Eurozone đang dần thoát khỏi bóng đêm
Chỉ báo niềm tin của giới quản trị doanh nghiệp trong Eurozone vẫn còn rất thấp. Đồng thời, nguy cơ sụt giảm kinh tế kỳ vọng vẫn có thể sẽ tái hiện tại nước Anh vì số liệu GDP tiêu cực của quý IV-2012 chính là lời cảnh báo cụ thể nhất. Tuy nhiên, theo Conference Board (một tập đoàn nghiên cứu kinh tế tại Bỉ), viễn cảnh tương lai dành cho Eurozone sẽ không quá mờ mịt và tình hình đang ngày một sáng sủa hơn trong các nước chủ lực tại khu vực sử dụng đồng tiền chung. Commerzbank cho hay nền kinh tế Đức đã đạt đến đỉnh điểm của cuộc hồi sức từ tháng 12-2012 sau khi Ngân hàng châu Âu cam kết mua trái phiếu từ các nền kinh tế gặp rắc rối trong khu vực nhằm ngăn chặn sự đổ vỡ của đồng euro. Tương tự, BNP Parisbas cũng tỏ ra lạc quan về nước Đức và tin rằng chu kỳ gia tăng sản xuất của toàn cầu đang trở lại nhờ mức độ thất nghiệp giảm, chính sách tài chính được nới lỏng, tạo điều kiện tăng mức tiêu thụ của người dân, từ đó kích thích xuất nhập khẩu cũng như niềm tin của giới đầu tư. Ngoài ra, nhóm tư vấn tại G+ Economics còn phát hiện rằng giới đầu tư vẫn không ngại những khoản đầu tư có rủi ro cao trong bối cảnh giá chứng khoán châu Âu đang chạm đến mức thấp kỷ lục và lợi nhuận thu được từ các loại trái phiếu doanh nghiệp ở đây cũng sa sút mạnh. Điều đó càng khẳng định rằng nền kinh tế châu Âu đang dần lấy lại phong độ, điều mà người Nhật cũng đang rất kỳ vọng. Vừa qua, Chính phủ và Ngân hàng Trung ương Nhật Bản đã đồng ý đặt 2% là mức lạm phát cho phép, cũng như đính kèm 1% làm “mục tiêu mềm”. Thông qua cam kết mở về việc mua lại trái phiếu và bơm thêm tiền mặt, Ngân hàng Credit Suisse cho rằng Chính phủ Nhật đang sử dụng một chính sách tiền tệ dễ dàng hơn nhằm điều hòa nền kinh tế đã bị thắt chặt chi tiêu bấy lâu nay trước khi cân nhắc đến việc giảm bớt món nợ công vốn đã đạt đến con số kỷ lục, tương đương 220% GDP. Xem ra, sứ mệnh mà Tokyo đang gánh vác sẽ trở nên phức tạp và khó khăn hơn châu Âu vì người Nhật đang hướng đến một sự thâm hụt trong tài khoản vãng lai của quốc gia và trở nên lệ thuộc nhiều hơn vào giới đầu tư nước ngoài trong việc đầu tư vào các khoản thiếu hụt ngân sách. Trong năm 2012, thâm hụt của Chính phủ Nhật đã lên đến 6,6 ngàn tỉ yen, tương đương 73,4 tỉ USD (năm 2011 mới chỉ bị thâm hụt 2,7 ngàn tỉ yen). Hệ quả tức thời sẽ là sự giảm giá của đồng yen, khiến chính phủ nhiều nước đã lên tiếng cảnh báo về một cuộc chiến tiền tệ mới cũng như rủi ro trung hạn do chính sách tiền tệ quá lỏng lẻo của Nhật Bản – một quốc gia trong nhóm G7.
Lâm Kiên theo Reuters