Vết rạn nứt trong xã hội Tây Ban Nha đang lan rộng chỉ vài ngày sau cuộc bỏ phiếu trưng cầu ý dân về việc Catalonia tách khỏi nước này, dẫn đến lo ngại rằng một cuộc đối đầu giữa chính quyền trung ương và các lực lượng ủng hộ độc lập sẽ khó tránh khỏi.
Tình hình căng thẳng hơn khi Thủ tướng cánh hữu Mariano Rajoy đưa lực lượng an ninh đến dẹp người biểu tình không có vũ khí. Ít nhất đã có hơn 760 người bị thương trong các cuộc đụng độ với cảnh sát.
Sự thách thức này có thể gây ra một cuộc khủng hoảng hiến pháp với những hậu quả sâu sắc không chỉ với Tây Ban Nha mà cả châu Âu, bởi nếu Catalonia đòi độc lập thành công thì có thể tạo thành tiền lệ nguy hiểm làm dấy lên cơn sốt ly khai trong các nước Liên minh châu Âu (EU).
Cuộc khủng hoảng này đang được cả châu Âu theo dõi từng ngày và giới chính trị gia cũng phân hóa, người thì bày tỏ ủng hộ Madrid, người lại cho rằng đây chỉ là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha.
Nhưng tất cả đều cùng chung nhận định khi căng thẳng gia tăng sẽ khó tránh khỏi hỗn loạn ở một trong những khu vực trọng yếu nhất của lục địa.
Vì sao người Catalonia muốn độc lập?
Không loại trừ khả năng, trong thời gian sớm nhất, Catalonia – một trong những vùng tự trị của Tây Ban Nha nằm ở đông bắc nước này – có thể sẽ đơn phương tuyên bố độc lập khỏi Tây Ban Nha, sau cuộc trưng cầu dân ý gây nhiều tranh cãi hôm 1-10. Kết quả trưng cầu cho thấy hơn 90% cử tri Catalonia ủng hộ tách khỏi Tây Ban Nha.
Khát khao độc lập của người dân Catalonia xuất phát từ việc muốn có quyền tự quyết trong tất cả lĩnh vực bao gồm văn hóa, chính trị, đặc biệt là về kinh tế.
“Madrid nos roba” (Madrid cướp của chúng ta) là khẩu hiệu phổ biến được sử dụng trong phong trào ly khai ở Catalonia. Người dân ở đây phàn nàn rằng họ đóng lượng thuế lớn cho chính quyền Tây Ban Nha nhưng được nhận lại không tương xứng. Năm 2014, Catalonia khẳng định họ trả nhiều hơn 11,8 tỉ USD cho các cơ quan thuế Tây Ban Nha so với số tiền nhận về.
Catalonia chiếm 60% lãnh thổ và 16% dân số Tây Ban Nha, nổi tiếng với thủ phủ Barcelona. Nhờ vị trí địa lý thuận lợi, vùng này được coi là cửa ngõ vào Nam Âu – một khu vực quan trọng của Địa Trung Hải, là cầu nối đến vùng Maghreb của Bắc Phi, đến châu Á và Mỹ Latin. So với mặt bằng chung cả nước, Catalonia có nhiều ngành công nghiệp hơn, thu hút nhiều vốn đầu tư nước ngoài, hệ thống giáo dục tốt hơn, bất bình đẳng hẹp hơn và thị trường lao động được đánh giá vượt trội. Các ngành công nghiệp quan trọng nhất tại đây là thực phẩm – đồ uống, dược phẩm – sinh học, hóa chất, công nghệ thông tin và công nghệ y tế. Đặc biệt là ngành công nghiệp không khói: du lịch. Năm ngoái, 18 triệu trong tổng số 75 triệu du khách đến Tây Ban Nha đã chọn Catalonia làm điểm đến chính.
Tất cả các lợi thế trên đã đưa GDP đầu người của khu vực này tương đương mức trung bình của Liên minh châu Âu (EU) và thậm chí cao hơn Tây Ban Nha. Năm ngoái, thu nhập bình quân của người Catalonia là 28.600 USD, trong khi con số này của cả nước chỉ là 24.000 USD.
Thiếu Catalonia, Tây Ban Nha có thể vẫn giữ được vị thế nền kinh tế lớn thứ 4 khu vực đồng tiền chung châu Âu sau Đức, Pháp và Italy, nhưng nội lực của quốc gia này sẽ suy yếu đáng kể.
Khi thông tin 90% người bỏ phiếu trưng cầu dân ý muốn tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha được công bố, đồng euro đã giảm 0,33%, xuống mức 1,1776 USD vào sáng 2-10 trên thị trường châu Á.
Thật ra cuộc đấu tranh đòi độc lập ở Catalonia đã manh nha cách đây hơn ba thế kỷ, khi vua Philip V của Tây Ban Nha chiếm Barcelona vào năm 1714. Năm 1932, các lãnh đạo khu vực tuyên bố thành lập Cộng hòa Catalonia và được Chính phủ Tây Ban Nha đồng ý. Catalonia trở thành vùng tự trị từ đó.
Nhưng khi nhà độc tài Francisco Franco lên nắm quyền thủ tướng Tây Ban Nha vào năm 1939, ông đã đàn áp có hệ thống mọi nỗ lực đòi quyền tự trị ở Catalonia, quét sạch tất cả các thể chế và ngôn ngữ riêng biệt ở đây.
Sau khi Franco qua đời, cuộc đấu tranh đòi độc lập được khởi động lại một cách mạnh mẽ. Năm 2006, Catalonia có bước tiến lớn khi đàm phán với Madrid về một đặc quyền, đòi công nhận vùng này là “quốc gia”. Tuy nhiên, Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha năm 2010 đã bác yêu cầu trên, khiến những tiếng nói đòi độc lập càng bùng lên mạnh mẽ.
Ngày nay, Catalonia nắm trong tay quyền tự chủ tài chính lớn hơn nhiều so với hầu hết các khu vực khác ở Tây Ban Nha. Tuy nhiên, điều đó vẫn chưa đủ đối với không ít người dân Catalonia, bởi nhiều người Catalonia lớn lên và tin rằng họ đơn giản không phải người Tây Ban Nha.
Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy lên án cuộc trưng cầu dân ý về việc tách rời Catalonia là phi pháp. Theo chính quyền Tây Ban Nha, cuộc bỏ phiếu làm suy yếu luật pháp và tạo ra một tiền lệ nguy hiểm.
Hàng ngàn binh sĩ và cảnh sát đã được điều tới Catalonia để ngăn cuộc trưng cầu dân ý diễn ra vào hôm 1-10, tịch thu hàng triệu lá phiếu, bắt giữ hàng chục quan chức ủng hộ độc lập.
Trong khi đó, những người nói “không” với kế hoạch tách Catalonia khỏi Tây Ban Nha lo sợ kinh tế khu vực sẽ chịu tổn thất nặng nề nếu kịch bản trên diễn ra. Để một Catalonia mới độc lập gia nhập EU và Tổ chức Thương mại Thế giới (WTO) gần như là điều không thể và như vậy sẽ mất đi các điều kiện làm ăn thuận lợi so với các nước khác.
Quá nhiều bất lợi
Cuộc trưng cầu dân ý diễn ra hôm 1-10 vừa qua không có giá trị pháp lý, bởi nó bị Tòa án Hiến pháp Tây Ban Nha cùng Madrid phản đối vì đi ngược lại hiến pháp năm 1978.
Giới chuyên gia nhận định kết quả trưng cầu dân ý này có nguy cơ đẩy Tây Ban Nha rơi vào một trong những cuộc khủng hoảng chính trị tồi tệ nhất kể từ năm 1975 tới nay.
Ông Carles Puigdemont, người đứng đầu vùng tự trị Catalonia, hôm 3-10 cho rằng nếu chính phủ Tây Ban Nha kiểm soát chính quyền vùng tự trị thì đây sẽ là “một lỗi lầm làm thay đổi mọi thứ”.
Ông Puigdemont cũng kêu gọi quốc tế can thiệp, giúp xử lý khủng hoảng và cho biết ông bất đồng với tuyên bố của Ủy ban châu Âu rằng đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha.
Trước đó, người phát ngôn của Ủy ban châu Âu Margaritis Schinas cho rằng cuộc bỏ phiếu trưng cầu của Catalonia là bất hợp pháp theo luật Tây Ban Nha. Không những thế, ông còn nhấn mạnh: “Đây là vấn đề nội bộ của Tây Ban Nha, phải được xử lý phù hợp với trật tự hiến pháp của Tây Ban Nha” và kêu gọi tất cả các bên trong cuộc khủng hoảng nhanh chóng chuyển từ đối đầu sang đối thoại.
Trong bài phát biểu hiếm hoi trước cả nước, vua Tây Ban Nha Philip VI hôm 3-10 công kích việc ủng hộ độc lập của Catalonia, cáo buộc những người đòi ly khai “phá vỡ nguyên tắc dân chủ” và cố chia rẽ đất nước. “Vì những hành vi vô trách nhiệm của họ, chính quyền Catalan đã đặt bản sắc xã hội của Catalonia và toàn bộ Tây Ban Nha vào vòng nguy hiểm” – ông nói trên truyền hình.
Thoạt nhìn Catalonia dường như đã có những điều cần thiết để thành lập một nhà nước độc lập bao gồm quốc kỳ, nghị viện, cơ quan lãnh đạo. Vùng tự trị này cũng có lực lượng cảnh sát riêng gọi là Mossos d’Esquadra. Catalonia có cơ quan quản lý phát thanh truyền hình riêng và thậm chí có các phái bộ ngoại giao, tức “các đại sứ quán mini” để thúc đẩy thương mại và đầu tư vào Catalonia từ khắp nơi trên thế giới. Catalonia cũng đã tự cung cấp một số dịch vụ công như giáo dục và y tế.
Song trong trường hợp Catalonia tuyên bố độc lập, họ có rất nhiều việc phải làm như kiểm soát biên giới, giao thông; xây dựng lực lượng hải quan, quốc phòng; thiết lập quan hệ quốc tế, ngân hàng trung ương và sở thuế vì tất cả các hoạt động này đều do Madrid điều hành. Nhưng giả định các cơ quan mới được thành lập, liệu Catalonia có đủ ngân sách để trang trải cho các hoạt động của chúng?
Theo nhà bình luận Ciaran Giles từ AP, sau khi tuyên bố độc lập, ngoài việc hạ quốc kỳ Tây Ban Nha xuống khỏi các tòa nhà chính quyền, nhà chức trách Catalonia khó có thể làm điều gì khác. Việc tuyên bố độc lập chỉ mang tính biểu tượng. Ciaran Giles cho rằng Catalonia không có đủ lực lượng an ninh để thiết lập các đường biên giới, trong khi đó, các lĩnh vực quan trọng như thuế, ngoại giao, quốc phòng, các sân bay, cảng biển, tàu lửa đều được đặt dưới sự kiểm soát của chính quyền Tây Ban Nha ở Madrid. Gần đây, Tây Ban Nha cũng kiểm soát gần như hoàn toàn hoạt động chi tiêu của Catalonia.
Hiện chưa có quốc gia hay cơ quan quốc tế nào bày tỏ sự ủng hộ đối với phong trào đòi độc lập của chính quyền Catalonia. Vì vậy, bất kỳ tuyên bố độc lập nào của Catalonia cũng có thể bị bác bỏ ngay từ đầu. Liên minh châu Âu (EU) đã sát cánh bên chính quyền của Thủ tướng Tây Ban Nha Mariano Rajoy khi tuyên bố rằng Catalonia sẽ bị loại khỏi EU và không được sử dụng đồng tiền chung EUR nếu tuyên bố độc lập.
Điều 155 của Hiến pháp Tây Ban Nha cho phép chính phủ đình chỉ hoàn toàn hoặc một phần quyền tự trị của bất cứ vùng nào nếu chính quyền của vùng đó không tuân thủ các cam kết hiến pháp hoặc tấn công các lợi ích chung của Tây Ban Nha.
Trước hết, Catalonia sẽ bị cảnh báo và nếu chính quyền vùng này tiếp tục không tuân thủ, các biện pháp xử lý tiếp theo sẽ được đưa ra thượng viện Tây Ban Nha để bỏ phiếu thông qua. Đây sẽ là vấn đề đơn giản đối với Thủ tướng Rajoy vì đảng của ông đang nắm đa số ghế tại thượng viện.
Các biện pháp xử lý tiếp theo có thể bao gồm đặt toàn bộ cảnh sát của Catalonia dưới sự kiểm soát của Tây Ban Nha. Nếu cần thiết, lực lượng cảnh sát Tây Ban Nha có thể được triển khai thực thi các biện pháp này.
Phương án gay gắt hơn là tuyên bố tình trạng bị bao vây nếu chủ quyền của Tây Ban Nha bị uy hiếp bởi tuyên bố độc lập của Catalonia. Động thái này có thể cho phép tạm ngưng các quyền dân sự và áp đặt thiết quân luật ở Catalonia. Biện pháp này cần được đưa ra thảo luận và thông qua tại hạ viện Tây Ban Nha. Đây là bước đi khó khăn vì đảng của ông Rajoy chỉ nắm thiểu số ở hạ viện.
Thông tin mới nhất cho hay, hôm Chủ nhật 8-10, ít nhất 300.000 người đã tập trung tại Barcelona biểu tình phản đối nỗ lực tách xứ này khỏi Tây Ban Nha. Nguồn thạo tin nói rằng kế hoạch ly khai của Catalonia có thể sẽ bị tạm hoãn. Đây là cuộc biểu tình phản đối ly khai lớn nhất tại Catalonia từ trước đến nay.