Erwiana Sulistyaningsih, 25 tuổi, đã trở thành gương mặt điển hình của lớp người thiểu số giúp việc nhà mà sinh hoạt ở Hongkong ngày nay không thể trơn tru nếu không có họ. Không thể tiếp tục chịu đựng sự ngược đãi, khổ nhục khốn cùng, đầu năm 2014, Sulistyaningsih may mắn đào thoát thành công về quê nhà ở Indonesia. Sau đó, tháng 2-2015, mụ chủ người Hongkong nhận án sáu năm tù vì tội gây nên những thương tích trầm trọng trên cơ thể người giúp việc khốn khổ. Báo giới lên tiếng hy vọng vụ án như thế không bao giờ tái diễn trên đất Hongkong phồn thịnh.
Trước tòa, Sulistyaningsih khai thường xuyên bị nhiếc móc, đánh chửi, nhiều khi còn bị đánh đập bất tỉnh. Ăn uống thì chỉ có cơm và nước lã, chỉ được ngủ bốn giờ một ngày đêm. Có muốn trốn cũng khó, vì hộ chiếu bị thu giữ để bảo lãnh tiền nợ di trú, tìm việc…
Tháng 3-2016, Sulistyaningsih trở lại Hongkong và cho biết: “Những tên cò xuất khẩu lao động tiếp tục dối trá, lừa bịp, bẫy người đói nghèo bán mình làm tôi tớ. Chẳng có gì thay đổi cả, người xuất khẩu lao động làm đầy tớ vẫn bị đọa đày. Có đến 50 ngàn người giúp việc gia đình ở Hongkong vẫn bị khổ sai cùng cực”.
Hiện ở Hongkong có tới 300 ngàn người giúp việc gia đình, số đông đến từ Indonesia, Philippines. Bị nhũng lạm, đọa đày mà không dám kêu ca, không biết kêu cứu ai, ở đâu. Giữa tháng 3 năm nay, Trung tâm tư pháp bảo vệ quyền con người cho biết có ít nhất 50 ngàn người giúp việc gia đình ở Hongkong bị đối xử như những nô lệ khổ sai. Hơn 14% người giúp việc ở Hongkong là nạn nhân của bọn buôn người. Ủy ban chống tra tấn Liên Hiệp Quốc đã mạnh mẽ kiến nghị chính quyền Hongkong cấp tốc cải cách luật pháp để bảo vệ quyền lợi tối thiểu người giúp việc gia đình.
Theo Tổ chức Lao động Quốc tế của Liên Hiệp Quốc (OIT), trên thế giới hiện có tới 60 triệu người giúp việc gia đình, hầu hết không được xã hội bảo hộ. Khó có thể kiểm soát lao động giúp việc gia đình, bởi nơi làm việc là tư gia, tiền công trả trực tiếp bằng tiền mặt, không hợp đồng lao động…
Lê Lành theo Libération (DNSGCT)