Khai mạc từ tháng 5 và sẽ kéo dài đến ngày 12-11-2017, triển lãm có tên gọi “Chất thơ của Joseph Inguimberty” (Poésie de Joseph Inguimberty) tại Bảo tàng Regards de Provence (Pháp) nhằm tôn vinh một tài năng hội họa sinh trưởng ở thành phố cảng Marseille, người đã có nhiều năm gắn bó với nền mỹ thuật Việt Nam hiện đại.
Sự nghiệp nghệ thuật dài lâu của Joseph Inguimberty (1896-1971) trải dài khắp vùng Provence – vùng đất đông nam nước Pháp, bên bờ Địa Trung Hải và gần với Ý, nơi có nhiều thành phố du lịch nổi tiếng như: Nice, Cannes, Aix-en-Provence… – và Việt Nam. Rất nhiều tác phẩm của Inguimberty được sáng tác tại vùng châu thổ sông Hồng, vào thời gian ông cùng với Victor Tardieu thành lập Trường Cao đẳng Mỹ thuật Đông Dương, cái nôi sinh của các họa sĩ bản xứ vào nửa đầu thế kỷ XX. Với sự hướng dẫn của ông, các thế hệ họa sĩ hiện đại đầu tiên của Việt Nam đã tìm thấy sự hòa điệu giữa cái nền thực hành nghệ thuật truyền thống với mỹ học phương Tây – một sự kết hợp đã dẫn tới sự thay đổi hoàn toàn khung cảnh mỹ thuật Việt.
Tác phẩm của Inguimberty mạnh mẽ, thuần nhất và đầy biểu cảm, cho thấy những ảnh hưởng của cả chủ nghĩa tự nhiên và trào lưu Ấn tượng của hội họa Pháp, thể hiện ở khả năng xử lý một cách táo bạo các yếu tố tự nhiên, đi cùng sự mô tả trực tiếp và mang tính thi ca các khung cảnh và nhân vật trong tranh, nhờ đó đạt được trạng thái hài hòa và cân bằng về mặt nghệ thuật. Có khoảng 80 bức tranh được họa sĩ vẽ tại Đông Dương trong những năm 1920, bao gồm cảnh sắc thiên nhiên, nông dân cày cấy trên đồng ruộng, sinh hoạt thường ngày, phụ nữ Bắc bộ vào những thời khắc riêng tư… Số tranh còn lại thể hiện vùng đất quê nhà của ông với cảng Marseille, vùng nông thôn Provence và vùng bờ biển sôi động Côte d’Azur giáp với nước Ý. Inguimberty chào đời ở Marseille nên trong những tác phẩm đầu tay của ông dễ dàng nhận ra những bến tàu, và khi đến Việt Nam để đảm nhận công việc đào tạo mỹ thuật thì tranh của ông phản ánh thiên nhiên, cuộc sống vùng đất mới với những cảm xúc được ông thể hiện tràn trề trên mặt toan. Inguimberty trở về Pháp năm 1945 khi chiến tranh nổ ra trên đất Việt Nam; từ đó ông về sống ở Menton quê vợ, nơi ông cũng vẽ rất nhiều tranh về thị xã xinh đẹp này.
Nhà phê bình mỹ thuật Giulia Pentcheff từng nhận định: “Trong hai mươi năm sống ở Việt Nam, Joseph Inguimberty đã vẽ được nhiều bức tranh trong số những sáng tạo hứng khởi nhất của sự nghiệp hội họa của ông… Thoát khỏi những mô tả dạng du ký ở một xứ sở xa lạ, tác phẩm của Inguimberty là thành quả của một sự hôn phối sâu sắc với các thành tố phức tạp mà đẹp đẽ của xã hội Việt Nam, với phong cảnh và con người thôn dã hết sức đa dạng…”.
- Lê Bản