được trao đổi tại cuộc họp sắp tới của ECB để tạo thêm sự tin tưởng. Tuy nhiên, ông cũng nhấn mạnh cần có sự thỏa thuận chính trị về hợp nhất tài khóa để giải quyết các khó khăn của Eurozone và còn bày tỏ sự ngạc nhiên là cho tới nay chưa có chính phủ nào yêu cầu Quỹ Ổn định tài chính châu Âu (EFSF, hiện có 440 tỉ euro) mua vào trái phiếu quốc gia để giảm bớt phí đi vay.
Lãnh đạo các nước EU gặp nhau hôm 22-6
Trong cuộc họp thượng đỉnh của nhóm G 20 tại Mexico, Thủ tướng Ý Mario Monti cho rằng nên sử dụng EFSF để mua trái phiếu nhưng Thủ tướng Đức Merkel lại không tán thành ý tưởng này. Tại một cuộc họp báo tạiBerlin, bà Merkel đã bác bỏ việc thảo luận sử dụng EFSF để mua trái phiếu của hai chính phủ Tây Ban Nha và Ý.
Tại Hy Lạp, ba đảng phái chính trị cùng liên minh thành lập chính phủ cam kết sẽ thực hiện chương trình giải cứu quốc tế. Nhưng mối quan tâm trong khu vực Eurozone lại chuyển trở về các nền kinh tế lớn hơn như Tây Ban Nha và Ý. Chi phí vay mượn của cả Tây Ban Nha và Ý đều tăng trong tuần qua.
Theo quy định của EFSF, ECB cần phải được tham khảo trước khi sử dụng quỹ này để mua trái phiếu quốc gia. Ông Coeuré nói rằng ECB rất có thể sẽ ủng hộ do phí vay mượn không phản ánh tình hình kinh tế căn bản, mà phát sinh từ nỗi lo của những người tham gia thị trường tùy thuộc vào các quyết định chính trị, đặc biệt là tại Tây Ban Nha đang cần giải quyết nhiều vấn đề của hệ thống ngân hàng nước này. Điều kiện hiện nay rất có thể sẽ cho phép EFSF can thiệp vào thị trường thứ cấp với điều kiện có những quyết định chính trị thích hợp cùng giải pháp cho vấn đề liên quan với những điều kiện cụ thể. Tuy nhiên, ông Coeuré lại bác bỏ chương trình mua trái phiếu của chính ECB vì đó không phải là công cụ có thể sử dụng để giải quyết khó khăn về tài khóa hay hỗ trợ các ngân hàng đang bị mất khả năng thanh toán.
Ông Coeuré cho biết việc giảm lãi suất của ECB khoảng 1% có thể là một sự lựa chọn và tin rằng vấn đề này sẽ được thảo luận tại cuộc họp của Hội đồng Quản trị ECB vào ngày 5-7 tới. Việc giảm lãi suất có thể làm giảm nhẹ phần nào cuộc khủng hoảng hiện tại, nhưng không phải là cách giải quyết vấn đề cơ bản. Châu Âu đã trải qua năm thứ ba của cuộc khủng hoảng và đang tiến tới thời điểm mà các biện pháp ngắn hạn được thử nghiệm, nhưng nhiều vấn đề phức tạp hơn cũng sẽ nảy sinh.
Thiên Bảo theo Financial Times, 20-6-2012