Nằm chơi vơi giữa biển khơi, Côn Đảo sở hữu hệ sinh thái vô cùng đặc trưng mà không nơi nào có được. Đến đây, ta sẽ ngỡ ngàng khi tận mắt nhìn thấy những gốc cây cổ thụ cao sừng sững, gốc to hai ba người ôm không xuể.
Đa phần các cây cổ thụ ở đây là bàng và bằng lăng. Do vậy, tới Côn Đảo, ta sẽ được đi trên những “con đường bàng” và “con đường bằng lăng” rợp bóng mát, nhưng nhiều nhất vẫn là bàng. Cây bàng được xem là biểu tượng của Côn Đảo. Cây bàng góp phần tạo nên không gian trầm mặc, cổ kính, hoang sơ. Không chỉ thế, cây bàng còn là sự song hành với lịch sử đẫm nước mắt của “địa ngục trần gian” với biết bao đau thương, mất mát.
Cơn gió nhẹ, lá bàng rơi…
Cây bàng ở Côn Đảo xuất hiện vào thời điểm nào không ai biết chính xác, nhưng chắc chắn là cây bàng có mặt ở Côn Đảo vào những ngày đầu thực dân Pháp đánh chiếm nước ta, cùng thời điểm mà thực dân Pháp đưa người tù chính trị ra đảo để giam cầm, và thế là cây bàng gắn bó chặt chẽ với người tù Côn Đảo.
Bàng Côn Đảo thuộc loại giống cây rừng, lá, quả to hơn bàng nơi khác. Ngày xưa, người ta trồng bàng để chắn gió, bão, bảo vệ đảo. Có lẽ giờ đây chúng ta phải gọi là “cụ bàng” mới đúng, bởi vì ở đây có tới gần 60 cây bàng có tuổi thọ từ 130-150 tuổi, được xếp vào hàng cây “Di sản Việt Nam”. Nắng, gió, bão, cát Côn Đảo là nguồn thức ăn nuôi dưỡng cho cây lớn khỏe từng ngày.
Vượt qua thời tiết khắc nghiệt, cây bàng vẫn xanh lá, gốc to hơn, vỏ xù xì gân guốc. Ở Côn Đảo, bàng có mặt ở khắp mọi nơi, đến mùa lá rụng, lá đỏ như màu cờ bay xào xạc trên đường, trên sân nhà tù, những chiếc lá rơi bị gió cuốn đi nghe sột soạt như lời thì thầm của những anh linh đang quanh quẩn đâu đây.
Cơn gió nhẹ, lá bàng rơi
Viết lên trang sử ngàn đời không phai
Những người tù Côn Đảo thường kể những câu chuyện về cây bàng. Trong thời gian bị giam cầm, mỗi lúc được ra ngoài, họ thường tìm cách hái những lá bàng non, những trái bàng xanh đem giấu trong người, ngậm trong miệng, trong thùng vệ sinh hoặc nơi nào có thể qua mặt được những cai tù để đem về phòng giam chia cho đồng đội.
Ban đầu ăn lá, trái bàng non chỉ đơn thuần là do người tù thiếu quá nhiều chất xanh, nhưng về sau người tù nhận ra lá bàng còn giúp cho vết thương bớt đau nhức, đỡ mưng mủ, chữa được tiêu chảy… Lá bàng góp phần cứu sống nhiều tù nhân.
Không chỉ thế, người tù còn nghĩ cách viết trên lá bàng để truyền tin cho nhau. Gốc cây bàng nhiều ngõ ngách trở thành hộp thư liên lạc bí mật giữa những người tù cách mạng. Trong một lần đến thăm Côn Đảo, nhà thơ Võ Quê đã viết:
Lá bàng trong gió đong đưa
Lá rơi ta nhặt làm thơ lá bàng
Long lanh từng mũi kim vàng
Ngợi ca đất nước đẹp hàng chữ thiêng
Vào những ngày đông rét buốt, người tù nhặt lá bàng rơi giấu mang về trại lót trên nền bê tông đá chống chọi với cái lạnh hay làm giảm đi cái nóng khắc nghiệt của mùa hè. Nhiều người tù ở một thời gian dài cứ nhìn bàng thay lá mà nhẩm tính thời gian.
- Xem thêm: “Gà nước mặn” ở Côn Đảo
Sau ngày 30.4.1975, người tù được tự do trở về quê nhà, nhưng cây bàng vẫn đứng đó hiên ngang, vững chãi với hình dáng kỳ lạ như rồng bay phượng múa, như chiếc ngà voi vươn ra phía trước sẵn sàng lao vào kẻ thù. Nó còn mang dáng dấp của vị thần núi, thần biển trấn giữ quê hương hải đảo, đem lại an bình cho người dân nơi đây.
Hạt bàng – đặc sản Côn Đảo
Người dân trên đảo kể rằng: Xưa có một người đàn ông bị đày ra đảo, ngày tết không có gì để cúng ông bà, ông lang thang trên đảo và nhặt những trái bàng rơi rụng đem về chế biến thành thức ăn, nào luộc, nào rang. Quả bàng sau khi chế biến ăn ất ngon, tiếng lành đồn xa, dần dần hạt bàng trở nên phổ biến. Nhưng chế biến mất nhiều công sức nên hàng năm họ chỉ làm vào những ngày lễ tết mà thôi. Nhưng rồi thấy được lợi ích của hạt bàng, mỗi khi rảnh rỗi, đến mùa bàng chín rụng, người dân nơi đây rủ nhau đi nhặt trái bàng.
Nhặt bàng phải đi từ rất sớm khoảng 3, 4 giờ sáng. Lúc đó sau khi dơi ăn, những quả bàng chín sẽ rụng xuống và chưa bị ai quét dọn. Quả bàng nhặt được phải phơi khô rồi chặt lấy nhân, do chặt quen tay, lực vừa phải nên hạt bàng không bị vỡ, một buổi có thể chặt được 1kg hạt bàng. Lúc đầu, hạt bàng chỉ là món ăn chơi trong gia đình rồi vì cuộc sống, họ làm để đem bán, nhất là sau khi có khách du lịch tìm đến đảo, hạt bàng được mọi người biết đến và người dân nơi đây tìm cách chế biến hạt bàng phong phú hơn để phù hợp với khẩu vị của khách.
Hạt bàng ăn thơm có vị ngọt của đường, vị mặn của muối, vị cay của gừng, sa tế. Tất cả hòa lẫn với vị bùi, béo của hạt khiến cho những ai ăn một lần không thể nào quên. Hạt bàng sau khi chế biến đóng gói vào túi hút chân không để bảo quản lâu dài. Hạt bàng nhanh chóng trở thành đặc sản riêng của Côn Đảo.
- Xem thêm: Hạt bàng Côn Đảo
Từ quả bàng, người dân Côn Đảo có thêm thu nhập cải thiện đời sống. Du khách đến Côn Đảo mang hạt bàng về đất liền làm quà cho bạn bè, người thân để cùng nhau thưởng thức hương vị mặn của muối biển. vị ngọt ân tình của gười dân Côn Đảo. Những cảm xúc về Côn Đảo mãi mãi không quên!