Năm mươi tuổi, Lâm mua thêm một căn nhà ở vùng cao nguyên cách thành phố anh đang sống gần hai trăm cây số. Ở cái tuổi mà phần đông bạn bè cùng thành phố đều có hai, ba cơ ngơi, không nhà thì đất, cái gia sản hai căn nhà của Lâm không có gì đáng để gọi là giàu có hay vượt trội hơn.
Thật ra, việc mua bán nhà đất đối với Lâm không phải lần đầu tiên. Cách đây mười năm khi còn làm công trình thủy điện cũng ở vùng cao nguyên đó, giá đất lúc ấy còn “bèo”, nhiều người tranh thủ mua đất giống như rủ nhau săn hàng khuyến mãi ở siêu thị. “Người ta mua mình cũng mua”, gói ghém tiền lương, thưởng dành dụm mấy năm trời Lâm mua một miếng đất mang tiếng là ngay trung tâm thị xã, nhưng để vào đến nơi, từ bến xe phải đi vòng qua hồ, rẽ vào một con đường nhỏ cắt ngang phố chính, rồi còn phải rẽ hai lần nữa mới đến.
Miếng đất nằm trong khu vực thung lũng, lác đác dăm nóc nhà, xung quanh toàn cây mắc cỡ và cỏ lau lút đầu. Khi quyết định mua, Lâm đánh giá tiềm năng của nó rất cao nhờ có hai ngôi trường trung học đang được xây dựng. Hồi đó, thị xã chưa phát triển như bây giờ, có những khu vực bạt ngàn đất trống, giá rẻ như cho. Dân ngụ cư, không nhiều vốn liếng, vài chỉ vàng có thể tậu được một khu đất xa tít tắp phía trong; bỏ sức lao động trồng trà, cà phê hay trồng dâu, nuôi tằm… Ra sức làm, vài năm thôi đã thấy khác lắm. Bỏ chiếc xe đạp cọc cạch thay bằng xe máy, trong nhà sắm tivi, đầu đĩa… Rồi cất nhà mái bằng, lên đời tiếp thành biệt thự, dư sức nuôi con ăn học ở thành phố lớn, mạo hiểm hơn, nghĩ kế hoạch cho con đi học nước ngoài. Những ngày Chủ nhật không về thành phố, Lâm lang thang khắp thị xã, quan sát đời sống dân cư.
Ở đây, trà là cây sống đời, là nguồn sống, là tương lai cho con cháu mai sau. Trà được trồng khắp nơi, trên đồi, dưới thung lũng, trước sân, trong vườn… Trên là mây, dưới là trà. Những khu vườn trà bạt ngàn đẩy ước mơ và hy vọng của Lâm theo màu xanh ngút mắt đến tận trời xanh. Anh xây hết kiểu biệt thự này đếnvilakia trên mảnh đất ba trăm mét vuông đầy cỏ lau đó. Cả một đời nghiên cứu địa chất, chuyên ở tuyến trước làm công việc tiền trạm, Lâm rút ra một kết luận: nơi nào có thủy điện, nơi đó đời sống dân cư sẽ khá lên. Đây là một thị xã có nhiều tiềm năng để phát triển và tất nhiên miếng đất của anh cũng sẽ có cơ hội ăn theo.
Công trình hoàn tất, khi cá tôm bắt đầu đổ về khu vực lòng hồ, thì cơ quan Lâm rút quân. Về thành phố, hòa nhập lại với dòng chảy cuồn cuộn, sôi động hằng ngày. Buổi sáng đến cơ quan nghe giá vàng, đôla tăng vù vù theo một gia tốc nhanh dần đến chóng mặt, Lâm lại nghĩ đến việc mua đất. Chẳng phải anh là người thích đầu cơ hay dư dả tiền bạc gì; nhưng, như đã nói ở trên, Lâm thuộc dạng người ta có gì mình có đó, gọi là “cho vui”. Thành phố ngày càng chật. Người khôn, của khó, người nở chứ đất đâu nở? Muốn có đất với túi tiền hạn chế phải nghĩ đến vùng ven. Cùng người bạn thân lang thang bao nhiêu ngày nghỉ cuối tuần Lâm mới tìm được một lô đất ưng ý.
- Xem thêm: Chuyện đã qua lâu lắm rồi!
Muốn đến đó mất mười lăm phút đi ghe sau hơn một giờ đi xe máy. Mua lô đất Lâm thiếu hai mươi lăm triệu đồng, người bạn cho mượn. Ngày nhận giấy sở hữu, Lâm phân vân cả tuần giữa việc bán miếng đất ở vùng cao hay cố kéo cày trả nợ. Vốn là người luôn sòng phẳng và rất nghiêm túc trong việc làm ăn, không muốn dây dưa nợ nần với ai, Lâm quyết định bán miếng đất cỏ lau lút đầu ở trung tâm thị xã trên cao nguyên, lời lãi không đáng kể. Anh tự nhủ, thế là dứt tình với cao nguyên rồi nhé!
Giải quyết nợ nần, ngồi rung đùi cầm tờ sở hữu, Lâm vẽ tương lai lô đất bằng những gam màu rất sáng. Con lạch sẽ được lấp trong nay mai, hai mươi lăm cây số từ đó đến cơ quan thấm tháp gì so với những cây số đã đi trong đời; càng ngắn hơn nữa nếu có chiếc xe hơi, rồi căn biệt thự kiểu cổ… Những lần ra thăm đất, đắm mình trong không gian thoáng đãng và yên tĩnh, Lâm thường so sánh căn nhà anh đang ở trong khu lao động, quanh năm bao bọc bởi tiếng ồn, tiếng người trả giá bán buôn, tranh cãi, tiếng trẻ con nô đùa; mùa mưa, khi những con đường lớn bị tắc nghẽn, lại rầm rập tiếng xe máy len lỏi, chen nhau vội vã về nhà. Những ý tưởng so sánh đó làm Lâm muốn rút ngắn số tuổi làm việc của đời công chức xuống mười năm.
Việc gì cũng có số. Kết luận này Lâm rút ra khi lô đất mới mua, tờ giấy sở hữu chưa kịp ráo mực thì có quyết định nằm trong khu quy hoạch. Giá đền bồi 150 triệu đồng, so với số tiền Lâm đã bỏ ra vẫn có lời chút ít, nhưng, so với việc đầu cơ đất lâu nay của thiên hạ và việc nát óc suy tính, tìm tòi, chưa kể công ăn chực nằm chờ làm giấy tờ, xăng nhớt lên xuống… Rõ ràng Lâm đã lỗ to!
Bốn năm về lại thành phố, loay hoay với việc mua đất, thời gian trôi qua nhanh khi Lâm nhận quyết định công tác tiền trạm một công trình thủy điện khác cũng ở vùng cao nguyên cũ. Cầm tờ quyết định, vấn đề đầu tiên Lâm nghĩ đến là mua đất (lại mua đất!). Lần này anh tính… xa hơn. Cần phải mua một căn nhà để có nơi nghỉ lại trong hai ngày cuối tuần, nếu không muốn về thành phố. Tiền đền bù đất không có kế hoạch gì cũng sẽ tiêu hết vào những việc không tên. Điện thoại lên xuống, nhắn tin qua lại, cuối cùng Lâm mua được một căn nhà trên Quốc lộ, cách trung tâm thị xã sáu cây số và cách công trình Lâm sẽ làm việc… bảy mươi cây số!
Đó là một căn nhà cấp bốn cũ kỹ, nằm trên miếng đất ba trăm mét vuông. So với căn nhà nhỏ “lúng ta lúng túng” ở thành phố thì (nói theo kiểu của Lâm): “Đi đứng thoải mái cái chân hơn”. Chồng tiền xong, Lâm xin nghỉ phép hai tuần, anh dồn hết nhân vật lực để sửa sang ngôi nhà cho tươm tất. Trước nhà có một cái quán, anh cho quét vôi màu xanh, bên cạnh quán là cổng để vào nhà. Qua khoảng sân rộng đến nhà chính có một phòng khách, một phòng ngủ, và khu vực công trình phụ, Lâm cho sơn nước toàn bộ cũng màu xanh. Sau nhà có một khoảng đất trống và một dòng suối chảy ngang qua như ranh giới phân chia đất của Lâm với láng giềng. Đứng ở đây Lâm có thể nhìn xuống thung lũng phía bên dưới, tha hồ thả mơ mộng vào những vườn trà thấp, cắt bằng phẳng, ngay ngắn nối tiếp nhau, kéo dài lượn lờ lên đồi mãi tới chân mây.
***
Từ Nha Trang tôi vào Sài Gòn thăm thằng con đang học năm thứ năm. Cả mùa hè vừa rồi nó không về nhà vì bận làm luận án tốt nghiệp. Ngồi ở nhà, không chịu nổi nghe vợ ta thán: “Không biết nó thế nào ở trỏng”, tôi xin nghỉ phép mấy ngày khăn gói vào thăm. Buổi tối trước ngày lên tàu về lại Nha Trang, chuẩn bị ghé đến Lâm thì tôi nhận được tin nhắn của hắn: “Cuối tháng này mình đi Đại Ninh”. Tôi nhắn lại: “Mình đang ở Sài Gòn. Cậu ở đâu?”. Lâm vội vàng gọi cho tôi: “Đến nhà chơi, sáng mai mình đi Blao rồi”.
- Xem thêm: Nếu và thì
Tôi và Lâm là bạn với nhau từ hồi còn học mẫu giáo trường làng. Hết tiểu học, trung học rồi lên đại học hai thằng vẫn học chung. Thậm chí, lúc phân chia ban không hiểu sao hai thằng cùng chọn ngành địa chất. Ra trường Lâm ở lại Sài Gòn, tôi về Nha Trang. Khoảng cách bốn trăm năm mươi cây số không hề ngăn cách tình thân của chúng tôi khi mỗi năm Lâm đều về giỗ cha vào dịp tết và chúng tôi có một ngày họp lớp dịp hè. Mấy năm sau này thằng con tôi vào học Sài Gòn, thỉnh thoảng đi thăm con tôi lại ghé Lâm. Bạn bè ngồi lại cũng chỉ nhậu nhẹt, tán dóc. Ấy vậy mà không gặp một thời gian lại thấy thiêu thiếu, giống như cái kiểu đói tin tức, không biết lúc này nó ra sao rồi? Và cứ như thế, mỗi năm phải hai, ba lần gặp nhau mới an lòng.
Uống một hơi cạn ly bia, Lâm nhìn tôi đăm đăm:
– Ngày mai ông phải đi với tôi lên Blao cho biết nhà mới.
Tự nhiên lúc đó, tôi ngẫu hứng, hưởng ứng ngay:
– OK. Cuộc đời đó có bao lâu mà hững hờ. Mình chưa đi Blao bao giờ, sẵn tiện ghé Di Linh thăm thằng em vợ luôn.
Vậy là vô tình tôi có được một chuyến viễn du hình tam giác không định trước. Điện thoại về cho vợ:
– Anh đi Blao cùng với Lâm, sẵn tiện ghé Di Linh thăm Tuấn luôn. (Tuấn là em vợ tôi).
Biết tánh chồng hay sa đà, ngẫu hứng bất tử, nhưng dù sao cũng là dịp thăm em mình, vợ tôi vui vẻ:
– Còn tiền không mà đi dữ vậy?
Tôi chuyển niềm vui nhà mới của Lâm qua đường dây điện thoại về cho vợ:
– Chuyện nhỏ, lên đó ở nhà Lâm.
Vợ tôi hỏi dồn:
– Ảnh mua nhà ở Bảo Lộc nữa hả?
Lần này thì tôi phải chủ động cắt ngang câu chuyện có vẻ muốn kéo dài thêm của phụ nữ:
– Ừ. Thôi nghen. Hai ngày nữa anh về.
Lâm điện thoại cho xe khách: “Tôi đặt hai chỗ đi Bảo Lộc. Đón ở HVT”. “Bốn giờ chạy hả? Vậy ba rưỡi gọi điện thoại nghe”.
Đặt điện thoại xuống, Lâm quay sang tôi:
– Bây giờ chỉ cần ngồi nhà là có xe đến đón, thậm chí còn gọi điện thoại sợ mình ngủ quên.
Khi những chai bia chỉ còn trơ vỏ nằm lăn lóc trên sàn thì mắt tôi và Lâm cùng muốn nhíu hết lại. Lâm trải cho tôi cái ghế bố, xong hắn lên lầu:
– Ngủ thôi, mai còn đi.
Ba giờ sáng đã có chuông điện thoại nhà xe vang inh ỏi. Lâm và tôi vùng dậy, lịch kịch khăn gói ra đi. Chiếc xe đậu ở bến chán chê, bốn giờ rưỡi mới thấy tài xế đủng đỉnh bước lên. Nhìn anh tài xế, người phụ nữ ngồi bên cạnh tôi lắc đầu, chặc lưỡi một cái rồi nói bâng quơ:
– Ông tài này chạy phải biết!
Lâm ngáp thật dài:
– Bữa nay chạy trễ nửa tiếng. Lên đó cũng phải tám giờ!
Đúng như câu nói bâng quơ của người phụ nữ, vừa ra khỏi thành phố anh tài xế “phang” tới tấp. Mỗi lần vượt qua một chiếc xe nào, hành khách trên xe ngả nghiêng hết. Gần chục năm không ngồi xe đò, tôi chợt nổi gai ốc. Nhìn sang bên cạnh, Lâm tỉnh bơ:
– Mình ngồi trên xe thấy sợ chớ người cầm vô-lăng họ biết tự điều chỉnh.
Tôi nhắm mắt, tự trấn an:
– Thôi thì có số cả!
Tôi không còn lòng dạ nào để ngắm cảnh đẹp trên Quốc lộ 20. Những rừng thông ken dày xanh thẫm, những đồi cỏ non xanh mượt, thác nước chảy… lướt qua mắt tôi trong tâm trạng thấp thỏm suốt hành trình. Bên cạnh Lâm đã ngủ tự hồi nào, đầu nghiêng qua, ngả lại, lắc lư. Lâm dễ ăn, dễ ngủ. Hồi còn thanh niên, tôi và Lâm có dáng hao hao, cùng cao mét bảy và ốm như nhau. Ở tuổi bốn mươi Lâm phát tướng. Trong khi đó tôi vẫn mang dáng dấp nói theo kiểu của vợ: “Ông không ra ông, thằng không ra thằng. Coi bạn bè anh kìa, ai cũng phát tướng. Mập mạp mới giàu, ốm như anh làm sao mà giàu được!”. Chẳng lẽ tiền bạc đi với vóc người? Nhưng, kinh nghiệm cả đời gút lại là không nên tranh cãi với phụ nữ về tiền bạc và số phận. Tôi đành chấp nhận cái lý lẽ của vợ đưa ra, ròm như tôi phải mang nghèo suốt kiếp!
Riêng với Lâm, hồi mới phát tướng hắn thường chọc tôi: “Cậu phải làm sao cho có bụng một chút, đi làm việc người ta mới nể nang (!)”. Mấy năm sau này khi thân hình phát triển quá đà, mỗi khi vào Sài Gòn tôi thấy Lâm thường đi bộ buổi chiều sau giờ tan sở. Hắn lại nói: “Ốm như cậu mà hay, lớn tuổi không nên mập”. Sống đến tuổi này, tôi dư hiểu mớ lý lẽở đời chỉ gói gọn trong mấy chữ: cái gì cũng có giá.
Xe ngừng đón một tốp người khăn áo chỉnh tề bước lên. Có tiếng một người nói với bác tài:
– Hôm nay đi ăn cưới, gặp lại ông là vui rồi. Ông chạy tui thấy… đã. Chiều mấy giờ xuống, đón tụi này luôn.
Lâm tỉnh ngủ, nói với tôi:
– Tuyến Đà Lạt – Sài Gòn xe chạy suốt ngày đêm, chạy nhanh, tranh khách rồi còn kịp về.
Tôi nhìn những vị khách mới bước lên. Yên tâm khi thấy ai cũng tai to mặt lớn, có tướng trường thọ.
Qua hết đèo Bảo Lộc, xe chạy một đoạn ngắn là đến nhà Lâm nằm trên Quốc lộ. Mở cổng vào nhà, Lâm bắt đầu giới thiệu về nhà ngôi mới của hắn:
– Mình sơn cổng màu xanh nhạt, đố cậu biết sao không?
Thấy tôi không trả lời. Hắn tiếp:
– Tỉnh vừa có chỉ thị nhà mặt tiền trong thành phố phải sơn màu sáng.
– Nhưng đây đâu phải trung tâm?
– Cậu thật là… Mình phải tiếp thu cái gì hay chớ!
Lâm đưa tôi đi từ trước ra sau. Hắn miên man với tôi về những dự định ấp ủ. Chỗ này mình sẽ xây thêm hai phòng để lỡ có khách, chỗ kia mình sẽ, chỗ nọ mình sẽ… Chỉ khoảng đất trống sau nhà, tôi hỏi hắn định làm gì và suýt bật cười khi nghe câu trả lời đầy lạc quan:
– Trồng cây ăn trái!
Tôi biết Lâm có thể nói trong năm phút những điều mà cả đời mười thằng như tôi và hắn hiệp lại cũng không tài nào thực hiện nổi. Xách chiếc Spacy 125 cũ kỹ, hắn chở tôi đi khắp nơi:
– Ở trên này đã lắm, có những ngày Chủ nhật, kéo một giấc đến bốn giờ chiều, mình không muốn về lại Sài Gòn.
Tôi hỏi hắn:
– Tuần nào cậu cũng lên đây?
– Có khi đi từ chiều thứ Sáu. Riết rồi quen.
Tôi không thể tưởng tượng những chuyến đi như con thoi như thế, nhất là trên những chiếc xe khách chạy “phang côn bữa củi” vừa rồi. Lên một con dốc cao, sợ chiếc xe ì ạch tôi hỏi Lâm:
– Liệu có leo nổi không?
Lâm cười to:
– Cậu này, đại bàng vẫn là đại bàng dù nó có gãy cánh. Xe 125 phân khối lo gì!
Một ngày ở Blao trôi qua nhanh. Buổi tối hai thằng xách mấy chai ngồi ngoài sân. Tôi lại nghe Lâm miên man về những dự định. Sáng hôm sau Lâm chở tôi ra bến xe để đi Di Linh. Trong sương sớm giọng hắn buồn buồn:
– Cậu nghĩ coi, nếu không có ba cái vụ nhà đất này làm sao mình qua được những năm tháng khủng hoảng ấy. Đợt này đi Đại Ninh, chắc lâu lắm mình mới về lại Sài Gòn.
Tôi không dám chạm đến những vết thương cũ đã liền sẹo trong đời sống của bạn. Hắn từng có một gia đình hạnh phúc, vì nhiều lý do, gia đình ấy đã tan. Hắn sống một mình mười năm nay. Sương sớm vẫn còn dày đặc, tôi kéo cao cổ áo, bước xuống xe, bắt tay Lâm:
– Mình về. Hẹn gặp nhau ngày giỗ ông cụ.
Lâm quay xe lại, ánh đèn pha màu vàng như vết dao cắt đôi màn sương. Tôi nhìn mãi cái lưng bắt đầu có đường hơi cong của Lâm cho đến khi tất cả chỉ còn một màn sương trắng xóa.
Ngày hôm sau từ Di Linh về Nha Trang, ngồi trên xe đò, tôi nhận được tin nhắn của Lâm: “Đã về chưa?”. Tôi nhắn lại: “Đang về, còn cậu?”. Lâm nhắn lại cho tôi: “Sắp về”.
Tôi nghĩ đến những chuyến xe chạy quá tốc độ trên Quốc lộ 20; những nỗi buồn khép kín; những ngày nghỉ cuối tuần bắt đầu từ ba giờ sáng và chợt nhớ lại câu nói của Lâm:
– Có những buổi chiều Chủ nhật không muốn về lại Sài Gòn.