Thông thường, các nhân viên bán hàng thích tập trung công sức vào việc thu hút khách hàng mới hoặc theo đuổi những khách hàng lớn. Làm như vậy, họ dễ bỏ quên những khách hàng có thể nhỏ lẻ, không mấy hấp dẫn, nhưng vẫn rất cần thiết để giúp doanh nghiệp tăng doanh số.
Hơn thế, nếu biết dõi theo khách hàng với thái độ tích cực và chân thành thì ngay sau giai đoạn mua hàng những khách hàng này có thể trở thành khách hàng lớn hoặc là đầu mối của một nhóm khách hàng có thiện cảm với thương hiệu của doanh nghiệp. Vậy nên làm gì đối với những khách hàng nhỏ lẻ đó?
Chứng tỏ cho khách hàng biết những gì bạn làm vì họ
Hành động ấy có thể thực hiện dưới hình thức bản tin định kỳ, gửi thư hoặc email đến các khách hàng, gần gũi hơn nữa là thỉnh thoảng trao đổi qua điện thoại. Dù vận dụng bất kỳ hình thức nào, điều cốt lõi là bạn nên chỉ rõ cho khách hàng thấy đâu là dịch vụ ưu việt mà bạn đang dành cho họ.
- Xem thêm: Xu hướng mới trong dịch vụ khách hàng: Chủ động dự báo và giúp khách hàng ngăn chặn vấn đề
Nếu không bao giờ đề cập đến những điều bạn làm vì lợi ích của khách hàng, có thể họ chẳng bao giờ chú ý đến chúng. Hãy thử tưởng tượng rằng bằng một cú điện thoại, bạn cho khách hàng biết rằng họ không phải bận tâm vì đã có người lo lắng mọi thủ tục giấy tờ, lo giao hàng đúng hạn thì họ sẽ hài lòng ra sao.
Viết và gửi đến khách hàng lâu năm những lá thư bằng nét chữ của mình
“Tôi đang ngồi tại bàn làm việc và chợt nhớ đến những vị khách hàng thân tín như anh. Dạo này anh có còn phải đi công tác xa nhiều nữa không?Nếu anh vẫn bận rộn như năm ngoái thì các chuyến đi có thể làm cho cặp, túi xách của anh bị sờn, cũ.Tôi sẽ đích thân ghé đến chỗ anh với những mẫu cặp và túi mới nhất bất cứ khi nào anh cho phép”.
Nếu vô tình gặp lại một khách hàng cũ tại một sự kiện nào đó, hãy duy trì mối quan hệ bằng lá thư ngắn, trong đó có dòng “Thật tuyệt khi gặp lại ông trong sự kiện vừa rồi nhưng tiếc là chúng ta chưa trao đổi được gì nhiều. Hy vọng sẽ sớm được gặp lại ông trong tuần tới nếu ông thu xếp được thời gian để chúng ta chuyện trò tiếp trong một bữa ăn trưa”.
Coi trọng yếu tố cá nhân
Email và tin nhắn hộp thư thoại là cách dễ dàng nhất để thông tin đến khách hàng, nhưng cả hai phương tiện này đều thiếu yếu tố cá nhân nên không được xem là cách săn sóc khách hàng phù hợp nhất.
Nếu như chưa thể nêu được những điều cần trình bày với các khách hàng quen thuộc của mình, hãy gửi tin nhắn nói rằng bạn muốn giới thiệu trực tiếp với họ điều mà bạn tin rằng họ rất quan tâm và đề nghị được ghé thăm văn phòng của họ vào lúc thích hợp nhất.
Ghi nhớ những sự kiện đặc biệt
Hãy dành chút thời gian gửi đến khách hàng của bạn những tấm thiệp chúc sinh nhật, thiệp mừng kỷ niệm, thiệp lễ tết… Ngoài ra, quà tặng cũng là một công cụ chăm sóc tuyệt vời.
Hãy tận dụng sức sáng tạo của đội ngũ nhân viên tiếp thị để tìm ra những ý tưởng về món quà tặng thú vị nhất gắn liền với hình ảnh doanh nghiệp của bạn, đồng thời khéo léo gợi lại việc mua hàng mới đây của họ.
Chia sẻ thông tin
Nếu bạn đọc một bài viết hay, thấy một cuốn sách mới đáng đọc hoặc nghe tin câu lạc bộ nào đó tổ chức một sự kiện hấp dẫn mà khách hàng có thể quan tâm, hãy chia sẻ điều đó với khách hàng bằng một tin nhắn hay một cú điện thoại.
Gọi điện thoại hỏi thăm cũng là một cơ hội phát triển kinh doanh
Khi bạn dùng điện thoại nói chuyện với khách hàng, nên cố gắng tìm hiểu nhu cầu của họ, thật lòng hỏi họ có điều gì đang cần giải quyết để đưa ra gợi ý hoặc sẵn sàng trực tiếp mang lại giải pháp cho họ.
Mối quan hệ thân tình của bạn sẽ được đền đáp bằng câu trả lời cởi mở, cũng thật lòng của khách hàng và đó chính là cơ hội kinh doanh mới dành cho bạn. Nó có thể do chính khách hàng đề xuất, cũng có thể là nhu cầu của từ bạn bè, đồng nghiệp hay người thân của họ.